(LSVN) - Ở Việt Nam, từ Bộ luật Dân sự đầu tiên vào năm 1995 đến Bộ luật Dân sự năm 2005 và nay là Bộ luật Dân sự năm 2015 hiện hành, các nhà lập pháp đã chưa giải quyết triệt để trong việc xác định “giấy tờ” nào là “giấy tờ có giá” và loại “giấy tờ” nào là tài sản. Những khoảng trống pháp lý này vô hình trung đã làm cho các chủ thể trong xã hội gặp khó khăn, bất cập trong quá trình thực thi pháp luật trên thực tế. Trong phạm vi bài viết này, tác giả khái quát về các quy định về giấy tờ có giá của Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời chỉ ra những khoảng trống pháp lý và đưa ra kiến nghị hoàn thiện quy định này.
Ảnh minh hoạ.
Đặt vấn đề
Giấy tờ có giá là một trong những loại tài sản được pháp luật dân sự Việt Nam quy định và được phép giao dịch trong các giao dịch dân sự thường ngày ở nước ta, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng cùng với sự phát triển không ngừng của nền kinh tế - xã hội mà các loại tài sản tham gia vào giao dịch dân sự cũng xuất hiện sự thay đổi mới, không chỉ đa dạng về loại mà còn phong phú về hình thức.
Ở Việt Nam, khái niệm về giấy tờ có giá hiện đang được quy định tại nhiều văn bản pháp luật theo nhiều cách tiếp cận khác nhau tùy thuộc vào mục đích, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của văn bản pháp luật đó. Tuy nhiên, hiện chưa có một cách hiểu chung cũng như một khái niệm thống nhất về giấy tờ có giá. Giấy tờ có giá chỉ được quy định dưới dạng liệt kê các loại giấy tờ được coi là giấy tờ có giá. Bên cạnh đó, ngoài những giấy tờ có giá cụ thể mà pháp luật đã xác định thì giấy tờ có giá là tên gọi chung của các loại giấy tờ thỏa mãn hai điều kiện là trị giá được thành tiền và được phép giao dịch(1).
Theo nghĩa chung nhất, giấy tờ có giá được hiểu là chứng chỉ hoặc bút toán ghi sổ, trong đó xác nhận quyền tài sản của một chủ thể nhất định (tổ chức, cá nhân) xét trong mối quan hệ pháp lý với các chủ thể khác. Bên cạnh đó, trên phương diện kinh tế, giấy tờ có giá là một loại hàng hóa được mua bán, trao đổi trên thị trường tiền tệ(2). Còn xét ở phương diện pháp lý, giấy tờ có giá được quy định tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau, Bộ luật Dân sự năm 2015 là một trong văn bản luật được kỳ vọng sẽ giải thích rõ nhất về giấy tờ có giá, nhưng khi ban hành lại không hề có quy định về khái niệm giấy tờ có giá.
Tóm lại, giấy tờ có giá là một trong những loại tài sản quan trọng và cần thiết được quy định cụ thể nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho quá trình triển khai trên thực tế. Tuy nhiên đến nay, những nhầm lẫn về giấy tờ có giá ở Việt Nam vẫn thường xuyên tiếp diễn vì quy định về giấy tờ có giá trong hệ thống pháp luật nước ta chưa rõ ràng, cụ thể. Đây là một khoảng trống pháp lý hết sức to lớn và có thể dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường về sau. Vì vậy, việc xác định rõ khái niệm về giấy tờ có giá và các loại giấy tờ được xác định là giấy tờ có giá mang ý nghĩa quan trọng khi xác định đối tượng tài sản trong giao dịch dân sự, bảo đảm các chủ thể có thể hiểu rõ bản chất của giao dịch, từ đó có phương án bảo đảm quyền lợi của mình. Đồng thời, việc xác định giấy tờ có giá cũng để tránh việc nhầm lẫn đối với các giấy tờ pháp lý khác mang tính chất ghi nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của chủ sở hữu tài sản.
Khoảng trống pháp lý về giấy tờ có giá trong pháp luật dân sự Việt Nam
Trải qua 3 Bộ luật Dân sự (1995, 2005 và 2015), các nhà lập pháp của nước ta đều quy định tài sản bao gồm vật, tiền, giá tờ có giá và quyền tài sản. Trong đó, chỉ riêng Bộ luật Dân sự năm 1995 sử dụng thuật ngữ là “giấy tờ trị giá được bằng tiền” (Điều 172). Như vậy có thể thấy, Bộ luật Dân sự qua các giai đoạn đều khẳng định giấy tờ có giá là tài sản hay nói cách khác tài sản bao gồm giấy tờ có giá. Tuy nhiên, để xác định giấy tờ nào là giấy tờ có giá thì không có Bộ luật Dân sự nào quy định điều này. Bên cạnh đó, các Bộ luật này đều không có đưa ra giải thích, khái niệm nào về giấy tờ có giá hay những tiêu chí, tính chất đặc trưng nào để mọi người có thể nhận diện và xác định giấy tờ nào là giấy tờ có giá. Vì những khoảng trống pháp lý này mà trong thời gian qua, các tranh luận về việc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy đăng ký xe mô tô, giấy đăng ký xe ô tô,... có phải là tài sản không? Các quy định về giấy tờ có giá cũng có thể tìm thấy ở một số văn bản pháp luật khác. Ví như trong lĩnh vực tín dụng - ngân hàng, theo khoản 8 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 thì “giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác”.
Bên cạnh đó, tại khoản 1, 2, 3 Điều 2 Thông tư số 34/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu trong nước của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sửa đổi, bổ sung năm 2019) thì giấy tờ có giá được phát hành bởi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu, giấy tờ có giá vô danh và giấy tờ có giá ghi danh. Mặc dù trong những văn bản này có giải thích và xác định những loại giấy tờ nào là giấy tờ có giá nhưng đây là những văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, chỉ có thể áp dụng trong một phạm vi nhất định, không thể bao quát và điều chỉnh hết những loại giấy tờ nào là giấy tờ có giá trong toàn bộ các lĩnh vực. Do đó, nếu các chủ thể muốn áp dụng pháp luật tương tự trong các lĩnh vực khác là điều không thể.
Trước đây, tại khoản 9 Điều 3 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm (sửa đổi, bổ sung năm 2012) đã từng có quy định “giấy tờ có giá bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, séc, chứng chỉ quỹ, giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật, trị giá được thành tiền và được phép giao dịch”. Quy định này tưởng chừng đã giải quyết được vấn đề xác định giấy tờ có giá vì ngoài việc liệt kê những giấy tờ nào là giấy tờ có giá thì Chính phủ cũng đưa ra các tiêu chí giúp xác định như: pháp luật quy định; có trị giá được thành tiền; được phép giao dịch. Tuy nhiên, đến năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 21/2021/ NĐ-CP ngày 19/3/2021 quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thay thế toàn bộ Nghị định số 163/2006/NĐ-CP và không giữ lại quy định trên.
Vào thời điểm Nghị định số 163/2006/NĐ-CP còn hiệu lực thi hành, ngày 21/9/2011 Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 141/TANDTC-KHXX hướng dẫn về thẩm quyền giải quyết các yêu cầu trả lại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản, trong đó còn hướng dẫn “giấy tờ có giá” cho hệ thống tòa án nhân dân các cấp. Trong văn bản này, mặc dù Tòa án nhân dân tối cao đã viện dẫn rất nhiều điều khoản trong các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau để lý giải, xác định “giấy tờ có giá” nhưng lại không đề cập đến khoản 9 Điều 3 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP, trong khi đây được xem là quy định trực tiếp và quan trọng nhất. Trong thời gian qua, những hướng dẫn trong Công văn này vẫn được các cơ quan tòa án vận dụng trong xét xử vụ việc dân sự có liên quan. Cho đến khi Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 ra đời và có hiệu lực pháp luật đã có quy định như sau tại khoản 2 Điều 4 về quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp: “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”. Điều này dẫn đến hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao tại Công văn số 141/TANDTC-KHXX nói trên gần như không còn giá trị vận dụng được nữa.
Một số kiến nghị hoàn thiện quy định về giấy tờ có giá
Qua những phân tích nêu trên, có thể thấy khoảng trống pháp lý về giấy tờ có giá trong pháp luật dân sự Việt Nam sẽ dẫn đến những rắc rối về mặt pháp lý và hệ lụy khó có thể giải quyết được. Thực tế nhập nhằng trong xác định “giấy tờ có giá” vẫn đã và đang diễn ra. Chẳng hạn như sổ tiết kiệm, sổ bảo hiểm xã hội, giấy nhận nợ, giấy nhận hàng hóa, vé vào sân golf, vận đơn, vé vào chương trình,... có giá trị rất lớn nhưng có phải là giấy tờ có giá hay không? Nếu là giấy tờ có giá thì đương nhiên là tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Về nguyên tắc, nếu đã là tài sản thì được tham gia vào các giao dịch dân sự như trao đổi, mua bán, cầm cố, thế chấp,... miễn là không vi phạm điều cấm của luật. Còn nếu như không được coi là tài sản thì các loại giấy tờ này không thể tham gia vào quan hệ giao dịch dân sự. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu giao dịch mà xảy ra tranh chấp sẽ bị tòa án tuyên vô hiệu. Vấn đề này thực tế đã xảy ra và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên tham gia chỉ vì sự thiếu rõ ràng, cụ thể của pháp luật dẫn đến sự chủ quan của các chủ thể khi cho rằng những giấy tờ này là có giá và tiến hành giao dịch.
Vì vậy, việc có một quy định pháp lý cụ thể về giấy tờ có giá là đòi hỏi hết sức cấp thiết, cấp bách và chính đáng. Theo đó, tác giả đưa ra một số kiến nghị cụ thể như sau:
Thứ nhất, cần bổ sung điều khoản quy định khái niệm, giải thích về thuật ngữ giấy tờ có giá trong Bộ luật Dân sự năm 2015, bảo đảm những tiêu chí xác định giấy tờ có giá để các cơ quan, tổ chức, cá nhân đều có thể hiểu và thống nhất trong vấn đề này trên cơ sở kế thừa và phát triển những kinh nghiệm lập pháp đã từng có. Cụ thể nên quy định theo hướng là “Giấy tờ có giá bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, séc, chứng chỉ quỹ, giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật, trị giá được thành tiền và được phép giao dịch. Những giấy tờ pháp lý chỉ ghi nhận quyền sở hữu của chủ sở hữu đối với tài sản của mình thì không được xem là giấy tờ có giá”. Đồng thời, bổ sung quy định theo hướng mở để giải quyết triệt để các trường hợp phát sinh trong tương lai khó xác định, gây tranh cãi.
Thứ hai, Chính phủ cần ban hành danh mục các giấy tờ được xác định là giấy tờ có giá trong từng ngành, lĩnh vực cụ thể. Bãi bỏ các văn bản dưới luật trước đó đã ban hành theo thẩm quyền để tạo tính thống nhất, dễ tra cứu và phù hợp với xu hướng pháp điển hóa của Việt Nam. Đồng thời, Chính phủ cần phân cấp, phân quyền cho bộ trưởng, thủ trưởng cơ ngang ngang bộ trong một số trường hợp những chủ thể này có thể chủ động ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định các giấy tờ có giá khác phát sinh trong thực tế thuộc ngành, lĩnh vực mà họ phụ trách.
Kết luận
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã xác định thể chế, pháp luật là yếu tố quan trọng hàng đầu, là điều kiện cần để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Nhà nước kiến tạo, phục vụ phát triển. Đầu tư xây dựng thể chế là đầu tư cho phát triển. Trong đó, cải cách thể chế là vấn đề trọng tâm mà Chính phủ xác định trong Nghị quyết 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030. Pháp luật phải rõ ràng, minh bạch là yêu cầu hết sức cần thiết. Việc tồn tại những khoảng trống pháp lý về giấy tờ có giá như hiện nay làm cản trở đến hoạt động thực thi pháp luật và tiềm ẩn những rủi ro pháp lý, nhầm lẫn trong giao dịch dân sự của các chủ thể trong xã hội. Với những kiến nghị trên của tác giả, hy vọng góp phần hoàn thiện những quy định pháp luật về giấy tờ có giá trong thời gian tới.
- - - (1) Ngô Thị Hà, Bảo đảm tiền vay bằng giấy tờ có giá tại các tổ chức tín dụng - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Luận văn thạc sĩ ngành luật dân sự, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011. (2) Nguyễn Văn Tuyến, Bàn về giao dịch phát hành giấy tờ có giá của tổ chức tín dụng, Tạp chí Ngân hàng, số 9/2008. |
Tài liệu tham khảo 1. Bộ luật Dân sự năm 1995. 2. Bộ luật Dân sự năm 2005. 3. Bộ luật Dân sự năm 2015. 4. Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm (sửa đổi, bổ sung năm 2012). 5. Thông tư số 34/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu trong nước của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sửa đổi, bổ sung năm 2019). 6. Công văn số 141/TANDTC-KHXX ngày 21/9/2011 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về thẩm quyền giải quyết các yêu cầu trả lại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản. |
PHẠM HỒNG SƠN
Đại học Quốc gia TP. HCM