Đề nghị công khai lãnh đạo tỉnh 'được mời nhưng không đến tiếp dân'

27/09/2024 10:13 | 4 giờ trước

(LSVN) - Phó Chủ Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị công khai trên báo chí lãnh đạo tỉnh khi được Ban Tiếp công dân Trung ương mời đến phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân nhưng không đến.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên 37.

Đây là đề nghị của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tại Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024. để nâng cao hiệu quả trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo diễn ra ngày 26/9.

Theo đó, báo cáo của Chính phủ cho thấy, từ ngày 01/10/2023 đến ngày 31/7/2024, 255.988 lượt người đến cơ quan hành chính Nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với tổng số người được tiếp là 280.510 người về 206.382 vụ việc, 2.024 đoàn đông người. Trong đó, Thanh tra Chính phủ đã tiếp 3.741 lượt, với 8.626 người đến trình bày về 3.106 vụ việc, 245 đoàn đông người.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, số đoàn đông người đến Thanh tra Chính phủ tăng mạnh (bằng 229%); ngược lại, số đoàn đông người đến các bộ, ngành lại giảm mạnh (giảm 55%).

Trên cơ sở đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân để có giải pháp xử lý phù hợp.

Cũng theo báo cáo thẩm tra, việc trực tiếp tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước được thực hiện tốt nhất là ở cấp Chủ tịch UBND cấp xã (trực tiếp tiếp 92%, ủy quyền tiếp 8%), tiếp theo là Chủ tịch UBND cấp huyện (trực tiếp tiếp 84%, ủy quyền tiếp 16%), Chủ tịch UBND cấp tỉnh (trực tiếp tiếp 82%, ủy quyền tiếp là 18%) và thực hiện thấp nhất là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ (trực tiếp tiếp 59%, ủy quyền tiếp 41%).

Theo cơ quan thẩm tra, Thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước các cấp vẫn chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân. Bên cạnh đó, tình trạng ủy quyền tiếp công dân tại bộ, ngành, địa phương vẫn còn nhiều. Trong đó, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ủy quyền tiếp công dân chiếm 41% số ngày theo quy định.

Mặc dù, việc trực tiếp tiếp công dân của Chủ tịch UBND cấp tỉnh và cấp huyện có tiến bộ hơn so với năm 2023 (cấp tỉnh là 82%, so với năm 2023 là 79%; cấp huyện là 84%, so với năm 2023 là 79%), nhưng Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, nếu tính chung số ngày tiếp công dân của thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước (bao gồm cả số ngày ủy quyền tiếp công dân), ở cấp Chủ tịch UBND cấp tỉnh và cấp huyện giảm (cấp tỉnh là 97%, so với năm 2023 là 112%; cấp huyện là 95%, so với năm 2023 là 103%).

Mặt khác, theo Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, báo cáo cũng chưa chỉ ra cụ thể bộ, ngành, địa phương, người đứng đầu cơ quan, địa phương chưa thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm tiếp công dân; chưa đề cao trách nhiệm trong việc thực hiện tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân, nhất là để giải quyết những vụ việc, vấn đề nổi cộm, bức xúc.

Nêu ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ Quốc hội Trần Quang Phương nhận định, công tác kiểm tra, rà soát và giải quyết các vụ việc khiếu nại phức tạp, tồn đọng, kéo dài được Thanh tra Chính phủ đôn đốc các địa phương thực hiện, song người phối hợp giải quyết thì không đủ thẩm quyền.

Phó Chủ Quốc hội cũng nêu thực tế, tại nhiều địa phương, khi Ban Tiếp công dân Trung ương (thuộc Thanh tra Chính phủ) mời lãnh đạo tỉnh đến phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân nhưng lãnh đạo tỉnh lại giao cho cấp dưới không quyết được việc.

Từ đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Tiếp công dân Trung ương mời lãnh đạo tỉnh là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND tỉnh đến giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân mà không trực tiếp có mặt thì công khai trên báo chí. 

Bên cạnh việc công khai trên báo chí, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Ban Tiếp công dân Trung ương cần đề nghị với Chính phủ có công văn phê bình, yêu cầu cấp ủy chính quyền phê bình nghiêm túc.

Cũng cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo có sự chỉ đạo của Trung ương, các bộ ngành và địa phương, sự quan tâm dù chưa đồng đều nhưng phần nào đã giải quyết phần nào khiếu nại tố cáo của công dân.

Liên quan đến các tồn tại, hạn chế, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân chủ yếu các đoàn đông người đến các bộ ngành giảm nhưng đến Thanh tra Chính phủ lại tăng; phân tích rõ số liệu các vụ việc tồn đọng phức tạp, kéo dài, làm rõ tình trạng chậm xem xét, giải quyết hoặc trả lời không đầy đủ, đúng hạn đối với các đơn thư của công dân, các cơ quan của Quốc hội chuyển đến.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị thời gian tới cần tăng cường trách nhiệm, chủ động, phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai tổ chức thực hiện, quan trọng nhất là giám sát, kiểm tra các ngành, lĩnh vực có tình hình khiếu kiện phức tạp và các vụ việc tồn đọng, kéo dài. Ở địa phương, chỉ đạo UBND các cấp chịu trách nhiệm giải quyết việc khiếu kiện trên địa bàn, thấu tình đạt lý, trên cơ sở “phải - trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn”.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng, cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, nhân dân, cộng đồng chịu trách nhiệm trong việc tuyên truyền, xử lý hòa giải ở địa phương để tăng cường xử lý các vụ việc nổi cộm ở địa phương thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể để gần dân, sát dân, hiểu dân và xử lý công việc của dân.

QUẾ VŨ (t/h)

Thống nhất 04 nhóm chính sách trong xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi)