Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nước ta đã tương đối đầy đủ

17/09/2020 21:33 | 3 năm trước

(LSO) - Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) nước ta đã tương đối đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực kinh tế-xã hội; phần lớn văn bản QPPL có chất lượng tốt, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ tư pháp trình bày báo cáo của Chính phủ tại phiên họp.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định khi trình bày Báo cáo Kết quả rà soát văn bản QPPL thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTV QH) sáng 17/9,

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã tương đối đầy đủ

Tiếp tục chương trình kỳ họp, ngày 17/9, UBTV QH tiến hành phiên họp xem xét các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước về kết quả rà soát văn bản QPPL; báo cáo kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH về việc ban hành văn bản QPPL trong nhiệm kỳ QH khóa XIV; cho ý kiến về báo cáo về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của QH.

Trình bày báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, về kết quả rà soát liên quan đến kiến nghị của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kiến nghị 25 nội dung được cho là có chồng chéo, mâu thuẫn, chưa rõ ràng trong pháp luật về đầu tư kinh doanh.

Qua rà soát cho thấy, 16/25 nội dung được nêu là có cơ sở hoặc đúng một phần, 9/25 nội dung chưa chính xác.

Nhiều nội dung trong các kiến nghị này đã được Bộ Tư pháp chủ động rà soát, phát hiện trước đó, thể hiện trong các báo cáo rà soát gửi Thủ tướng Chính phủ kịp thời chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan thực hiện các giải pháp để hoàn thiện pháp luật.

Đến nay, 12/16 nội dung đã được xử lý tại Luật Đầu tư năm 2020 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020; 4 nội dung khác đang được các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất xử lý trong quá trình xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường và một số Nghị định của Chính phủ (chi tiết xem Phụ lục XI).

Về nội dung quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, Bộ trưởng Lê Thành Long cho hay, tổng số văn bản đã được các bộ, cơ quan ngang bộ, Nhóm rà soát của Tổ công tác rà soát là 8.779 văn bản; bao gồm 249 bộ luật, luật; 43 nghị quyết của QH; 44 pháp lệnh, nghị quyết của UBTV QH; 1.163 nghị định của Chính phủ; 866 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 6414 văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ).

Nội dung các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn tập trung vào 10 lĩnh vực có tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh.

Đánh giá chung, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, về mặt tích cực, kết quả rà soát cho thấy, công tác xây dựng văn bản QPPL thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực.

Hệ thống văn bản QPPL nước ta đã tương đối đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực kinh tế-xã hội; phần lớn văn bản QPPL có chất lượng tốt, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn.

Thể chế phát triển các yếu tố thị trường và các loại thị trường đã từng bước được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý cho các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật ngày càng được nâng lên.

Quy trình xây dựng văn bản QPPL ngày càng được cải tiến, hoàn thiện, từng bước bảo đảm chính sách, pháp luật phản ánh đúng nhu cầu thực tiễn; các quy định trong bộ luật, luật ngày càng cụ thể và thi hành được ngay sau khi có hiệu lực.

Công tác soạn thảo, thẩm định, thẩm tra dự thảo văn bản QPPL, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL ngày càng thực chất, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi của văn bản QPPL; công tác pháp điển, hợp nhất bước đầu phát huy hiệu quả, giúp bảo đảm tính công khai, minh bạch, dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật…

Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, về hệ thống văn bản QPPL, hệ thống pháp luật vẫn còn cồng kềnh, phức tạp với số lượng lớn văn bản dưới luật, nhất là văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ.

Một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn; tính khả thi, tính dự báo chưa cao, ảnh hưởng đến tính ổn định của hệ thống pháp luật.

Một số quy định chưa đáp ứng yêu cầu “chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu” theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL, dẫn đến việc hiểu, áp dụng không thống nhất.

Một số cơ quan soạn thảo văn bản chưa quan tâm đúng mức đến việc rà soát đầy đủ, kỹ lưỡng quy định trong các văn bản QPPL liên quan khi sửa đổi, bổ sung, ban hành quy định mới, dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định.

Về thi hành pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ ra rằng, việc gắn kết giữa xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực chưa thực sự hiệu quả, chưa phản ánh đầy đủ, kịp thời nhu cầu thực tiễn; việc triển khai thực hiện một số chế định pháp luật còn thiếu đồng bộ, nhất là xử lý vi phạm chưa kịp thời và đủ nghiêm khắc.

Cơ chế đảm bảo cho người dân giám sát thi hành pháp luật còn chưa thực sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

Một số trường hợp ban hành văn bản QPPL chưa chú trọng đúng mức đến đánh giá tác động và các điều kiện bảo đảm thi hành, dẫn đến khó đi vào cuộc sống…

Lý giải nguyên nhân, Bộ trưởng Long cho biết, nguyên nhân khách quan của những tồn tại, hạn chế trên là do nguồn lực nhìn chung chưa tương xứng với tầm quan trọng, tính chất khó khăn, phức tạp của hoạt động xây dựng pháp luật.

Các điều kiện đảm bảo thi hành pháp luật còn chưađầy đủ, nhất là về tổ chức, bộ máy, biên chế và kinh phí; cơ chế phối hợp trong tổ chức thi hành pháp luật còn chưa đồng bộ, hiệu quả.

“Hoạt động đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ xây dựng pháp luật chưa thực sự sát với yêu cầu thực tiễn; cơ chế đãi ngộ chưa thu hút được nguồn cán bộ có chuyên môn cao…”, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết.

Các nguyên nhân chủ quan được chỉ ra bao gồm nhận thức của lãnh đạo một số cơ quan còn chưa thật sự đầy đủ về nội dung, yêu cầu của công tác xây dựng pháp luật; vẫn còn trường hợp chưa tuân thủ đầy đủ quy trình xây dựng văn bản; lấy ý kiến về dự thảo văn bản, nhất là ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản còn hình thức, chưa hiệu quả.

Việc tổng hợp, tiếp thu ý kiến đóng góp chưa triệt để; một số dự thảo văn bản được xây dựng thiếu gắn kết với kết quả điều tra, khảo sát thực tiễn, cũng như chưa bảo đảm tính dự báo. Năng lực, trình độ, kinh nghiệm xây dựng pháp luật còn hạn chế…

Cần nhận thức rõ văn bản QPPL là bộ phận cốt lõi của thể chế

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nói trên, Bộ trưởng Bộ tư pháp đề cập đến một số giải pháp như khẩn trương thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới các văn bản QPPL theo các phương án để xử lý kịp thời các quy định pháp luật có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc không phù hợp thực tiễn.

Tiếp tục thực hiện nghiêm quy trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL theo Luật Ban hành văn bản QPPL, bảo đảm chặt chẽ, khoa học, chuyên nghiệp.

Có giải pháp cụ thể để hạn chế tối đa việc ban hành văn bản có quy định chồng chéo, mâu thuẫn, không phù hợp thực tiễn.

Chú trọng việc rà soát kỹ lưỡng các quy định pháp luật hiện hành liên quan trước khi ban hành quy định mới; tăng cường huy động trí tuệ xã hội trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật…

Cùng với đó, các bộ, ngành, cơ quan liên quan cần quan tâm, nhận thức đầy đủ về nội dung, yêu cầu của công tác xây dựng pháp luật; cần nhận thức rõ văn bản QPPL là bộ phận cốt lõi của thể chế, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL, gắn kết chặt chẽ các công tác này với xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật.

Tăng cường nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật, có giải pháp đổi mới cơ chế phân bổ kinh phí, đảm bảo tài chính để đáp ứng yêu cầu đổi mới quy trình xây dựng chính sách, pháp luật, nhất là về khảo sát thực tiễn và đánh giá tác động của chính sách, đặc biệt là nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật, cả về số lượng, trình độ chuyên môn và đạo đức công vụ…

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác xây dựng, thi hành pháp luật trong thời gian tới, Chính phủ đưa ra một số đề xuất, kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, thi hành pháp luật, nhất là định hướng đối với những chính sách lớn trong các dự án luật quan trọng và bảo đảm gắn kết hiệu quả giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật.

QH tiếp tục quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật, nhất là các bộ luật, luật; UBTV QH, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát đối với công tác xây dựng, thi hành pháp luật, nhất là các lĩnh vực pháp luật có nhiều vướng mắc; tiếp tục quan tâm, thực hiện có hiệu quả hoạt động giải thích luật, pháp lệnh…

HOÀNG NAM/PLVN

/hoan-thien-phap-luat-ve-dat-dai-o-nuoc-ta-hien-nay.html