Indonesia triệu tập đại sứ Trung Quốc sau clip thả xác thuyền viên xuống biển, Thượng viện Mỹ không thể ngăn chặn khả năng ông Trump tấn công Iran

07/05/2020 19:59 | 3 năm trước

(LSO) - Thời điểm căng thẳng dịch bệnh Covid-19, Trung Quốc đang là cái tên được nhắc đến nhiều nhất những ngày qua. Được biết, tổng số ca nhiễm trên thế giới hiện tại đã vượt ngưỡng 3,9 triệu người, trong đó 2/3 số ca nhiễm đã được chữa khỏi là 2.300.856 người.

Indonesia triệu tập đại sứ Trung Quốc sau clip thả xác thuyền viên Indonesia xuống biển

Đoạn clip được cho là cảnh thủy táng thuyền viên Indonesia trên tàu cá Trung Quốc lan truyền trên mạng xã hội xứ vạn đảo. Ảnh chụp màn hình

Theo Hãng tin Reuters, một số nhóm nhân quyền khẳng định các thuyền viên Indonesia đã bị ngược đãi và bóc lột sức lao động trên tàu Trung Quốc.

Động thái của Bộ Ngoại giao Indonesia diễn ra sau khi xuất hiện một đoạn clip trên mạng xã hội được cho là cảnh thủy táng các thuyền viên Indonesia trên tàu Trung Quốc.

Một nhóm đàn ông đứng xung quanh một túi đựng xác màu cam và lẩm nhẩm trong miệng như đang cầu nguyện trước khi đẩy cái túi xuống biển.

Phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 7/5, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi xác nhận ít nhất 3 thuyền viên người Indonesia đã chết trên các tàu cá Trung Quốc kể từ tháng 12/2019. Những người này đã được thủy táng sau đó.

"Một thuyền viên chết và được thủy táng vào ngày 31/3/2020. Trong tháng 12/2019, hai thuyền viên người Indonesia khác cũng được thủy táng", bà Marsudi thông tin thêm.

Một thuyền viên khác làm việc trên tàu Trung Quốc cũng bỏ mạng vì viêm phổi, nhưng khi đó tàu đã cập cảng Busan và người này chết trong bệnh viện.

Ngoại trưởng Indonesia xác nhận đã yêu cầu đại sứ Trung Quốc Xiao Qian làm rõ liệu các thủ tục thủy táng thuyền viên Indonesia có đúng với quy định của Tổ chức Lao động quốc tế hay không. Bà Marsudi cũng chất vấn về việc có hay không các thuyền viên Indonesia chết một phần vì các điều kiện đối xử không thích hợp trên tàu.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Indonesia chưa đưa ra bình luận sau vụ việc.

Trong một thông cáo riêng lẻ trước đó, Quỹ công lý môi trường (EJF) có trụ sở tại Anh cáo buộc một số thuyền viên Indonesia bị bắt làm tới 18 tiếng mỗi ngày trên tàu cá Trung Quốc. Số tiền họ được trả rất ít, chỉ nhỉnh hơn 1 USD/ngày. Các tàu cá Trung Quốc cũng chần chừ không đưa các thuyền viên bị bệnh về đất liền ngay lập tức.

"Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Trung Quốc và các nước mở một cuộc điều tra khẩn cấp về cách hành xử của đội tàu cá Trung Quốc", EJF nhấn mạnh trong thông cáo.

Thượng viện Mỹ không thể ngăn chặn khả năng ông Trump tấn công Iran

Phiên họp của Thượng viện Mỹ. (Ảnh: CNN)

Ngày 7/5, tại Washington, Thượng viện Mỹ đã không thể bác bỏ quyền phủ quyết của Tổng thống Donald Trump đối với dự luật hạn chế khả năng Tổng thống phát động chiến tranh chống Iran.

Tại Thượng viện, dự luật nói trên đã nhận được 49 phiếu thuận và 44 phiếu chống, không đủ 2/3 số phiếu cần thiết để đảo ngược quyền phủ quyết của Tổng thống Trump đối với dự luật mà ông gọi là "sự sỉ nhục" nhằm hạn chế thẩm quyền của ông.

Theo dự luật, Tổng thống sẽ không được sử dụng sức mạnh quân sự chống lại Iran khi chưa có sự đồng ý của Quốc hội. Đây là một trong những nghị quyết hiếm hoi nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng tại Mỹ. Phe Dân chủ cho rằng việc Tổng thống Trump ra lệnh sát hại Tướng Qassem Soleimani của Iran khiến hai bên gia tăng căng thẳng và có thể dẫn tới một cuộc xung đột sâu rộng hơn. Các nghị sỹ đảng Dân chủ cùng nhiều chuyên gia đã chỉ trích quyết định sát hại Tướng Soleimani là không thỏa đáng và mang tính gây hấn.

Ngày 6/5, Tổng thống Trump đã phủ quyết dự luật nói trên, trong bối cảnh chính quyền của ông Trump đang phát động chiến dịch gây sức ép tối đa với Iran. Trong một tuyên bố do Nhà Trắng công bố, Tổng thống Trump cho rằng dự luật do một số thành viên đảng Dân chủ đề xuất rõ ràng mang mục tiêu chia rẽ nội bộ đảng Cộng hòa trước thềm bầu cử.

Trước đó, sau khi được Hạ viện Mỹ thông qua vào tháng Ba, dự luật trên đã được Thượng viện thông qua với 53 phiếu thuận và 47 phiếu chống. Theo Đạo luật quyền lực chiến tranh của Mỹ ra đời năm 1973, chính phủ cần thông báo cho quốc hội về những hành động quân sự lớn.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump cho rằng việc ông chỉ đạo tiến hành cuộc không kích sát hại tướng Iran mà không thông báo trước hay tham vấn quốc hội là hoàn toàn hợp lệ.

Nhật Bản mua thêm 40 xe tác chiến, pháo tự hành

Bộ Quốc phòng Nhật sẽ mua thêm 33 xe tác chiến cơ động giống chiếc này

Bộ Quốc phòng Nhật Bản (MOD) vừa tiết lộ sẽ chi 23,7 tỉ yen (hơn 222 triệu USD) trong năm tài khóa 2020, bắt đầu từ tháng 4, để mua thêm 33 xe tác chiến cơ động mẫu 16 (Type-16 MCV) cho Lực lượng Phòng vệ trên bộ (GSDF) sau khi đã đặt mua 22 chiếc trong tài khóa 2019.

Chuyên trang Jane's Defence Weekly dẫn thông báo mới nhất của MOD cho hay GSDF đã đặt mua tổng cộng 142 chiếc Type-16 MCV từ tài khóa 2016.

Được đưa vào hoạt động từ tài khóa 2017, Type-16 MCV nặng khoảng 26 tấn, được trang bị pháo 105 mm.

MOD cho biết thêm sẽ chi 4,5 tỉ yen để mua thêm 7 pháo tự hành 155 mm mẫu 19 cho GSDF. Pháo tự hành tầm xa mẫu 19 sẽ dần dần thay thế hệ thống pháo kéo FH-70 “đang lão hóa” của GSDF. Hồi cuối năm 2018, Cơ quan Hậu cần, công nghệ và mua sắm (ATLA) thuộc MOD đã nhận 5 pháo tự hành 155 mm mẫu 19 từ nhà sản xuất trong nước Japan Steel Works.

Tương tự, Bộ Quốc phòng Philippines mới đây cho hay nước này vẫn sẽ mua hệ thống pháo tự hành 155 mm ATMOS do Công ty Israel Elbit Systems chế tạo theo hợp đồng trị giá 47 triệu USD đã được ký trước đó, theo Jane's Defence Weekly.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ trở lại đại dương

USNI News, trang tin của Viện Hải quân Mỹ, ngày 6/5 đưa tin tàu sân bay USS Ronald Reagan neo đậu ở Nhật Bản đã quay lại đại dương để thử nghiệm sau giai đoạn bảo trì thường niên. Động thái diễn ra trước cuộc tuần tra mùa xuân của tàu sân bay này ở khu vực Tây Thái Bình Dương.

Trong khi đó, vào ngày 7/5, trang Stars and Stripes dẫn lời các quan chức Mỹ xác nhận tàu sân bay USS Ronald Reagan đã tham gia các cuộc thử nghiệm trong tuần này.

Tàu USS Ronald Reagan đã rời cảng ở Yokosuka, Nhật Bản ngày 4/5. Trước đó, thủy thủ của tàu này cùng các tàu hộ tống đã bị cách ly để ngăn dịch Covid-19.

Giai đoạn thử nghiệm như thế này thông thường kéo dài khoảng 1 tuần và là một trong những giai đoạn cuối cùng trước khi các tàu tham gia tuần tra.

Các thông tin chi tiết về việc liệu tàu USS Ronald Reagan sẽ quay lại cảng Yokosuka trước khi bắt đầu triển khai chính thức hay không hiện vẫn chưa rõ, theo Stars and Stripes.

USNI News cho biết việc tàu sân bay USS Ronald Reagan quay lại đại dương diễn ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo cấp cao Mỹ gần đây cảnh báo về các hoạt động quân sự gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trước các bước đi gây hấn của Bắc Kinh ở Biển Đông, Mỹ đã tăng cường sự hiện diện trong khu vực gồm tiến hành 2 cuộc tuần tra tự do hàng hải ở vùng biển này hồi tháng 4.

Ngoài ra, tàu đổ bộ tấn công USS America cũng được triển khai tới khu vực có tàu thăm dò Hải Dương Địa Chất 8 (HD-8) và tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động ở vùng biển gần Malaysia.

Người phục vụ riêng nhiễm Covid-19, Tổng thống Trump 'rất thất vọng' và lấy mẫu xét nghiệm

Tổng thống Trump thường xuyên được xét nghiệm virus corona. Ảnh: AFP

Ngày 7/5, Nhà Trắng xác nhận thông tin người phục vụ riêng của Tổng thống Trump bị nhiễm bệnh như đài CNN đưa ra là đúng sự thật.

"Đội ngũ y tế của Nhà Trắng đã thông báo với chúng tôi về trường hợp một thành viên của quân đội Mỹ làm việc trong khuôn viên Nhà Trắng đã dương tính với virus corona chủng mới", phó thư ký báo chí Nhà Trắng Hogan Gidley xác nhận.

Ông Gidley khẳng định Tổng thống Trump và Phó tổng thống Mike Pence đã được lấy mẫu xét nghiệm ngay sau đó. Kết quả cho thấy hai người âm tính với virus corona chủng mới và sức khỏe vẫn đang tốt.

Theo CNN, người phục vụ bị nhiễm bệnh là một thành viên của lực lượng hải quân. Đội phục vụ riêng này được tuyển chọn kỹ càng từ quân đội và thường xuyên tiếp xúc gần với tổng thống cũng như gia đình tổng thống.

Danh tính của người phục vụ bị nhiễm bệnh không được tiết lộ. Nguồn tin của CNN trong Nhà Trắng cho biết anh này bắt đầu biểu hiện triệu chứng vào sáng 6/5. Tin tức một người thân cận với ông Trump nhiễm virus corona nhanh chóng lan rộng ra toàn Cánh Tây - nơi làm việc của tổng thống.

Tổng thống Trump trước đây đã từng tiếp xúc gần với một quan chức Brazil tháp tùng Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đến thăm Nhà Trắng. Ông này sau đó được xác nhận dương tính với virus nhưng rất may cả ông Trump và ông Bolsonaro đều bình an.

Hai nguồn thạo tin của CNN cho biết Tổng thống Trump, Phó tổng thống Pence và các quan chức cấp cao trong Chính phủ Mỹ được xét nghiệm virus corona mỗi tuần.

Nhà Trắng vẫn sử dụng bộ xét nghiệm nhanh của Abbott Labs với khả năng cho ra kết quả trong vòng 15 phút. Các quan chức đã từng được xét nghiệm nói vui nếu nhân viên y tế im lặng, đó là điều tốt, còn nếu họ liên lạc lại chỉ vài phút sau đó, điều đó có nghĩa bạn đã dương tính với virus.

/hoi-dong-tham-phan-tandtc-chap-nhan-cho-luat-su-tran-hong-phong-duoc-tham-gia-day-du-phien-toa-giam-doc-tham-vu-an-ho-duy-hai.html