Huyện Minh Hóa (Quảng Bình): Miền đất lịch sử văn hóa đa sắc diện

18/04/2018 23:47 | 6 năm trước

LSVNO - Minh Hóa là huyện miền núi ở phía Tây Bắc tỉnh Quảng Bình. Nơi đây từng là cái nôi của phong trào “Quảng Bình quật khởi” trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Hôm nay, đã trở thành nơ...

LSVNO - Minh Hóa là huyện miền núi ở phía Tây Bắc tỉnh Quảng Bình. Nơi đây từng là cái nôi của phong trào “Quảng Bình quật khởi” trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Hôm nay, đã trở thành nơi hội tụ, bảo tồn, tái hiện và tôn vinh nhiều danh thắng, di tích lịch sử văn hóa đa sắc diện.

Cái nôi của phong trào quật khởi và tiếng hô vang vọng nơi Cổng trời

Đình làng Kim Bảng (thuộc xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa) được xây dựng vào năm 1894, tôn tạo năm 2002. Diện tích tổng thể 0,7ha, nằm ở vị trí cơ bản thuận lợi đảm bảo bí mật cho phục vụ kháng chiến chống Pháp thời ấy. Bởi, nơi đây theo các con đường bí mật xuyên rừng có thể đi về các ngã, các đại biểu đến dự đại hội được đảm bảo bí mật, an toàn. Cách đình chừng 200m còn có các hang như: Hang Lèn, hang Quýt, hang Diệm rộng và sâu, có thể tổ chức cho vài trăm người trú, họp phòng khi bất trắc xảy ra.

Di tích lịch sử đình làng Kim Bảng.

Năm 1949, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang vào giai đoạn quyết liệt thì một sự kiện lịch sử đã được diễn ra tại Đình làng Kim Bảng, và đây cũng chính là bước ngoặt quan trọng của phong trào cách mạng tỉnh Quảng Bình. Đó là Đại hội lần thứ II Đảng bộ tỉnh Quảng Bình đã được tổ chức từ ngày 16 - 19/5/1949. Đại hội có 90 đại biểu thay mặt cho gần 5 nghìn Đảng viên trong toàn tỉnh đã về dự.

Tại đại hội, một phong trào kháng chiến được phát động mạnh mẽ, đó là phong trào “Quảng Bình quật khởi”. Đại hội cũng quyết định chuyển cơ quan lãnh đạo của tỉnh vào hai huyện phía Nam để trực tiếp lãnh đạo phong trào.

Trao đổi với PV, cụ Trương Ngọc Đương (88 tuổi, ở làng Kim Bảng) - nguyên UVTV Chủ nhiệm UBKT huyện Ủy cho biết: “Đình làng Kim Bảng do ông Mạnh Đàn quan huyện Tuyên Minh xây dựng vào năm 1894, vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp nhân dân ta tu sửa lại để dùng làm nơi hội họp, tập kết, huấn luyện dân quân, du kích, tuyển tân binh (thời chống Mỹ-PV). Ngày 16/5/1945 Đảng bộ tỉnh Quảng Bình đã tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứ II tại đây và ra Nghị quyết Hạ Sơn, phát động phong trào Quảng Bình quật khởi vào tháng 7/1949. Sau đại hội mấy ngày thì bị giặc Pháp phát hiện nên chúng cho máy bay bắn cháy đình làng”.

Cổng trời, nơi từng là trận địa pháo phòng không nổi tiếng của tiểu đoàn Nguyễn Viết Xuân anh hùng.

Cùng với miền đất anh hùng, Cổng trời là trận địa pháo binh trong thời kỳ đánh Mỹ. Nơi đây, ngày 18/11/1964, Mỹ đã huy động nhiều tốp máy bay đánh phá ác liệt vùng Cha Lo.

Trước lúc hy sinh, Anh hùng Liệt sỹ Nguyễn Viết Xuân đã hô vang “Nhằm thẳng quân thù, bắn”, Tiếng hô dõng dạc vang trên trận địa Cổng trời đã trở thành khẩu hiệu khích lệ mạnh mẽ tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn đơn vị và trên khắp các chiến trường đánh Mỹ.

Văn hóa du lịch đa sắc diện

Minh Hóa là miền quê hội tụ đầy đủ các giá trị về tài nguyên tự nhiên và văn hóa đa sắc diện; nơi sinh sống, giao thoa văn hóa của đồng bào các dân tộc như Kinh, Chứt, Vân Kiều… Đặc biệt, nói đến Minh Hóa không thể không nhắc đến Lễ hội rằm tháng Ba (15/3 âm lịch) mang đậm bản sắc, nhằm khơi dậy niềm tự hào và phát huy các nét đẹp văn hóa.

Là nơi có nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp với núi rừng kỳ vĩ, như Thác  Bụt, Giếng Tiên, đặc biệt hệ thống hang động Tú Làn và khu vực hồ Yên Phú là những địa danh được đoàn làm phim Legendary Pictures (Hollywood) chọn để thực hiện những cảnh quay “đẹp đến ngỡ ngàng” của bộ phim bom tấn “Kong: Đảo Đầu lâu”… 

Năm nay, với mục đích bảo tồn và phát huy có hiệu quả những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Tuần lễ Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Hội Rằm tháng ba được UBND huyện Minh Hóa tổ chức từ ngày 25/4 đến 30/4/2018 với chuỗi hoạt động như: Lễ dâng hương tại di tích lịch sử Thác Bụt vào 08 giờ ngày 29/4/2018; Thi đấu các môn thể thao truyền thống và các trò chơi dân gian: Bóng chuyền, bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, cờ thẻ, đánh đu, ném xoang, cà kheo; Hội diễn nghệ thuật quần chúng; Khai hội và Chương trình nghệ thuật vào 20 giờ ngày 29/4/2018 với nhiều tiết mục văn nghệ độc đáo, dân ca, vũ điệu truyền thống của các nghệ nhân quê hương Minh Hóa.

Di tích lịch sử Thác Bụt.

Từ ngàn xưa, người dân Minh Hóa thường ca truyền rằng “Thà rằng đau ốm mà nằm - Không ai nỡ bỏ chợ rằm tháng Ba”. Chợ rằm tháng Ba Minh Hóa vào ngày 15/3 (âm lịch) tại chợ Quy Đạt. Đây là phiên chợ lớn nhất trong năm không chỉ là nơi trao đổi, mua bán các sản phẩm, mặt hàng đặc trưng của các dân tộc, mà còn là dịp để du khách tìm về cội nguồn, khám phá những nét đẹp dân dã và lòng hào hiệp mến khách của người dân Minh Hóa.

Với giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp cùng với lòng mến khách của người dân Minh Hóa. Dẫu chỉ một lần đến với lễ hội Rằm tháng ba Minh Hóa du khách khó lòng mà quên được miền đất đa sắc diện yêu thương.

 Đại Xuân - Doãn Lương