Khi Luật sư khóc

17/09/2020 01:44 | 3 năm trước

(LSO) - Những cung bậc tình cảm của Luật sư thể hiện ở phiên tòa phần nào giúp cho những người dự khán biết được cái tâm và cái “trình” của Luật sư đó. Thể hiện tình cảm ở các trạng thái vui hoặc buồn, giận dữ hoặc hòa nhã, cứng rắn hoặc xúc động nghẹn ngào hay bức xúc,… thì cũng là yếu tố tác động đến những người dự khán và Hội đồng xét xử.

Luật sư và bị cáo ôm nhau khóc tại tòa.

Thể hiện trạng thái tình cảm cũng là yếu tố không thể thiếu bổ sung cho nghệ thuật hùng biện – một đòi hỏi mà Luật sư nào cũng cần phải có, đặc biệt là trong bối cảnh hình thức tranh tụng trước tòa đang được đề cao và coi trọng.

Tuy nhiên, khi Luật sư đã phải khóc thì hoàn toàn là một cảm xúc tự nhiên của con người và rất người. Cách đây vài năm, trong phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ Vinalines, một Luật sư bật khóc vì bị Thẩm phán liên tiếp bắt dừng ý kiến giữa chừng. Đến phiên phúc thẩm vụ án này, cũng bị “chẹn họng” tương tự nhưng thái độ của một Luật sư khác thì lại khác, ông không khóc mà bày tỏ sự bức xúc khi bị ngắt lời!

Đó là các phản ứng tức thì trong diễn biến của phiên tòa. Luật sư khóc ở ngoài phiên tòa nhiều hơn. Họ khóc vì cảm thương cho số phận éo le của thân chủ họ, không ít những giọt nước mắt lặng thầm rơi xuống trang hồ sơ vô tri, có bản đã ố vàng vì thời gian. Có Luật sư khóc vì cảm nhận sự bất lực của mình trước phán quyết của tòa mà không có cách nào minh oan nổi cho thân chủ. Ngược lại, có trường hợp Luật sư xúc động sau cả một chặng đường dài tố tụng, thân chủ mình được gỡ bỏ hàm oan: “Nhìn thân chủ được minh oan/Từ trong hốc mắt hai hàng lệ rơi” (Thơ Luật sư Nguyễn Minh Tâm), thì có riêng gì người được minh oan khóc đâu mà “người nhìn” cũng khóc cùng đấy chứ! Có giọt nước mắt vui mừng của Luật sư rơi xuống ngày đoàn tụ của thân chủ họ và cũng có giọt nước mắt đau buồn chảy xuống một cuộc chia ly!

Mới đây, sau phiên tòa xử vụ vận chuyển ma túy ở Điện Biên, 10 bị cáo bị lừa chuyển hàng với giá công rẻ mạt bị tuyên 7 người tử hình, 3 người chung thân, còn 2 tên người Trung Quốc mua bán trót lọt 150 bánh heroin thì đã lặn mất tăm, nữ Luật sư bảo vệ cho bị cáo đã khóc cùng với những người phụ nữ dân tộc vật vã ngoài cánh cổng Tòa.

Hẳn không ít người còn nhớ, một ngày cuối tháng 3/2014 phiên tòa phúc thẩm xử "tướng cướp" Hồ Duy Trúc vừa khép lại, tại sân Tòa án, người ta thấy vị Luật sư vừa bào chữa cho bị cáo đầm đìa nước mắt. Vây quanh ông là thân nhân của tên "tướng cướp" – những người đã bị dư luận hết lời chê trách vì những ứng xử phản cảm của họ tại phiên tòa sơ thẩm. Họ vây lấy Luật sư không phải để xỉ vả hay chê trách vì con họ đã trở thành tử tù mà những người quê mùa ít học này lại muốn an ủi, cảm tạ Luật sư. Luật sư khóc xin với gia đình cho đứa con trai tử tù để ông nuôi nấng đến lúc trưởng thành, ông còn mời mọi người về nhà mình ăn cơm.

Quả thật, cách hành xử và lời nói của người nhà Hồ Duy Trúc trước đó làm nhiều người phẫn nộ và chê trách nhưng sau đó người ta thực sự nhận ra là những con người dưới đáy xã hội này vô cùng chất phác, gặp đâu nói đó. Gia cảnh của tên "tướng cướp" “chém trước, cướp sau” cũng vô cùng khốn khổ. Đến nạn nhân là cô gái đi xe SH bị chém lìa tay cũng lên tiếng xin Tòa giảm hình phạt cho hung thủ. Cái nhìn của dư luận đã bớt khắt khe hơn và khi những giọt nước mắt của Luật sư rơi xuống sân Tòa thì đã có sự đồng cảm nhất định của dư luận đối với những thân nhân bất hạnh của kẻ từng gây nên tội ác tày đình. Đây là những giọt nước mắt ứa ra từ tấm lòng nhân hậu, bởi vậy nó mang sự cảm hóa sâu sắc.

Trở lại 10 năm trước, một vụ án làm rúng động dư luận, đó là vụ nữ sinh cắt cổ người tình trên xe Lexus vào đúng Ngày Tình nhân 14/2. Bào chữa cho bị cáo này là một nữ Luật sư đáng tuổi mẹ bị cáo. Trước áp lực ghê gớm của dư luận trước một tội ác do một nữ sinh áo trắng gây nên và cả mối hận thù của gia đình nạn nhân thì Luật sư bào chữa cho bị cáo trước hết phải là người có can đảm và bản lĩnh.

Trong xã hội vẫn tồn tại quan niệm: Tội lỗi rành rành như thế còn bào chữa cái gì và không ít người cho rằng Luật sư đứng về “phe” bị cáo như một kẻ đồng lõa. Thái độ căm ghét Luật sư có thể được giải thích bắt nguồn từ những quan niệm sai lệch đó. Với một nữ Luật sư, thiên chức phụ nữ và của người làm mẹ hẳn rằng đã giúp bà có động lực để bảo vệ thân chủ mình, tìm ra các yếu tố có lợi tối đa mà pháp luật cho phép. Quá trình xét xử cô nữ sinh – tội phạm ấy chỉ khóc và vị Luật sư kia đã bao lần chứng kiến cô khóc trước đó cũng phải nuốt nước mắt vào trong để mà biện hộ hay đúng hơn là nói thay cho bị cáo.

Mức án 14 năm tù dành cho một tội danh giết người hẳn đã là ghi nhận một sự nỗ lực của Luật sư. Bà Luật sư từng tâm sự đây là vụ án để lại cho bà nhiều ấn tượng với những cung bậc cảm xúc khó quên. Người mẹ của cô gái hung thủ là một cô giáo đã trở thành người bạn tâm giao với bà, họ chia sẻ với nhau với tư cách là hai người mẹ trước tội lỗi của đứa con gái. Sau những bản án, sau những hoạt động mang tính chất nghề nghiệp thì luôn ẩn chứa tình người. Chính điều đó không những tác động tích cực đến người phạm tội hoàn lương mà cả gia đình họ. Nhiều Luật sư trở thành ân nhân của gia đình bị cáo và họ giữ mối quan hệ thân tình với nhau, sẵn sàng sẻ chia nỗi đau, niềm vui, động viên nhau sống tốt.

Một nữ Luật sư nói rằng, ấn tượng sâu sắc để lại với bà là có cô bé 9 tuổi bị hiếp dâm. Cô ấy đã vượt qua tất cả để mong trở thành bác sĩ. 13 năm sau, ngày cô tốt nghiệp Đại học Y cũng là khi người ta bắt được thủ phạm. Tại phiên tòa xét xử kẻ hãm hại mình, cô bác sĩ trẻ tuổi đã khiến mọi người cảm động khi cô phát biểu tha thứ cho bị cáo, xin giảm nhẹ hình phạt cho hắn với những lời lẽ vị tha và hết sức nhân văn.

Quan hệ Luật sư – khách hàng là mối quan hệ đặc biệt bởi sau Bản hợp đồng dịch vụ thì không phải tất cả mọi công việc cũng như ứng xử “trọn gói” trong đó mà còn nhiều thứ khác “phát sinh” trong quá trình thực hiện Bản hợp đồng đó, kể cả tình cảm của hai bên. Sự cam kết trong hợp đồng chỉ là điều kiện ràng buộc để Luật sư thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình nhưng sự tâm huyết nghề nghiệp và thái độ nhân văn mới là động lực, là cái nền đạo lý để người Luật sư thực hiện và thể hiện trách nhiệm của mình. Không khó lý giải khi bản án được tuyên mà Luật sư “không giúp được gì” mà bị cáo cũng như thân nhân của họ không phàn nàn, trách cứ mà còn biết ơn Luật sư vì họ biết rằng, Luật sư của họ đã làm hết mình một cách đầy trách nhiệm, không hổ thẹn với lương tâm.

NHỊ NGỌC

/hanh-vi-cong-khai-ngoai-tinh-bi-xu-ly-nhu-the-nao.html