Khóc ròng vì dịch Covid-19: Doanh nghiệp vận tải "méo mặt"

17/03/2020 16:59 | 4 năm trước

LSVNO - So với trước đây, lượng khách và doanh số của các nhà xe sụt giảm khoảng 80%. Chi phí bến bãi, nhiên liệu, khấu hao... đang khiến cho các doanh nghiệp vận tải đối mặt nguy cơ phá sản.

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu đi lại của người dân giảm rõ rệt, các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề đang trong thời gian nghỉ do dịch bệnh nên dẫn tới tình trạng các bến xe khách trên địa bàn TP. Hà Nội trở nên "đìu hiu". Việc kinh doanh của các công ty vận tải vì thế "sụt giảm" trông thấy, nhiều đơn vị đứng trước nguy cơ phá sản.

Bến xe Giáp Bát - một trong những bến xe khách lớn nhất Hà Nội và khu vực phía Bắc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà lượng khách giảm đột ngột làm cho các doanh nghiệp vận tải điêu đứng, liên tục phải bù lỗ.

Sảnh chính đón khách bến xe Giáp Bát.

Trước đó, mỗi ngày bến xe này tiếp nhận hàng chục nghìn lượt khách đi lại, vào những ngày nghỉ cuối tuần con số này cao hơn gấp nhiều lần. Nhưng hiện nay, con số này chỉ còn khoảng 20%, bãi đỗ đón khách im ắng lạ kỳ.

Là một trong nhiều nhà xe có hơn 20 năm hoạt động chuyên chạy tuyến Nam Định – Hà Nội, nhà xe Thanh Phong mỗi ngày có 8 xe hoạt động,  nhưng những ngày gần đây mỗi ngày chỉ có 2 xe hoạt động và luôn trong tình trạng vắng khách.

Anh Trịnh Quang Tới - nhân viên điều hành nhà xe Thanh Phong cho biết: “2 tuần trở lại đây chúng tôi phải bù lỗ cho mỗi đầu xe hoạt động quá nhiều, như tiền nhiên liệu, cầu đường, bến bãi. Từ đợt dịch thứ hai trở lại đây, Hà Nội có nhiều người nhiễm nên hành khách ở các tỉnh Nam Định nơi nhà xe chúng tôi khai thác vận chuyển không đi lại nhiều như trước nữa”.

“Khi dịch bùng phát, nhà xe Thanh Phong chúng tôi cũng đã tuân thủ, chấp hành đầy đủ các biện pháp phòng ngừa dịch của Bộ Y tế, cũng như bến xe đã tuyên truyền, vận động, như phát khẩu trang miễn phí, sắm nước rửa tay. Nhưng lượng khách vẫn liên tục giảm, dẫn tới việc bù lỗ hàng trăm triệu mỗi tháng”, anh Tới cho biết.

Khu vực bán vé không có khách mua vé.

Được biết, tuyến Nam Định - Hà Nội có hơn 100 xe đăng ký hoạt động tại bến xe Giáp Bát, nhưng hiện tại số lượng xe xuất bến còn chưa đến một nửa. Nhiều nhà xe để giữ tuyến và uy tín hoạt động lâu năm của mình đã chịu lỗ để phục vụ người dân đi lại.

Tuyến Thanh Hóa - Hà Nội cũng đang trong tình trạng chung, khi số lượng khách sụt giảm mạnh, việc chạy “xe không” về không còn xa lạ với các nhà xe.

Xe khách 45 chỗ tuyến Hà Nội - Thanh Hóa chuẩn bị xuất bến duy nhất có 1 khách.

Anh Hợp - chủ nhà xe cho biết: “Cứ mỗi ngày chúng tôi chạy phải bù lỗ 3 đến 4 triệu đồng trên một đầu xe. Trước kia, các ngày cuối tuần lượng khách ở bến vô cùng dồi dào. Người dân, nhất là sinh viên, học sinh đang học tập tại các trường đại học và làm việc tại Hà Nội đi lại với số lượng lớn, làm ăn còn có đồng lãi để trả nợ ngân hàng. Bây giờ khách khứa không có, mà lãi ngân hàng vẫn phải trả đều hàng tháng nên chúng tôi không còn cách nào khác phải bán xe để trả nợ ”.

Cổng ra lác đác vài xe xuất bến.

Một nhân viên tại phòng vé ở bến xe cũng cho biết: "Giờ khách mua vé ít hẳn, lác đác vài người, những người ở bến thường là phụ xe hoặc chủ xe”.

Khu bến đỗ xe bus cũng trở nên vắng khách.

Trước thực trạng đó, đại diện các công ty vận tải bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng xem xét hồ trợ, giảm chi phí bến bãi, hộ trợ lãi suất ngân hàng... nhằm duy trì hoạt động đợi qua đợt dịch bệnh.

Dưới đây là một số hình ảnh ghi nhận tại bến xe Giáp Bát:

Lối cổng vào xe khách.
Sảnh dẫn khách ra bến.
Khu vực chờ của khách.
Khu đỗ đón khách của xe khách.
Khu đón trả khách của xe bus.

Nguyễn Phong