Khiếu nại của gia đình cố Luật sư Trịnh Đình Thảo rất cần được xem xét lại

19/06/2020 01:56 | 3 năm trước

(LSO) - Căn nhà toạ lạc trên khu đất số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 6, quận 3, TP. HCM đã được Luật sư Trịnh Đình Thảo mua và đứng tên Bằng khoán điền thổ số 391 Sài Gòn - Độc Lập (lập bộ ngày 27/4/1932, di chuyển chủ quyền cho ông Trịnh Đình Thảo đứng bộ - tờ lược giải số 3, ngày 04/3/1939).

Từ năm 1955, ông Thảo đứng đầu các phong trào đòi thống nhất đất nước, chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Năm 1965, ông Thảo cho ông Trương Hy và bà Âu Phụng Chí - là tư sản mại bản thuê nhà đất trên để xây chung cư cho Mỹ thuê 12 năm. Vì tham gia cách mạng, nên ông Thảo phải thoát ly lên chiến khu.

Ngày 19/12/1977, UBND TP. HCM đã ban hành Quyết định số 1701/QĐ-UB tịch thu tài sản của nhà tư sản mại bản là vợ chồng ông bà Trương Hy - Âu Phụng Chí (gia đình ông Hy đã bỏ ra nước ngoài trước ngày 30/4/1975), trong đó có căn nhà số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 6, quận 3, TP. HCM.

Quyết định 1701 này đã áp dụng sai hoàn toàn đối tượng chủ thể sở hữu căn nhà 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Khu nhà đất 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa do Luật sư Trịnh Đình Thảo đứng tên chủ quyền từ năm 1939, hiện là khu “đất vàng” đắc địa ở TP. HCM.

Trước đó, ngày 12/7/1968, chính quyền Sài Gòn đã tuyên án tử hình ông Thảo, tịch thu căn nhà 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa... Lẽ ra, sau ngày 30/4/1975, căn nhà trên phải hoàn trả cho ông Thảo, thì UBND TP. HCM lại áp đặt căn nhà là của tư sản mại bản Trương Hy, thuộc diện “vắng chủ” và tịch thu để nhà nước quản lý.

Trên thực tế, căn nhà 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa thuộc sở hữu hợp pháp của Luật sư, nhà cách mạng Trịnh Đình Thảo từ ngày 04/3/1939. Vợ chồng ông bà tư sản mại bản Trương Hy chỉ là người thuê nhà của ông Thảo. Việc áp đặt căn nhà của Luật sư Trịnh Đình Thảo thành nhà của tư sản mại bản Trương Hy là sai đối tượng chủ thể sở hữu căn nhà. Từ đây, dẫn tới hàng loạt vi phạm sau này, khiến vụ đòi nhà kéo dài nhiều thập niên...

Năm 1992, UBND TP. HCM có quyết định chuyển giao quyền quản lý, sử dụng căn nhà trên cho UBND quận 5. Năm 1998, UBND quận 5 giao khu nhà cho Công ty Xây dựng - Thương mại Sài Gòn 5 lập dự án đầu tư và đưa vào khai thác sử dụng.

Hiện nay, nhà đất 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa được giao cho Công ty cổ phần địa ốc Kỷ Nguyên làm chủ đầu tư, thực hiện dự án “Khu chung cư cao tầng kết hợp dịch vụ”.

Ngày 09/9/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt (lúc bấy giờ) đã ban hành Chỉ thị số 239-CT. Tại Chỉ thị này, quy định rất rõ: “Trường hợp đặc biệt xét trả lại nhà cho tư nhân, Chủ tịch UBND tỉnh và tương đương bàn với Bộ Xây dựng trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng xét quyết định”.

Ngày 12/10/1990, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 04-BXD/XDCB/DT hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 239 nói trên. Theo đó, Thông tư 04 của Bộ Xây dựng cũng quy định cụ thể những “trường hợp đặc biệt”, “Chủ nhà đi tham gia cách mạng, do yêu cầu công tác phải vắng mặt ở địa phương, nhà cửa bị chính quyền địa phương quản lý theo diện “nhà vắng chủ”. Đến nay, đã được Chủ tịch UBND tỉnh xác nhận nguyên nhân chủ nhà vắng mặt đúng với lý do nêu ở trên”, thì được trả lại nhà. Thế nhưng, suốt nhiều năm liền, Luật sư Trịnh Đình Thảo vẫn không được UBND TP. HCM trả lại nhà, như Chỉ thị 239 và Thông tư 04 quy định.

Ngoài ra, các lãnh đạo Đảng, Chính phủ như: Thủ tướng Võ Văn Kiệt (11/10/1993), Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng (31/3/2011) và đặc biệt là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (10/6/2013) đã có văn bản chỉ đạo Chủ tịch UBND TP. HCM xem xét, giải quyết có lý, có tình đối với gia đình cố Luật sư Trịnh Đình Thảo. Song, UBND TP. HCM vẫn nhất định bảo lưu quan điểm trái ngược với các quy định của nhà nước, cương quyết bác đơn xin đòi lại nhà, đất số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa của gia đình cố Luật sư Trịnh Đình Thảo.

Tuy nhiên đến nay, gia đình Luật sư Trịnh Đình Thảo vẫn không đòi được nhà đất 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa; trái lại, từ nhà nước quản lý, thì nay, nhà đất 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa đã trở thành “đất vàng”, thuộc quyền quản lý của Công ty cổ phần địa ốc Kỷ Nguyên (trụ sở 57 Nguyễn Huệ, quận 1). Tại khu đất 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa hiện nay là toà cao ốc 18 tầng, có tên Sherwood Suites.

Điều đáng nói, dù có không ít chỉ đạo từ các vị lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Chính phủ, về việc giải quyết căn nhà 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa cho “có tình, có lý”; song, suốt nhiều năm qua, UBND TP. HCM vẫn cương quyết bác đơn đòi nhà của gia đình cố Luật sư Trịnh Đình Thảo.

Thiết nghĩ, cố Luật sư Trịnh Đình Thảo là người có công với cách mạng nên những kiến nghị của gia đình cố Luật sư rất cần được các cấp có thẩm quyền xem xét lại.

Cố Luật sư, nhà cách mạng Trịnh Đình Thảo (1901-1986) rất nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở Sài Gòn. Tên ông được đặt cho một con đường ở quận Tân Phú, TP. HCM.

LSO

/pho-chu-tich-tap-doan-deo-ca-luu-xuan-thuy-su-dung-sung-gia-doa-nhan-vien-bao-ve-co-bi-xu-ly.html