Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN: Mục tiêu tỷ lệ gia tăng năng lượng tái tạo 23% vào năm 2025

20/11/2020 17:21 | 3 năm trước

(LSVN) - Tại Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN (AMEM) lần thứ 38, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho biết để đảm bảo an ninh năng lượng cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, việc hợp tác, kết nối về năng lượng giữa các nước thành viên ASEAN là một trụ cột rất quan trọng, cần được tăng cường, thúc đây sâu, rộng hơn nữa.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An tại buổi họp báo. Ảnh: congthuong.

Chia sẻ với báo chí về kết quả của Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN (AMEM) lần thứ 38 và các hội nghị liên quan tại cuộc họp báo diễn ra chiều 20/11, Thứ trưởng bộ Công thương Đặng Hoàng An – Chủ tịch AMEM 38 cho biết: điểm nhấn của Hội nghị lần này là việc các Bộ trưởng năng lượng ASEAN đã thống nhất nội dung Kế hoạch hành động ASEAN 2016 -2025 giai đoạn 2 (2021 – 2025), đưa mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo đạt 23% và giảm cường độ năng lượng xuống 32% vào năm 2025.

Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 38 năm 2020 có chủ đề hợp tác năng lượng là “Chuyển dịch năng lượng hướng đến phát triển bền vững trong khu vực ASEAN”. Đúng với tên gọi của nó, tại Hội nghị các Bộ trưởng đã đi đến những tuyên bố chung, trong đó các Bộ trưởng Năng lượng ASEAN cam kết định hướng chuyển đổi năng lượng của ASEAN hướng tới một tương lai năng lượng bền vững, giữa những thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19 trên ngành năng lượng toàn cầu và tăng trưởng kinh tế tổng thể.

Trong bối cảnh này, các Bộ trưởng đã thông qua Giai đoạn II của Kế hoạch Hành động ASEAN về hợp tác năng lượng giai đoạn 2021-2025 (APAEC giai đoạn II: 2021-2025) với chủ đề phụ mới là "Thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng và tăng cường năng lượng khả năng phục hồi thông qua đổi mới và hợp tác hơn nữa". Hợp tác năng lượng ASEAN sẽ tiếp tục theo đuổi 7 lĩnh vực chương trình APAEC về lưới điện ASEAN, đường ống dẫn khí Trans ASEAN, hiệu quả năng lượng và bảo tồn, năng lượng tái tạo, năng lượng khu vực & hoạch định chính sách, than đá và công nghệ than sạch và năng lượng hạt nhân dân sự.

APAEC Giai đoạn II là kế hoạch mới nhất trong chuỗi các kế hoạch ngành để thực hiện tầm nhìn của Cộng đồng Kinh tế ASEAN đối với ngành năng lượng. Chương trình APAEC mới đóng khung chương trình nghị sự hợp tác năng lượng của khu vực trong năm năm tới cũng như nhiệm vụ dài hạn hướng tới một tương lai năng lượng ASEAN bền vững.

APAEC Giai đoạn II cũng cung cấp những đóng góp về năng lượng khu vực vào các mục tiêu chung của Cộng đồng ASEAN, bao gồm ứng phó với các mệnh lệnh liên ngành để phục hồi kinh tế và tăng trưởng xanh, kỳ vọng về tính bền vững, ứng phó khí hậu và khả năng phục hồi, và nhu cầu của đô thị hóa nhanh chóng, tăng trưởng dân số, số hoá cùng các xu hướng và những vấn đề khác.

Ngoài ra, các Bộ trưởng hoan nghênh việc giảm 24,4% cường độ năng lượng ASEAN năm 2018 dựa trên mức độ năm 2015 và cho rằng khu vực đã vượt qua mục tiêu giảm 20% đặt ra cho năm 2020. Do đó đồng ý với mục tiêu mới là giảm 32% cường độ năng lượng vào năm 2025 dựa trên mức năm 2005.

Các Bộ trưởng nhất trí để tiếp tục thúc đẩy điều hòa không khí hiệu quả như một biện pháp quan trọng để hạn chế tăng trưởng nhu cầu năng lượng trong khu vực dân cư, các Bộ trưởng lưu ý dự án đang thực hiện về thúc đẩy điều hòa không khí hiệu quả cao trong ASEAN thông qua việc hài hòa các tiêu chuẩn (ISO16358) và tăng cường khả năng xác minh và thực thi với sự hỗ trợ của Quỹ tích hợp 2.0 ASEAN Nhật Bản.

Ngoài ra, các Bộ trưởng ghi nhận các hoạt động nâng cao năng lực trong các khía cạnh kỹ thuật và quản lý để thúc đẩy hiệu quả năng lượng và bảo tồn, bao gồm việc tiến hành các khóa đào tạo và hội thảo khác nhau trong khuôn khổ Chương trình đào tạo quản lý năng lượng và kiểm định chất lượng năm 2019/2020. Các Bộ trưởng cũng lưu ý hoạt động tiếp cận cộng đồng cho các công ty dịch vụ năng lượng (ESCOs) và các nhà cung cấp công nghệ hiệu quả tại Diễn đàn Doanh nghiệp Năng lượng ASEAN 2020.

Để đảm bảo an ninh năng lượng cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, việc hợp tác, kết nối về năng lượng giữa các nước thành viên ASEAN là một trụ cột rất quan trọng, cần được tăng cường, thúc đây sâu, rộng hơn nữa.

Trong các năm qua, các quốc gia thành viên ASEAN đã nỗ lực, cùng nhau hợp tác để thực hiện hiệu quả giai đoạn 1 của Kế hoạch hành động ASEAN về hợp tác năng lượng 2016 - 2025 (APAEC 2016 - 2025). Tới nay, chúng ta đã cơ bản đạt được các mục tiêu năng lượng đề ra trong giai đoạn 1 (2016 - 2020) với các thành tựu cụ thể như: Cường độ năng lượng khu vực ASEAN hiện đã giảm 21,4% so với năm 2005, vượt mục tiêu ban đầu là giảm 20% vào năm 2020; kết nối đường ống dẫn khí đạt chiều dài gần 4.000 km qua 6 quốc gia (Myanmar, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore và Việt Nam) và hình thành 8 trung tâm khí hóa lỏng LNG với tổng công suất là 37,5 triệu tấn / năm; tăng thêm các dự án kết nối lưới điện giúp tăng công suất trao đổi điện năng lên 10.800 MW vào năm 2020 và sau 2020 tăng lên hơn 16.000MW; Dự án thí điểm liên kết, trao đổi điện đa phương giữa Lào - Thái Lan - Malaysia - Singapore đã triển khai thành công giai đoạn 1 với sự kết nối, thực hiện giao dịch mua bán điện giữa Lào và Malaysia thông qua lưới điện của Thái Lan từ tháng 01 năm 2018; tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng của khu vực ASEAN ngày càng tăng cao, hướng tới đạt được mục tiêu tỷ lệ gia tăng năng lượng tái tạo là 23% trong năm 2025.

Để tiếp nối những kết quả tích cực đã đạt được trong giai đoạn 1 của APAEC 2016 - 2025, tại Hội nghị lần này, các Bộ trưởng Năng lượng ASEAN tiếp tục cùng nhau nỗ lực thúc đẩy việc thực hiện và hoàn thành 08 ưu tiên hợp tác năng lượng ASEAN năm 2020 đã được các Bộ trưởng thống nhất tại Hội nghị AMEM lần thứ 37; Thông qua kế hoạch hoạt động cụ thể trong giai đoạn 2 (2021 - 2025) của Kế hoạch hành động ASEAN về hợp tác năng lượng 2016 - 2025, nhằm mục tiêu tiếp tục thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, tăng cường kết nối và trao đổi mua bán điện song phương và đa phương giữa các quốc gia thành viên ASEAN.

Ngoài ra, đã thông qua “Báo cáo triển vọng Năng lượng ASEAN lần thứ 6”; đưa ra các biện pháp, kế hoạch cụ thể để đẩy mạnh hơn nữa hợp tác về tiết kiệm và hiệu quả năng lượng nhằm đạt được mức giảm cường độ năng lượng tích cực hơn trong các năm tới; cũng như các biện pháp, kế hoạch cụ thể hướng đến các chính sách đa dạng hóa phát triển nguồn năng lượng trong khu vực ASEAN.

Thông qua mục tiêu về tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng khu vực ASEAN, làm cơ sở để thúc đẩy việc phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo của khu vực trong giai đoạn tới; đồng thời đưa ra được các sáng kiến về chính sách nhằm tăng cường tích hợp năng lượng tái tạo vào lưới điện ASEAN, hướng tới tương lai ổn định về các nguồn năng lượng cho khu vực.

Đưa ra các sáng kiến, giải pháp để tăng cường trao đổi, hợp tác với các quốc gia đối tác, các tổ chức quốc tế; và để thúc đẩy đầu tư từ khu vực tư nhân vào cơ sở hạ tầng truyền tải năng lượng trong khu vực ASEAN.

Cộng đồng ASEAN với sự phát triển ngày càng lớn mạnh, với dân số 650 triệu người, đứng thứ 3 thế giới, là nền kinh tế phát triển năng động với quy mô GDP năm 2018 đạt khoảng 3.000 tỉ USD, đứng thứ 5 toàn cầu, do đó, nhu cầu năng lượng trong thời gian tới sau Covid-19 tiêu thụ rất nhanh. Giai đoạn trước, tiêu thụ bình quân năng lượng cuối cùng là 4,7%, trong khi đó tổng cầu năng lượng cuối cùng của Việt Nam là 6,5% trong 10 năm qua. Rõ ràng thách thức trong đảm bảo năng lượng, trong đó đảm bảo điện là con số rất lớn.

Việc đảm bảo năng lượng cho nhu cầu kinh tế là rất lớn, lãnh đạo các nước ASEAN và bất kỳ lãnh đạo quốc gia nào đều nhận định đây là vấn đề không thiếu được. Muốn phát triển kinh tế thì không thể thiếu năng lượng. Theo nhận xét của các tổ chức năng lượng quốc tế, từ nhiều năm nay vẫn dự báo ASEAN có thể nói là nhân tố quyết định trong việc làm thay đổi bức tranh năng lượng trong vòng 20 năm tới. Đó là con số đánh giá chính thức của năng lượng quốc tế.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 36 tại Singapore, chuyên gia Tổ chức Năng lượng quốc tế đưa ra nhận định, ASEAN sẽ trở thành Nhật Bản thứ 2. Như vậy, ASEAN cùng với Ấn Độ, Trung Quốc sẽ trở thành những “tay chơi” chính trong cán cân năng lượng và tác động rất lớn đến cán cân năng lượng toàn cầu. Còn muốn đảm bảo nhu cầu năng lượng này thì có rất nhiều giải pháp, trước tiên tìm cách tăng nguồn cung bằng nhiều giải pháp như thu hút đầu tư vào năng lượng. Cách thứ 2 là tìm cách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Các Bộ trưởng cho rằng, đây là giải pháp kinh tế nhất, tối ưu nhất.

Mục tiêu giảm cường độ sử dụng năng lượng của toàn khu vực ASEAN cũng phản ánh đúng 1 trong những biện pháp rất quan trọng của việc đảm bảo cân đối cung cầu năng lượng, thể hiện tầm nhìn để kiểm soát việc cân đối nhu cầu năng lượng.

YÊN CHI (t/h)

/hiep-dinh-doi-tac-kinh-te-toan-dien-khu-vuc-nganh-det-may-co-co-hoi-moi.html