LSVNO - Quan hệ tiêu dùng là một loại quan hệ được thực hiện trên cơ sở hợp đồng mua bán, theo đó người tiêu dùng mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của người cung cấp về để sử dụng mà không vì mục đích kinh doanh (bán lại). Trong phạm vi bài viết này, tác giả đi sâu phân tích về trách nhiệm bồi thường thiệt hại (BTTH) ngoài hợp đồng do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng (NTD) theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Chủ thể của quan hệ pháp luật về BTTH do vi phạm quyền lợi của NTD
Bộ luật Dân sự 2015 đã xác định chủ thể có trách nhiệm BTTH là tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, còn chủ thể được BTTH là NTD. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được quy định cụ thể trong 2 văn bản pháp luật có liên quan trong lĩnh vực này: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Luật BVQLNTD) năm 2010 và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007.
Khoản 2 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) năm 2010 quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là tổ chức, cá nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm thương nhân theo quy định của Luật Thương mại, cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh”. Về chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường theo luật này, bao gồm tất cả tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm.
Khoản 6 Điều 3 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 quy định: “Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh là tổ chức, cá nhân tổ chức và thực hiện việc sản xuất (người sản xuất), nhập khẩu (người nhập khẩu), xuất khẩu (người xuất khẩu), bán hàng, cung cấp dịch vụ (người bán hàng).
Về chủ thể chịu trách nhiệm BTTH được Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định tại khoản 10 Điều 10, khoản 13 Điều 12, khoản 12 Điều 16 và Điều 61, Điều 62. Theo đó, người sản xuất, nhập khẩu phải BTTH cho NTD trong trường hợp hàng hóa gây thiệt hại do lỗi của nhà sản xuất, nhập khẩu không bảo đảm chất lượng hàng hóa trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 62.
Người bán hàng phải chịu trách nhiệm bồi thường cho NTD trong trường hợp thiệt hại phát sinh do lỗi của người bán hàng không bảo đảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 62. Theo như quy định của Luật này thì chưa đề cập đến trường hợp cả người sản xuất, người nhập khẩu và người bán hàng đều có lỗi trong việc không bảo đảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa, gây thiệt hại cho NTD.
NTD là đối tượng được bảo vệ theo Luật BVQLNTD và đồng thời đây cũng là đối tượng được BTTH nếu phát sinh trách nhiệm bồi thường. Chính bởi sự ưu tiên này, nhằm bảo đảm hiệu quả trong việc điều chỉnh và tính công bằng trong áp dụng các ưu đãi, pháp luật không thể sử dụng nguyên vẹn khái niệm NTD trong kinh tế học hoặc với tính cách là người mua hàng hóa, dịch vụ trong Bộ luật Dân sự mà cần phải được phân biệt.
Trong Luật BVQLNTD năm 2010 thì có định nghĩa về NTD là các cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ không nhằm mục đích hoạt động kinh doanh, thương mại hoặc hoạt động nghề nghiệp chuyên nghiệp. Để xác định một chủ thể có phải là NTD được BTTH khi bị xâm phạm quyền lợi chính đáng hay không thì pháp luật thường dựa vào các điều kiện sau:
Thứ nhất, đối tượng của giao dịch phải là những hàng hóa, dịch vụ được phép lưu thông và đáp ứng được các nhu cầu sinh hoạt vật chất và tinh thần của cá nhân con người. Đây là một điều kiện, thật ra rất khó xác định bởi nhu cầu sinh hoạt của con người trong điều kiện hiện nay rất đa dạng.
Những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu hằng ngày của con người như đồ ăn, đồ uống, thuốc chữa bệnh… được coi là đối tượng đương nhiên của NTD. Khi đó, các quy định của pháp luật BVQLNTD liên quan đến vệ sinh, an toàn đối với sức khỏe con người được áp dụng, kể cả đối với trường hợp hàng hóa chưa được bán cho NTD. Trong những trường hợp khác, cần phải kết hợp với mục đích của việc mua hàng hóa, dịch vụ đó dùng vào việc gì.
Thứ hai, NTD phải là cá nhân. Việc quy định này đã giúp những NTD yếu thế trong quan hệ với nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Nhìn chung, nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ có hiểu biết tốt hơn về hàng hóa, dịch vụ của mình so với NTD.
Khi tìm hiểu về sản phẩm, khả năng tiếp cận và tiếp nhận thông tin tham vấn của cá nhân đơn lẻ là hạn chế hơn nhiều đối với một tổ chức. Nói cách khác, trong việc tự bảo vệ quyền của mình, năng lực của một tổ chức thường tốt hơn các cá nhân rất nhiều.
Tuy nhiên, việc “tiêu dùng” hay “sinh hoạt” của một tổ chức cũng là một điều rất khó xác định; đồng thời khó có thể coi việc “tiêu dùng” hay “sinh hoạt” của tổ chức là không vì hoạt động chức năng hoặc nghề nghiệp của tổ chức đó. Ví dụ: một công ty mua nước uống không phải để “cơ quan uống” mà là để những con người cụ thể trong công ty uống.
Vì vậy, tổ chức không thể được xem là NTD. Giao dịch phát sinh sẽ được các văn bản pháp luật liên quan đến hợp đồng bảo vệ, mặc dù đối tượng giao dịch là hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng.
Trong ví dụ nêu trên, nếu nhân viên uống nước bị thiệt hại thì có thể kiện nhà cung cấp nước với tư cách là NTD; còn cơ quan, tổ chức đã mua thì chỉ được kiện nhà cung cấp với tư cách là người mua hàng trong quan hệ hợp đồng thông thường và có thể trở thành đại diện của người tiêu dùng.
Do vậy, chủ thể của quan hệ pháp luật về trách nhiệm BTTH do vi phạm quyền lợi NTD bao gồm chủ thể chịu trách nhiệm BTTH (cá nhân, tổ chức kinh doanh hàng hóa dịch vụ) trong việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hoặc không cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ đó cho NTD, dẫn đến thiệt hại cho NTD và chủ thể được BTTH.
Khách thể của quan hệ pháp luật về BTTH do vi phạm quyền lợi củaNTD
Khách thể của quan hệ pháp luật về trách nhiệm BTTH do vi phạm quyền lợi NTD là các khoản BTTH bao gồm vật chất và tinh thần mà NTD được hưởng khi bị cá nhân, tổ chức kinh doanh hàng hóa dịch vụ xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Khi nói về việc bồi thường cho NTD thì cần phải xác định được thiệt hại nào mà các cá nhân, tổ chức kinh doanh hàng hóa dịch vụ gây ra cho NTD và mức thiệt hại đó là bao nhiêu.
Tính mạng, sức khỏe của con người là là vô cùng quý giá và không thể xác định được giá trị đã bị thiệt hại nên không thể đổi thành vật chất dưới bất kỳ hình thức nào. Khi tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ mà bán hàng hóa dịch vụ không bảo đảm chất lượng cho NTD, có thể sẽ gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của NTD.
Vì vậy, bản chất của BTTH này là tạo điều kiện cho người bị thiệt hại và gia đình họ khắc phục kịp thời những khó khăn do thiệt hại đó gây ra và trong một số trường hợp, nó chỉ có ý nghĩa như là sự trợ cấp cho người bị thiệt hại và gia đình của họ.
Nội dung của quan hệ pháp luật về BTTH do vi phạm quyền lợi củaNTD
Nội dung quan hệ pháp luật về trách nhiệm BTTH hại do vi phạm quyền lợi NTD là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của các bên khi tham gia vào quan hệ pháp luật này. Đối với người tiêu dùng là nói đến quyền được BTTH, còn nói đến các cá nhân, tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là nói đến trách nhiệm BTTH cho NTD.
Người tiêu dung là đối tượng mà các nhà sản xuất, kinh doanh hướng tới. Bởi vậy, bên cạnh việc có một khung pháp lý để quản lý và tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh thì Nhà nước đã xây dựng một khung pháp lý để bảo vệ quyền lợi của NTD.
Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp các nhà sản xuất, kinh doanh lợi dụng sự quản lý chưa chặt chẽ của Nhà nước cùng sự kém hiểu biết của NTD, đã có những hành vi vi phạm pháp luật và xâm hại đến quyền lợi của NTD. Do đó, cần có hành lang pháp lý để bảo vệ quyền lợi của NTD và khi quyền lợi của họ bị xâm phạm thì cần có cơ chế để khắc phục hậu quả, đó chính là sự BTTH.
Theo quy đinh tại khoản 6 Điều 8 Luật BVQLNTD, người tiêu dùng có quyền: Yêu cầu BTTH khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.
Các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có hành vi vi phạm pháp luật và gây thiệt hại phải BTTH; mức bồi thường tùy vào mức độ lỗi, tính nguy hiểm của hành vi đến quyền và lợi ích hợp pháp của NTD.
Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 03/2006/HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về BTTH ngoài hợp đồng, thì “đối với trường hợp pháp luật có quy định việc BTTH cả khi không có lỗi, thì trách nhiệm bồi thường của người gây thiệt hại trong trường hợp này được thực hiện theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật đó” và cũng theo Điều 23 Luật BVQLNTD: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm BTTH trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của NTD, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật, trừ trường hợp quy định tại Điều 24 của Luật này”.
Vì thế, cá nhân, tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm BTTH cho NTD ngay cả khi tổ chức, cá nhân đó không có lỗi. Tuy nhiên, Điều 24 Luật BVQLNTD cũng đã đưa ra trường hợp miễn trách nhiệm BTTH do hàng hóa khuyết tật gây ra: Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa quy định tại Điều 23 của Luật này được miễn trách nhiệm BTTH khi chứng minh được khuyết tật của hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học, kỹ thuật tại thời điểm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa cung cấp cho NTD.
Căn cứ phát sinh, nguyên tắc bồi thường thiệt hại
Theo quy định tại Điều 608 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường”. Như vậy, khi cá nhân hay pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng mà gây thiệt hại cho NTD thì phải bồi thường, chứ không nhất thiết phải phát sinh từ quan hệ hợp đồng hay ngoài hợp đồng.
Tuy nhiên, để xác định trách nhiệm BTTH mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ gây ra cho NTD thì phải đáp ứng các các điều kiện phát sinh trách nhiệm BTTH hại do vi phạm hợp đồng và nếu là ngoài hợp đồng cũng chỉ phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố: phải có thiệt hại xảy ra, phải có hành vi trái pháp luật, phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật, phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại.
Từ những phân tích ở trên cho thấy, trách nhiệm BTTH hại do vi phạm quyền lợi NTD cũng là một dạng cụ thể của trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng. Chính vì thế, việc BTTH này phải tuân theo những căn cứ phát sinh, nguyên tắc bồi thường và các vấn đề liên quan được quy định trong Chương XX Bộ luật Dân sự “Trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng” và Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2007 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự 2005 về BTTH ngoài hợp đồng.
Phải có thiệt hại xảy ra
Thiệt hại xảy ra bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại do tổn thất về tinh thần. Điều 23 Luật BVQLNTD năm 2010 quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm BTTH trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của NTD, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật, trừ trường hợp quy định tại Điều 24 của Luật này”.
Hàng hóa có khuyết tật là hàng hóa không bảo đảm an toàn cho NTD, có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người NTD, kể cả trường hợp hàng hóa đó được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật hiện hành nhưng chưa phát hiện được khuyết tật tại thời điểm hàng hóa được cung cấp cho NTD, bao gồm: hàng hóa sản xuất hàng loạt có khuyết tật phát sinh từ thiết kế kỹ thuật; hàng hóa đơn lẻ có khuyết tật phát sinh từ quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển, lưu giữ; hàng hóa tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn trong quá trình sử dụng nhưng không có hướng dẫn, cảnh báo đầy đủ cho NTD.
Chính vì thế, chỉ cần khi tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm an toàn gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của NTD, kể cả trường hợp hàng hóa đó được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật hiện hành nhưng chưa phát hiện được và đồng thời mặc dù tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó không biết hoặc không có lỗi về việc phát sinh khuyết tật này thì vẫn phải có trách nhiệm BTTH cho NTD.
Những quy định này chưa có tính định lượng trong việc BTTH, bởi việc phải xác định trong trường hợp nào được bồi thường, bồi thường bao nhiêu, bồi thường cho ai. Chính vì thế, khi NTD muốn được BTTH do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá xâm phạm thì phải chứng minh NTD đã có thiệt hại xảy ra.
Hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật
Khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự quy định: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”. Vì thế, khi tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có hành vi trái pháp luật như: kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng... gây thiệt hai về sức khỏe cho NTD thì phải có trách nhiệm bồi thường cho NTD.
Có lỗi của người gây thiệt hại
Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định yếu tố lỗi không phải là yếu tố bắt buộc để làm căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng. Trong khi đó, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định người gây thiệt hại phải có lỗi cố ý hoặc vô ý thì mới phải chịu trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, trong một số trường hợp pháp luật có quy định, thì dù không có yếu tố lỗi, người gây thiệt hại vẫn phải bồi thường.
Như vậy, về cơ bản, Bộ luật Dân sự năm 2015 mở rộng thêm các trường hợp phải BTTH ngoài hợp đồng khi không có lỗi so với BLDS năm 2005. Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP cũng có quy định “Cần chú ý là đối với trường hợp pháp luật có quy định việc BTTH cả khi không có lỗi, thì trách nhiệm bồi thường của người gây thiệt hại trong trường hợp này được thực hiện theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật đó”.
Điều 23 Luật BVQLNTD quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm BTTH trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của NTD, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật, trừ trường hợp quy định tại Điều 24 của Luật này”.
Vì thế, trách nhiệm BTTH cho NTD của cá nhân, tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ ngay cả khi tổ chức, cá nhân đó không có lỗi. Yếu tố lỗi của tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ không phải là yếu tố để xác định có bồi thường hay không trong trường hợp này, bởi vì để xác định yếu tố lỗi trên thực tế là hoàn toàn khó khăn.
Quy định này nhằm mục đích bù đắp phần nào tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người bị thiệt hại (không xét đến lỗi của người bị thiệt hại trong trường hợp này), vì trong nhiều trường hợp, dù người gây thiệt hại không có lỗi nhưng thiệt hại thực tế đã xảy ra.
Có mối liên hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật
Việc xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra trong nhiều trường hợp rất khó khăn. Do đó cần phải xem xét, phân tích, đánh giá tất cả các sự kiện liên quan một cách thận trọng, khách quan và toàn diện. Từ đó mới có thể rút ra được kết luận chính xác về nguyên nhân, xác định đúng trách nhiệm của người gây thiệt hại.
Như vậy, nếu bất kỳ tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ, hàng hóa nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người tiêu dùng mà gây thiệt hại và thiệt hại đó phải phát sinh từ chính hành vi trái pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó thì phát sinh trách nhiệm BTTH cho NTD.
Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác
Nguyên tắc chung của việc BTTH là phải bảo đảm tính toàn bộ và kịp thời. BTTH do hành vi trái pháp luật gây ra là nguyên tắc công bằng, hợp lý phù hợp với mục đích cũng như chức năng phục hồi của chế định pháp luật này. BTTH kịp thời cho NTD tạo điều kiện cho họ khắc phục tình trạng tài sản bị thiệt hại. Việc quyết định bồi thường kịp thời có ý nghĩa to lớn đối với nạn nhân trong việc cứu chữa, hạn chế thiệt hại bởi các chi phí cho việc cứu, chữa bệnh vì có nhiều trường hợp vượt quá khả năng chi trả của bệnh nhân.
Như vậy, quan hệ tiêu dùng không phải là quan hệ thương mại, được điều chỉnh bởi Luật Thương mại mà chỉ có thể là quan hệ dân sự được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự, đặc biệt là Luật BVQLNTD. Cũng cần lưu ý rằng, các lĩnh vực pháp luật khác như pháp luật cạnh tranh, pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, pháp luật về chất lượng sản phẩm và rộng ra là cả pháp luật dân sự, hình sự đều có thêm mục đích là bảo vệ NTD.
Tuy nhiên, nếu như những lĩnh vực pháp luật này, bảo vệ NTD theo phương pháp can thiệp vào hành vi của nhà sản xuất, kinh doanh, cung cấp sản phẩm hàng hóa dịch, vụ thông qua những hạn chế hoặc cấm đoán hành vi thì pháp luật bảo vệ NTD (với tính cách là một chế định độc lập) lại xuất hiện ở phía NTD.
ThS. Đoàn Thị Ngọc Hải