Học viện Tư Pháp khai giảng lớp đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư khóa 4

05/07/2020 18:29 | 3 năm trước

(LSO) - Sáng ngày 04/7/2020, Học viện Tư pháp đã long trọng tổ chức Lễ khai giảng lớp đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư khóa 4 tại Hà Nội. Phó Giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Xuân Thu, các đại diện của Viện kiểm sát, Tòa án quận Cầu Giấy và các cán bộ, giảng viên, học sinh của Lớp đã đến tham dự Lễ khai giảng.

Sáng ngày 04/7/2020, Học viện Tư pháp đã long trọng tổ chức Lễ khai giảng Lớp đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư khóa 4 tại Hà Nội.

Theo báo cáo sơ bộ về Lớp đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư khóa 4, Học viện Tư pháp triệu tập 40 học viên, đến nay 29 học viên đã đến nhập học, trong đó có 11 học viên là nam và 18 học viên là nữ.

Được biết lớp sẽ áp dụng Chương trình chi tiết Đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư theo hình thức tín chỉ do Giám đốc Học viện Tư pháp ban hành. Theo đó, tổng số tín chỉ mà học viên phải tích lũy là 53 tín chỉ. Trong đó khối kiến thức bắt buộc là 28 tín chỉ tương ứng với 10 môn, thực tập 17 tín chỉ, tự chọn là 8 tín chỉ.

Nội dung chương trình này đòi hỏi học viên phải tích cực, chủ động học tập, nghiên cứu và thực hành kỹ năng nghề nghiệp nhiều hơn vì học viên học chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ không phải thi tốt nghiệp.

Học viên tích lũy đủ 53 tín chỉ sẽ được xét công nhận tốt nghiệp. Vì thế, mỗi học phần thi giống như là thi tốt nghiệp. Việc thực tập, diễn án của chương trình đào tạo theo tín chỉ cũng có nhiều điểm khác biệt. Chương trình đào tạo, kế hoạch thực tập, cách tính điểm học phần trong quy chế đào tạo, lịch học toàn khóa được công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Học viện Tư pháp. Các học viên theo đó chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức học tập, nghiên cứu, tìm hiểu những quy định này để chủ động tích lũy kiến thức, kỹ năng để thu hoạch được kết quả tốt khi tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, Học viện cũng lựa chọn những giảng viên giàu kinh nghiệm nghề nghiệp, có kiến thức chuyên môn và có kỹ năng cử đi giảng, các giảng viên là những kiểm sát viên, luật sư, thẩm phán giàu kinh nghiệm, đồng thời áp dụng phương pháp song giảng, tam giảng đối với một số bài học để học viên có cơ hội nắm bắt được kỹ năng, kinh nghiệm nghề nghiệp của cả ba chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư và có được cái nhìn đa chiều cả từ lý luận và thực tiễn về nghề nghiệp.

Việc thực hiện đào tạo chung Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư trong một chương trình thống nhất sẽ trang bị mặt bằng kiến thức chung, tạo sự hiểu biết lẫn nhau về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp cho Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, nhằm bảo đảm nguyên tắc tranh tụng đã được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 và các bộ luật, luật liên quan; tạo điều kiện thực tế thực hiện chủ trương lựa chọn để bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên từ luật sư, luật gia giỏi, chủ trương chuyển đổi vị trí nghề nghiệp của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư đã xác định trong Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; giảm đáng kể chi phí về thời gian và tài chính cho bản thân, gia đình người học và xã hội.

Phó Giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Xuân Thu phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Xuân Thu khẳng định đây là chương trình nhằm đào tạo học viên có phẩm chất, kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp để góp phần tạo sự đột phá trong công tác đào tạo nguồn nhân lực tư pháp có chất lượng cao phục vụ cho công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Không những thế, đội ngũ giảng viên, đặc biệt là các giảng viên thỉnh giảng là những người đang thực tế hành nghề, có kinh nghiệm giảng dạy phù hợp với mục tiêu, đặc thù của lớp, qua đó ông Thu bày tỏ mong muốn các giảng viên cống hiến nhiệt tình, truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm của mình cho các thế hệ kế tiếp. Đối với các học viên, ông Thu đề nghị phải tích cực trau dồi kiến thức chuyên môn, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, tuân thủ nghiêm các quy chế, quy định trong đào tạo của Học viện Tư pháp; chủ động nâng cao ý thức học tập, tăng cường hoạt động trao đổi, thảo luận trong thời gian học.

Thay mặt cho toàn thể học viên Lớp đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư khóa 4, ông Trần Đức Hoàn hứa sẽ chủ động học tập, nghiên cứu và thực hành nghề luật để hoàn thành tốt khóa học cũng như xứng đáng với thế hệ đi trước, xứng đáng với bề dày truyền thống đào tạo các chức danh tư pháp của Học viện.

LÂM HOÀNG

/quy-dinh-cua-phap-luat-ve-vi-tri-vai-tro-cua-bo-tu-phap-trong-viec-giup-chinh-phu-thuc-hien-quan-ly-nha-nuoc-ve-xay-dung-phap-luat.html