Hội đồng Bảo an LHQ họp khẩn về tình hình Mali

20/08/2020 01:35 | 3 năm trước

(LSO) – Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Phi đã lên án hành động của quân đội Mali, yêu cầu thả ngay lập tức Tổng thống và các quan chức chính phủ.

Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita đã phải từ chức. Ảnh: Reuters.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp khẩn vào chiều 19/8 theo đề xuất của Pháp và Niger, nhằm họp bàn về tình hình Mali, sau khi quân đội nước này bắt giữ Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita cùng nhiều thành viên chính phủ khác, buộc Tổng thống phải tuyên bố từ chức.

Trước diễn biến tình hình căng thẳng tại Mali, Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Phi đã lên án hành động của quân đội Mali, yêu cầu thả ngay lập tức Tổng thống và các quan chức chính phủ.

Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Moussa Faki Mahamat kêu gọi Liên Hợp Quốc, Khối các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) gồm 15 nướcvà cộng đồng quốc tế cùng Liên minh châu Phi ngăn chặn mọi hành vi bạo lực đang diễn ra tại Mali và hỗ trợ quốc gia này chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị.

Ngay sau đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng đã có phản ứng tương tự, kêu gọi việc khôi phục trật tự hiến pháp cho Mali.

Người đứng đầu các chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu EU, ông Josep Borrell cũng đã lên án mọi âm mưu đảo chính, bác bỏ mọi sự thay đổi vi phạm Hiến pháp tại quốc gia châu Phi này.

Đại sứ quán các nước tại Mali hiện đã ra khuyến nghị yêu cầu các nhân viên nên ở trong nhà trong bối cảnh hiện nay.

Quốc gia Tây Phi Mali ngày càng chìm sâu vào khủng hoảng sau khi Tổng thống nước này bị quân đội bắt giữ và buộc phải từ chức hôm 18/8.

Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita đã từ chức hôm 18/8 và giải tán Nghị viện vài giờ sau khi các tay súng nổi dậy bắt giữ và chĩa súng vào ông. Biến cố này khiến Mali đối mặt với cuộc nổi dậy của các tay súng Hồi giáo và những cuộc biểu tình trên quy mô lớn cũng như ngày càng chìm sâu vào khủng hoảng.

Tổng thống Keita đã thông báo từ chức trong một bài phát biểu ngắn trên truyền hình sau khi quân đội bắt giữ ông cùng với Thủ tướng Boubou Cisse và các quan chức cấp cao khác.

Hiện vẫn chưa rõ ai là người lãnh đạo cuộc nổi dậy, người nào sẽ điều hành đất nước sau khi ông Keita từ chức cũng như điều những kẻ nổi dậy muốn là gì.

Mali đã chứng kiến các cuộc biểu tình trong nhiều tháng được cho là nhằm chống lại tình trạng tham nhũng và bất ổn về an ninh tại quốc gia Tây Phi này, đồng thời kêu gọi ông Keita từ chức.

Liên minh M5-RFP đứng đằng sau các cuộc biểu tình đã thể hiện sự ủng hộ với hành động của những kẻ nổi dậy. Người phát ngôn của liên minh này - Nouhoum Togo cho biết đây “không phải một cuộc đảo chính quân đội mà cuộc nổi dậy của nhân dân”.

LÊ HÙNG

/bo-truong-tai-chinh-canada-bill-morneau-thong-bao-tu-chuc.html