HĐXX phúc thẩm áp dụng quy định của BLHS về tội nặng hơn như thế nào?

30/11/2021 11:01 | 2 năm trước

(LSVN) – Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), trường hợp Viện Kiểm sát (VKS) kháng nghị hoặc bị hại kháng cáo yêu cầu thì Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm có thể áp dụng điều, khoản của Bộ luật Hình sự (BLHS) về tội nặng hơn. Đối với các quyết định theo hướng có lợi cho bị cáo và những người tham gia tố tụng dù có kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm theo hướng đó hay không thì Toà án cấp phúc thẩm vẫn có thẩm quyền quyết định khi xét xử phúc thẩm, nếu như quyết định đó không trái quy định pháp luật. Tuy nhiên, đối với các quyết định theo hướng không có lợi cho bị cáo và những người tham gia tố tụng thì Toà án cấp phúc thẩm chỉ có thẩm quyền quyết định trong một số trường hợp mặc dù có kháng cáo, kháng nghị theo hướng đó.

  Ảnh minh họa. 

Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị. Do vậy, kháng cáo, kháng nghị là căn cứ phát sinh thủ tục xét xử phúc thẩm. Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 357 BLTTHS, trường hợp VKS kháng nghị hoặc bị hại kháng cáo yêu cầu thì HĐXX phúc thẩm có thể áp dụng điều, khoản của BLHS về tội nặng hơn. Đối với các quyết định theo hướng có lợi cho bị cáo và những người tham gia tố tụng dù có kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm theo hướng đó hay không thì Toà án cấp phúc thẩm vẫn có thẩm quyền quyết định khi xét xử phúc thẩm, nếu như quyết định đó không trái quy định pháp luật. Tuy nhiên, đối với các quyết định theo hướng không có lợi cho bị cáo và những người tham gia tố tụng thì Toà án cấp phúc thẩm chỉ có thẩm quyền quyết định trong một số trường hợp mặc dù có kháng cáo, kháng nghị theo hướng đó.

Áp dụng điều, khoản của BLHS về tội nặng hơn là trường hợp Toà án cấp phúc thẩm áp dụng điều, khoản của BLHS mà điều khoản đó so với điều, khoản mà Toà án cấp sơ thẩm áp dụng nặng hơn. Ví dụ, Toà án cấp sơ thẩm áp dụng khoản 1 Điều 173 BLHS về tội "Trộm cắp tài sản" nhưng Toà án cấp phúc thẩm áp dụng khoản 2, khoản 3 Điều 173 BLHS hoặc Toà án cấp sơ thẩm kết án bị cáo về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo khoản 3 Điều 175 BLHS hay trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm kết án bị cáo về tội "Cố ý gây thương tích" theo điểm a khoản 4 Điều 134 BLHS, Toà án cấp phúc thẩm kết án bị cáo về tội "Giết người" theo khoản 2 Điều 123 BLHS.

Thực tiễn áp dụng quy định này của Toà án cấp phúc thẩm cơ bản không có nhiều vướng mắc. Tuy nhiên, một số trường hợp dưới đây hiện còn có quan điểm khác nhau, tác giả thấy cần thiết đưa ra trao đổi để thống nhất trong nhận thức và áp dụng:

Trường hợp thứ nhất: Bị cáo bị khởi tố, truy tố về tội "Giết người" theo khoản 2 Điều 123 BLHS (không có người bào chữa). Tòa án cấp sơ thẩm kết án bị cáo về tội "Giết người" theo truy tố của VKS. Sau khi xét xử sơ thẩm, VKS cấp trên cho rằng bị cáo phạm tội "Giết người" có tính chất côn đồ nên kháng nghị đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xét xử tuyên bị cáo phạm tội "Giết người" theo điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS. Nếu có căn cứ xác định bị cáo phạm tội theo điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS thì cấp phúc thẩm có sửa án sở thẩm theo hướng đó được không?

Quan điểm thứ nhất cho rằng, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm thấy có căn cứ xác định bị cáo phạm tội "Giết người" theo khoản 1 Điều 123 BLHS thì Tòa án cấp phúc thẩm (Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa) chỉ cần chỉ định Luật sư cho bị cáo (tức là bảo đảm quyền bào chữa) và tại phiên tòa phúc thẩm nếu đủ căn cứ thì HĐXX phúc thẩm có thể sửa bản án sơ thẩm kết án bị cáo về tội "Giết người" theo điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS. Quan điểm này dựa trên quy định tại khoản 2 Điều 357 BLTTHS là chỉ cần có kháng cáo của bị hại hoặc kháng nghị của VKS theo hướng tăng nặng thì Tòa án cấp phúc thẩm có thể sửa án theo hướng đó.

Quan điểm thứ hai (cũng là quan điểm của tác giả), cho dù Tòa án cấp phúc thẩm đã chỉ định Luật sư bào chữa cho bị cáo và tại phiên tòa phúc thẩm có đủ cơ sở kết án bị cáo theo khoản 1 Điều 123 BLHS thì Tòa án cấp phúc thẩm cũng không thể sửa án sơ thẩm kết án bị cáo về tội "Giết người" theo điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS mà vẫn phải hủy bản án sơ thẩm để điều tra, truy tố, xét xử bị cáo theo khoản 1 Điều 123 BLHS vì khoản 1 Điều 123 BLHS có khung hình phạt đến hai mươi năm, tù chung thân, tử hình nên bắt buộc phải có người bào chữa từ giai đoạn điều tra, truy tố. Vì vậy, HĐXX phải căn cứ điểm a khoản 1 Điều 358 BLTTHS hủy bản án sơ thẩm để điều tra về tội nặng hơn tội đã tuyên trong bản án sơ thẩm. Tòa cấp phúc thẩm chỉ có thể sửa bản án sơ thẩm kết án bị cáo theo khoản 1 Điều 123 BLHS nếu sơ thẩm VKS truy tố bị cáo theo khoản 1 Điều 123 BLHS (bảo đảm đầy đủ các quyền của bị cáo theo quy định của BLTTHS từ giai đoạn điều tra) Tòa án cấp sơ thẩm đưa vụ án ra xét xử theo khoản 1 Điều 123 BLHS nhưng sau đó kết án bị cáo theo khoản 2 Điều 123 BLHS.

Trường hợp thứ hai: Bị cáo bị cấp sơ thẩm truy tố, xét xử tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo khoản 3 Điều 175 BLHS, Tòa cấp sơ thẩm xử phạt 7 năm tù theo tội danh VKS truy tố. Sau khi xét xử sơ thẩm bị hại kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xét xử bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 3 Điều 174 BLHS và tăng hình phạt đối với bị cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm nếu có đủ căn cứ thì HĐXX phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm kết án bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 3 Điều 174 BLHS được không?

Quan điểm thứ nhất cho rằng, trường hợp này do có kháng cáo tặng nặng của bị hại (đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xét xử bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 3 Điều 174 BLHS, và tăng hình phạt), đồng thời khoản 3 Điều 174 BLHS có khung hình phạt 7 đến 15 năm tù vẫn thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm và hành vi phạm tội của bị cáo đã được khởi tố, điều tra, truy tố. Vấn đề chỉ là quan điểm định tội danh đối với hành vi mà bị cáo đã thực hiện là khác nhau do cách nhìn nhận và đánh giá chứng cứ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng chứ không phải Tòa phúc thẩm kết án bị cáo về một hành vi chưa được khởi tố, điều tra, truy tố.

Do vậy, tại phiên tòa phúc thẩm nếu có đủ căn cứ xác định bị cáo phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thì HĐXX phúc thẩm áp dụng điểm a khoản 2 Điều 357 BLTTHS sửa bản án sơ thẩm kết án bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 3 Điều 174 BLHS. Tuy nhiên, trong quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm Tòa án phải ghi rõ tội danh, điều khoản của BLHS mà VKS đã truy tố và tội danh, điều khoản của BLHS mà Tòa án sẽ xét xử đồng thời thông báo cho bị cáo biết để họ thực hiện quyền bào chữa tại phiên tòa phúc thẩm.

Quan điểm thứ hai (cũng là quan điểm của tác giả), tại phiên tòa phúc thẩm cho dù có đủ căn cứ thì HĐXX phúc thẩm cũng không thể sửa bản án sơ thẩm kết án bị cáo phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 3 Điều 174 BLHS được vì như vậy là vi phạm giới hạn của việc xét xử quy định tại Điều 298 BLTTHS, đồng thời không bảo đảm quyền kháng cáo của bị cáo về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, Điều 298 BLTTHS quy định “Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà VKS truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử… Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh VKS truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để VKS truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu VKS vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó”.

Như vậy, trong vụ án trên VKS chỉ truy tố và Tòa án cấp sơ thẩm chỉ xét xử bị cáo về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" thì cấp phúc thẩm không thể xét xử bị cáo về tội nặng hơn là tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" được. Hơn nữa, Tòa án cấp sơ thẩm chỉ được xét xử bị cáo về tội khác nặng hơn tội VKS đã truy tố sau khi đã tiến hành trả hồ sơ điều tra bổ sung, kể cả sau khi trả hồ sơ VKS vẫn giữ nguyên tội danh đã truy tố [1]. Đây là giới hạn xét xử sơ thẩm (là quy định mới của BLTTHS năm 2015 nhằm bảo đảm quyền bảo chữa cho bị cáo) nhưng Tòa án cấp phúc thẩm vẫn phải tuân thủ, bởi vì mặc dù BLTTHS không quy định trực tiếp, cụ thể phạm vi thẩm quyền của Toà án cấp phúc thẩm trong giới hạn xét xử sơ thẩm.

Tuy nhiên, căn cứ vào nguyên tắc chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm và tính chất của xét xử phúc thẩm quy định tại Điều 27 và Điều 330 BLTTHS, Toà án cấp phúc thẩm “xét xử lại vụ án” chứ không xét xử vụ án lần thứ hai, vì vậy không được chấp nhận nội dung ngoài giới hạn xét xử sơ thẩm để sửa bản án sơ thẩm. Vì thế, không thể cho rằng trong quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm Tòa án đã ghi rõ tội danh, điều khoản của BLHS mà VKS đã truy tố và tội danh, điều khoản của BLHS mà Tòa án sẽ xét xử đồng thời thông báo cho bị cáo biết là bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo, vì đây chỉ là quy định cho xét xử sơ thẩm[2].

Mặt khác, việc Tòa án cấp phúc thẩm kết án bị cáo về tội nặng hơn (tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản) là không bảo đảm quyền kháng cáo của bị cáo đối với tội danh mới mà Tòa cấp phúc thẩm vừa xét xử đối với họ. Do vậy, theo tác giả trường hợp này HĐXX phải căn cứ điểm a khoản 1 Điều 358 BLTTHS hủy bản án sơ thẩm để điều tra về tội nặng hơn tội đã tuyên trong bản án sơ thẩm mà không thể sửa bản án sơ thẩm để kết án bị cáo về tội nặng hơn được.

Tuy nhiên, trong trường hợp sau thì Tòa án cấp phúc thẩm lại có thể sửa tội danh mà Tòa án cấp sơ thẩm đã kết án thành tội danh khác nặng hơn. Ví dụ, VKS truy tố bị cáo về tội "Giết người" theo Điều 123 BLHS, trong giai đoạn điều tra, truy tố, và chuẩn bị xét xử sơ thẩm các cơ quan tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng các quy định của BLTTHS, bảo đảm đầy đủ các quyền của bị can, bị cáo, Tòa án cấp sơ thẩm đưa vụ án ra xét xử bị cáo về tội "Giết người" nhưng kết án bị cáo về tội "Cố ý gây thương tích" theo khoản 4 Điều 134 BLHS, sau khi xét xử sơ thẩm VKS kháng nghị đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xét xử bị cáo về tội "Giết người" (tội danh mà VKS đã truy tố). Tại phiên tòa phúc thẩm HĐXX thấy kháng nghị của VKS có căn cứ nên đã kết án bị cáo về tội "Giết người" theo Điều 123 BLHS.

Trường hợp này, Toà án cấp phúc thẩm không vi phạm về thẩm quyền và phạm vi xét xử phúc thẩm, vì tội "Giết người" mà VKS truy tố đã được Toà án cấp sơ thẩm xét xử, Kiểm sát viên đã trình bày lời luận tội đề nghị HĐXX kết án bị cáo về tội mà VKS đã truy tố; bị cáo và người bào chữa đã được trình bày lời bào chữa; người bị hại và những người tham gia tố tụng khác đã được trình bày ý kiến của mình về vụ án nhưng vì nguyên nhân khác nhau nên Toà án cấp sơ thẩm không kết án bị cáo về tội "Giết người" mà kết án bị cáo về tội "Cố ý gây thương tích" và việc không kết án bị cáo về tội "Giết người" rõ ràng là không đúng pháp luật thì HĐXX phúc thẩm có quyền sửa án sơ thẩm kết án bị cáo về tội "Giết người" [3].

Như vậy, không phải cứ có kháng cáo của bị hại hoặc kháng nghị của VKS yêu cầu áp dụng khung hình phạt nặng hơn hoặc tội danh khác nặng hơn thì Tòa án cấp phúc thẩm có thể sửa án theo hướng đó như thế nào cũng được, mà việc áp dụng điều khoản của BLHS về tội nặng hơn phải thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp sơ thẩm và trong giới hạn xét xử quy định tại Điều 298 BLTTHS đồng thời phải bảo đảm được quyền bào chữa, quyền kháng cáo của bị cáo.

Tóm lại, HĐXX phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm áp dụng điều, khoản của BLHS về tội nặng hơn chỉ có thể là các trường hợp sau:

Thứ nhất, cấp phúc thẩm áp dụng khung hình phạt nặng hơn khung hình phạt mà cấp sơ thẩm đã tuyên trong cùng một điều luật, nhưng khung hình phạt đó vẫn phải thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm. Ví dụ, Tòa án cấp huyện kết án bị cáo tội "Trộm cắp tài sản" theo khoản 3 Điều 173 BLHS, tại phiên tòa phúc thẩm thấy có đủ căn cứ thì HĐXX cũng không thể sửa án sơ thẩm kết án bị cáo theo khoản 4 điều 173 BLHS được, vì khoản 4 điều 173 BLHS có khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù không thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện.

Thứ hai, kết án bị cáo về tội danh khác nặng hơn tội đã tuyên trong bản án sơ thẩm với điều kiện trước đó VKS đã truy tố về tội danh nặng hơn và Tòa án cấp sơ thẩm cũng xét xử bị cáo về tội danh VKS truy tố nhưng không chấp nhận tội danh theo truy tố mà kết án bị cáo về tội danh nhẹ hơn (ví dụ tội "Giết người" nêu trên là một trường hợp) [4].​

[1] Xem khoản 2 Điều 7 Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22/12/2017 Quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

[2] Xem hướng dẫn tại mục 2 phần II Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của TANDTC giải đáp một số vướng mắc nghiệp vụ và mục 2 phần II Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của TANDTC về việc thồng báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử.

[3] Thạc sĩ Đinh Văn Quế, Toà án cấp phúc thẩm áp dụng Điều khoản của Bộ luật hình sự về tội nặng hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn, http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/tandtc/baiviet?p_page_id=1754190&p_cateid=1751909&article_details=1&item_id=14078019, truy cập ngày 25/10/2021.

[4] Hỏi đáp pháp luật, http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/tandtc/hoidap_pl?detail=2&id=354&sid=20309, truy cập ngày 26/10/2021.

“Hỏi: VKS truy tố về tội nặng, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử về tội nhẹ hơn. VKS kháng nghị, người bị hại kháng cáo đề nghị tăng hình phạt. Tòa án cấp phúc thẩm có quyền đổi (sửa) tội danh nặng hơn không? Nếu Tòa phúc thẩm thấy có căn cứ cho rằng bị cáo phạm tội nặng hơn tội của VKS đã truy tố thì có được sửa tội danh và tăng hình phạt không?

Trả lời: Theo khoản 3 Điều 249 BLTTHS năm 2003 thì trong trường hợp VKS kháng nghị hoặc người bị hại kháng cáo yêu cầu thì Tòa án cấp phúc thẩm có thể tăng hình phạt, áp dụng điều khoản BLHS về tội nặng hơn, tăng mức bồi thường thiệt hại… Như vậy, khi Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận truy tố của VKS, xử phạt bị cáo (hoặc các bị cáo) về tội nhẹ hơn tội danh mà VKS truy tố, VKS kháng nghị, người bị hại kháng cáo thì Tòa án cấp phúc thẩm hoàn toàn có thể chấp nhận kháng nghị, kháng cáo và sửa bản án sơ thẩm, xét xử bị cáo (các bị cáo) về tội danh nặng hơn, có thể tăng hình phạt nếu việc sửa đó là có căn cứ.

Ngược lại nếu không có căn cứ, Tòa án cấp phúc thẩm có thể không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm, thậm chí còn có thể giảm hình phạt, xử phạt về tội nhẹ hơn, cho hưởng án treo mặc dù kháng nghị và kháng cáo yêu cầu xử phạt tội nặng hơn, hình phạt nặng hơn.

Trong trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm thấy có căn cứ để xử phạt bị cáo về tội nặng hơn tội mà VKS truy tố (mà Tòa án cấp sơ thẩm đã không chấp nhận) thì Tòa án cấp phúc thẩm cũng không được xét xử theo tội danh nặng hơn tội danh mà VKS cấp sơ thẩm đã truy tố. Tòa án cấp phúc thẩm có thể chấp nhận kháng nghị, kháng cáo theo tội danh VKS truy tố và kiến nghị Tòa án cấp giám đốc thẩm xem xét lại vụ án”. Tuy nhiên, để tránh việc giải quyết vụ án bị kéo dài, BLTTHS năm 2015 đã cho phép HĐXX phúc thẩm có quyền hủy án sơ thẩm nếu có căn cứ xác định bị cáo phạm tội năng hơn tội VKS đã truy tố mà không cần phải chấp nhận kháng cáo, kháng nghị theo tội danh truy tố của VKS và kiến nghị giám đốc thẩm xem xét lại vụ án như trước đây nữa.

Thạc sĩ BÙI MẠNH THUYẾT

Thẩm phán Tòa án quân sự Quân khu 2

Thực tiễn thi hành Luật Đất đai 2013 và những bất cập cần sửa đổi, bổ sung