Hội nghị tập huấn, trao đổi kinh nghiệm với các Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý cho công dân tại trụ sở tiếp công dân Trung ương

16/10/2020 17:20 | 3 năm trước

(LSVN) - Sáng ngày 16/10, tại Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam diễn ra Hội nghị tập huấn, trao đổi kinh nghiệm với các Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý cho công dân tại trụ sở tiếp công dân Trung ương.

Toàn cảnh hội nghị.

Thực hiện Chương trình phối hợp số 02-CTPH/MTTQ-TTCP-BTP- HLG-LĐLS, ngày 11/10/2018 giữa Ban Thường trực ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở.

Ngày 16/10/2020, Ban Thường trực ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp cùng Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị tập huấn, trao đổi kinh nghiệm với các luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý cho công dân tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương.

Tới tham dự và chủ trì Hội nghị có các ông: Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam và ông Lê Tiến Đạt, Phó Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Thanh tra Chính phủ cùng gần 100 Luật sư và cán bộ các đơn vị đã tham dự Hội nghị.

Khai mạc Hội nghị, ông Ngô Sách Thực đã thông báo vắn tắt kết quả triển khai thực hiện Chương trình phối hợp số 01. Theo đó, các cơ quan liên quan ở Trung ương cũng như các địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại tố cáo cho cán bộ và nhân dân thông qua các buổi họp, sinh hoạt ở cộng đồng dân cư, các hội nghị tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam biểu dương, đánh giá cao những kết quả, thành tích mà Liên đoàn Luật sư Việt Nam và giới Luật sư đã đạt được trong thời gian vừa qua. Đồng thời, khẳng định vai trò quan trọng luật sư trong việc giữ mối quan hệ với nhân dân, đặc biệt là việc bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhân dân gắn với việc đảm bảo theo quy định pháp luật

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Luật sư hành nghề cần phải có trách nhiệm trong xã hội, đặc biệt phải đặt chữ Tâm, Tài và chữ Tín lên hàng đầu để công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân ngày càng sâu rộng, đảm bảo lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, lãnh đạo Ban tiếp công dân Trung ương Thanh tra Chính Phủ đã quan tâm đến Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong thời gian qua đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của Luật sư trong giai đoạn hiện nay. Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng chỉ rõ chỉ có nghề Luật sư mới đưa việc thực thi pháp luật vào các ngóc ngách xã hội cùng với nhà nước giúp cho người dân bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình và vừa giúp nhà nước quản lý đúng theo pháp luật

Tại hội nghị, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh cũng báo cáo sơ bộ hoạt động từ năm 2015 đến 2019 đã tổ chức được hơn 3000 lượt tư vấn, trợ giúp pháp lý, số lượng các lượt tư vấn tăng đều qua các năm.

Trong năm 2020, Văn phòng Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tập hợp danh sách từ các Đoàn Luật sư gửi lên và dự kiến phân công trực hàng ngày, tháng theo danh sách để Luật sư triển khai, tổ chức thực hiện bắt đầu từ ngày 06/4/2020 đến hết ngày 31/12/2020. Cho đến nay đã có 136 Luật sư tham gia và tư vấn được 602 vụ việc

Về các lĩnh vực trợ giúp pháp lý của Luật sư bao gồm: tư vấn pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường tái định cư, chính sách đãi ngộ đối với người có công (có tới khoảng 70% vụ việc liên quan tới quan hệ đất đai). Các vụ việc thường có nhiều quan hệ pháp luật đan xen nhau như quan hệ pháp luật hành chính, quan hệ pháp luật đất đai, thừa kế,…

Khi thực hiện trợ giúp pháp lý tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương, Luật sư đã thực hiện đúng bổn phận và trách nhiệm nghề nghiệp. Thông qua các hoạt động trợ giúp pháp lý đã giúp cho người dân hiểu rõ hơn quyền và nghĩa vụ của mình trong các quan hệ pháp luật liên quan. Đặc biệt, Luật sư đã giải thích rõ cho người dân về trình tự thủ tục khiếu kiện, quyền nghĩa vụ khi khiếu kiện từ đó giúp cho người dân biết việc khiếu kiện theo đúng quy định pháp luật? Các Luật sư tham gia trợ giúp pháp lý một cách trung thực, khách quan, độc lập, trên cơ sở pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.

Các Luật sư khi trợ giúp pháp lý luôn ý thức không để cho cơ quan nhà nước và người dân hiểu nhầm là thông qua trợ giúp pháp lý Luật sư có ý xúi giục dân khiếu kiện, đồng thời Luật sư cũng có thể kiến nghị với các cơ quan nhà nước nên nghiên cứu giải quyết triệt để vụ việc khiếu kiện đảm bảo quyền lợi hợp pháp người dân.

Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Tiến Đạt, Phó trưởng ban tiếp công dân Trung ương Thanh tra Chính phủ đánh giá cao giới Luật sư trong việc định hướng, giúp đỡ trợ giúp pháp lí và các quyền lợi của người dân, ông Đạt mong muốn giữa các bên sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa để đảm bảo quyền lợi ích của nhân dân theo đúng pháp luật.

Tại hội nghị, có nhiều Luật sư đưa ra những câu hỏi, đề xuất và giải pháp trong việc hành nghề, thực thi pháp luật trong đó có kiến nghị tới các cơ quan ban ngành như: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ… để kịp thời có những biện pháp tháo gỡ khó khăn giúp cho hoạt động trợ giúp pháp lý được triển khai sâu rộng và có hiệu quả hơn. Thông qua kết luận và kiến nghị của Đoàn giám sát tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng và các cơ quan liên quan phối hợp giải quyết và trả lời bằng văn bản kết quả giải quyết cho người khiếu nại, tố cáo theo trình tự, thủ tục của pháp luật.

PV

/doan-luat-su-tp-ha-noi-thong-bao-ve-viec-to-chuc-ki-kiem-tra-ket-qua-tap-su-hanh-nghe-luat-su-dot-2-nam-2020.html