Không cách ly – Một trong những hành vi làm lây lan dịch bệnh theo Bộ luật Hình sự 2015

31/03/2020 22:10 | 4 năm trước

(LSO) - Ngày 30/3/2020, TAND Tối cao ban hành văn bản số 45/TANDTC-PC  xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid 19 có quy định hướng dẫn chi tiết về hành vi khác làm lây lan dịch bệnh cho người, trong đó có nội dung về cách ly. Đây là vấn đề phù hợp với thực tiễn. Bài viết làm rõ những hành vi không cách ly làm lây lan dịch bệnh theo Bộ luật Hình sự 2015.

Ngày 31/01/2020, Tổ chức y tế thế giới ( WHO) tuyên bố sự bùng phát chủng Virus Corona  mới từ Trung Quốc là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến gần như tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có cả Việt Nam. Ngày 01/02/2020, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới Virus Corona (Covid-19). Ngày 27/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị số 15/CT-TTg yêu cầu quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19. Dịch Covid-19 có mức độ lây lan rất nhanh chủ yếu xuất phát từ hành vi của con người khi không tuân thủ các quy định về cách ly. Ngày 30/3/2020, Hội đồng Thẩm Phán TAND Tối cao đã có Văn bản số 45/TANDTC-PC về về xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

I. Cách lý dưới góc độ đời sống và pháp lý

1. Dưới góc độ đời sống

Cách ly là một trong số các biện pháp có thể được thực hiện để kiểm soát nhiễm trùng, ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm lây truyền từ một bệnh nhân đến một bệnh nhân khác; đến nhân viên y tế và đến người thăm bệnh, hoặc từ người bên ngoài đến một bệnh nhân cụ thể. Có nhiều hình thức cách ly khác nhau, như việc thay đổi thủ tục tiếp xúc, đưa bệnh nhân cách ly ra xa tất cả những người khác. Trong một hệ thống được xây dựng và sửa đổi định kỳ bởi Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), nhiều cấp độ cách ly bệnh nhân khác nhau bao gồm việc áp dụng một hoặc nhiều “biện pháp phòng ngừa” được mô tả chính thức.

Cách ly được sử dụng phổ biến nhất khi bệnh nhân được phát hiện mắc một bệnh truyền nhiễm (lây truyền từ người này sang người khác) do virus hoặc vi khuẩn. Có một số trang thiết bị đặc biệt được sử dụng trong quản lý bệnh nhân dưới nhiều hình thức cách ly khác nhau. Bao gồm các vật dụng thiết bị bảo hộ cá nhân (như áo choàng, khẩu trang và găng tay), kiểm soát kỹ thuật (như phòng áp suất dương, phòng áp suất âm, thiết bị lưu lượng không khí, và các hàng rào cơ học và kết cấu khác nhau). Các phòng cách ly chuyên dụng có thể được xây dựng sẵn trong bệnh viện hoặc các đơn vị cách ly dã chiến tại các cơ sở trong trường hợp khẩn cấp có dịch bệnh bùng phát.

Ở Việt Nam, biện pháp cách ly trong thời kỳ Covid-19 diễn ra như sau: những người đi từ nước ngoài về từ máy bay xuống sẽ được đưa đi cách ly và theo dõi đủ 14 ngày. Nếu một người nào đó, trong 14 ngày nếu xuất hiện triệu chứng của dịch bệnh và xét nghiệm dương tính thì sẽ tìm những người tiếp xúc trực tiếp người đó để đi cách ly rồi sau đó thông báo cho những người tiếp xúc với người tiếp xúc trực với người có kết quả dương tính để tự cách ly...

2. Dưới góc độ pháp lý

a. Lý luận pháp ly về cách ly trong thời kỳ dịch bệnh

Hiến pháp 2013 đã quy định rõ: “Ở nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.

Có thể thấy, quyền con người và quyền công dân là các quyền cơ bản mà Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm với người dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Xét theo nguồn gốc triết lý, các quyền con người vốn mang bản tính tự nhiên. Đó là những quyền đã là người thì ắt phải được có. Nói cách khác, quyền con người là yếu tố xác định một cá thể nào đó có được coi là “người” trong xã hội hay không?[1]. (1)  Dựa theo triết lý này có thể thấy quyền con người mang tính tự nhiên tuyệt đối nhưng đặt trong bối cảnh thực tế có thể thấy rằng nếu như quyền con người mà tuyệt đối thì pháp luật sẽ khó có thể điều chỉnh mối quan hệ xã hội giữa con người với con người (con người là yếu tố cấu thành nên xã hội) sẽ dẫn tới hậu quả xã hội bị phá hủy. Vì lý do đó, để duy trì xã hội, quyền con người cần phải được hạn chế.

Điều này đã được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Như vậy, quyền con người, quyền công dân chỉ được hạn chế vì lợi ích công trong trường hợp cần thiết cụ thể tại 06 lĩnh vực bao gồm: quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Đại dịch Covid-19 là đại dịch toàn cầu, gây ra không chỉ tổn thất kinh tế nặng nề mà còn ảnh hưởng đến tính mạng con người. Ở Việt Nam, mặc dù chưa xuất hiện ca nào tử vong nhưng đã có hơn 200 ca nhiễm bệnh và đã xuất hiện sự lây nhiễm chéo. Ngày 01/02/2020, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới Virus Corona (Covid-19) theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Có thể thấy rằng, đây là cơ sở pháp lý vững chắc để áp dụng hạn chế quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực sức khỏe của cộng đồng, phù hợp với quy định khoản 2 Điều 14 Hiến pháp đã nêu ở trên.

Covid-19 là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lan truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao. Theo khoản 1, 2 Điều 49 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định tổ chức cách ly y tế như sau: “1. Người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế phải được cách ly. 2. Hình thức cách ly bao gồm cách ly tại nhà, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác”.

Có thể thấy rằng, đối với bệnh Covid-19 những người mắc bệnh, bị nghi ngờ, người mang mầm bệnh, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh có trách nhiệm phải cách ly. Thuật ngữ “cách ly” được hiểu như sau: “cách ly y tế là việc tách riêng người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, hoặc vật có khả năng mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế sự lây truyềnbệnh” theo khoản 16 Điều 2 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Theo Nghị định 101/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm một số biện pháp cách ly được áp dung như sau:

Biện pháp cách ly tại nhà:

Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đang lưu tại vùng có dịch, trừ đối tượng là người mắc dịch bệnh thuộc nhóm A và một số dịch bệnh thuộc nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế; người xuất phát hoặc đi qua vùng có bệnh dịch thuộc nhóm A và một số dịch bệnh thuộc nhóm B; người tiếp xúc với người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B.

Biện pháp cách ly tại cơ sở y tế áp dụng:

Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đang khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế và người mắc dịch bệnh thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B đang lưu trú tại vùng có bệnh dịch; người đang bị áp dụng biện pháp cách ly y tế theo diện cách ly tại nhà, cách ly tại cửa khẩu nhưng có dấu hiệu tiến triển thành mắc bệnh truyền nhiễm.

Biện pháp cách ly y tế tại cửa khẩu:

Người, phương tiện, hàng hóa xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh Việt Nam có khai báo của chủ phương tiện vận tải hoặc có bằng chứng rõ ràng cho thấy trên phương tiện vận tải, người, hàng hóa có dấu hiệu mang mầm bệnh dịch thuộc nhóm A; người xuất phát hoặc đi qua vùng có dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam.

Biện pháp cách ly y tế tại các cơ sở, địa điểm khác:

Áp dụng đối với các trường hợp số lượng người xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam  thuộc trường hợp cách ly y tế tại cửa khẩu  vượt quá khả năng tiếp nhận cách ly của cửa khẩu hoặc số lượng người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá khả năng tiếp nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại vùng có dịch.

Việc áp dụng các biện pháp cách ly như đã nêu ở trên hướng tới đối tượng là con người, hàng hóa. Nhưng trong bài viết này, đối tượng mà tác giả muốn hướng tới chỉ là việc áp dụng dành cho người. Con người là nhân tố cấu thành xã hội, nếu một xã hội không có con người thì không thể trở thành xã hội được, để xã hội được phát triển con người cần phải được tôn trọng vào bảo vệ nhưng để đảm bảo xã hội con người cần phải có sự hạn chế và việc hạn chế này cần phải đảm bảo đủ căn cứ pháp lý. Vì vậy, việc áp dụng các biện pháp cách ly y tế trong thời kỳ dịch bệnh là cần thiết nhằm đảm bảo cho sự sống của con người cũng như đảm bảo cho sự tồn tại của xã hội.

b. Một số quy định pháp luật liên quan đến việc không thực hiện việc cách ly

Khi quyền con người bị hạn chế trong thời kỳ đại dịch, sẽ xảy ra hai trường hợp: một là tuân thủ pháp luật; hai là việc không tuân thủ pháp luật. Nếu con người tuân thủ pháp luật thì đó là việc tốt, nếu con người không tuân thủ pháp luật thì việc đó sẽ không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà là toàn thể xã hội. Vì vậy, vai trò của các nhà lập pháp trong trường hợp này là cần thiết, họ đã dự liệu được sự việc xấu nhất có thể xảy ra để vừa bảo đảm việc thực thi pháp luật vừa bảo đảm quyền con người trong thời kỳ đại dịch. Một số quy định như sau:

Về lĩnh vực xử phạt hành chính:

Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế như sau:

 Điều 6 vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm như sau:

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không khai báo khi phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

b) Không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo Điều 9 vi phạm quy định về phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm  tại cơ sở khám chữa bênh, chữa bệnh như sau:

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không khai báo hoặc khai báo không trung thực, kịp thời diễn biến bệnh truyền nhiễm của bản thân với thầy thuốc, nhân viên y tế được giao nhiệm vụ;

b) Không tuân thủ chỉ định, hướng dẫn phòng, chống lây nhiễm bệnh truyền nhiễm của thầy thuốc, nhân viên y tế và nội quy, quy chế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

c) Không đăng ký theo dõi sức khỏe với trạm y tế xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là trạm y tế xã) nơi cư trú của người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sau khi ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

 Điều 10 vi phạm quy định về  cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế quy định :

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với trường hợp phải thực hiện việc cách ly y tế theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

c) Không lập danh sách và theo dõi sức khỏe của những người tiếp xúc với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật;

d) Thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế tại địa điểm không đủ điều kiện thực hiện cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với hành vi quy định tại điểm a và điểm b khoản 1, khoản 2 Điều này.

Về pháp luật hình sự:

Điều 240 về tội lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;

b) Làm chết người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;

b) Làm chết 02 người trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Điều 295: Tội vi phạm về quy định về an toàn ở nơi đông người

1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

d) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tng tỷ lệ tn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

II. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm và những hành vi không cách ly xảy ra trong thực tế

1. Cấu thành tội phạm trong tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm theo quy định của Bộ luật Hình sự

Đặt trong mối quan hệ giữa con người với nhà nước trong xã hội. Khi quyền lợi của nhà nước và cộng đồng bị tác động xâm phạm, công cụ pháp luật như xử phạt vi phạm hành chính không đủ tính răn đe, giáo dục đối với người vi phạm thì cần phải có một đạo luật ra đời để mang tính trừng phạt và giáo dục một cách khắc nghiệt hơn. Vì vậy, Luật Hình sự đã ra đời để điều chỉnh mối quan hệ xã hội đặc biệt giữa Nhà nước và Chủ thể gây ra sự kiện tội phạm - gây ra tính nguy hiểm xã hội.

Nguy hiểm cho xã hội, về khách quan có nghĩa là gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho xã hội được luật hình sự bảo vệ. Đó là những quan hệ xã hội có tính tương đối quan trọng hoặc quan trọng và khi bị xâm hại có thể gây ra những thiệt hại hoặc những ảnh hưởng đáng kể cho điều kiện tồn tại và phát triển của chế độ XHCN[2](2). Mặc dù tính nguy hiểm xã hội là yếu tố chính để áp dụng pháp luật hình sự nhưng trong thực tiễn không phải tính nguy hiểm xã hội nào cũng được để áp dụng pháp luật hình sự: ví dụ phòng vệ chính đáng. Do đó, cần phải có những yếu tố khác như: tính có lỗi, tính trái pháp luật hình sự, tính phải chịu hình phạt. Áp dụng trong trường hợp thời kỳ đại dịch, những hành vi việc không thực hiện cách ly, trốn tránh cách ly hoàn toàn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự với tội danh làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm dành cho người (Điều 240 Bộ luật Hình Sự).

Cấu thành của tội này như sau:

Mặt khách quan của tội phạm: Tội lây lan dịch bện truyền nhiễm nguy hiểm dành cho người thể hiện qua hành vi, bài viết này chỉ đi vào phân tích vào hành vi không cách ly của con người.

Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người được hiểu là bất kỳ hành vi nào ngoài những hành vi kể trên vi phạm các quy định của pháp luật về thú y và kiểm dịch động vật, thực vật như cố tình giết, mổ, bán các loại.

Ngày 30/03/2020, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao có công văn số 45/TANDTC-PC về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Cụ thể về mục 1: Hướng dẫn xác định tội danh theo quy định của Bộ luật Hình sự thì hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người là các hành vi trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.

Chủ thể tội phạm: là người nào có năng lực TNHS và đủ tuổi theo luật định.

Mặt chủ quan: lỗi của người phạm tội là cố ý. Động cơ, mục đích không phải dấu hiệu bắt buộc trong CTTP tội này.

Khung hình phạt: được quy định rõ ràng trong điều luật.

2. Những hành vi không cách ly trong thực tế và việc áp dụng Bộ luật Hình sự

Những hành vi không cách ly trong thực tế và việc áp dụng Bộ luật Hình sự trong thưc tế. Tại bài viết này, tác giả chia ra làm hai giai đoạn theo mốc thời gian: Thứ nhất, trước ngày 30/3/2020; thứ hai sau ngày 30/3/2020.

Trước ngày 30/03/2020: Khi chưa có công văn hướng dẫn số 45/TANDTC-PC về việc xét xử  tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Dịch Covid-19 đã bùng phát mạnh và đã có nhiều người bị nhiễm bệnh. Truyền thông và phương tiện đại chúng đã nêu lên một số trường hợp cụ thể như trốn khỏi nơi cách ly, không tuân thủ các quy định cách ly, hay như việc khai báo gian dối về những nơi đi qua nhằm trốn tránh việc cách ly. Tại thời điểm đó, tội danh làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm đã được quy định trong Bộ luật Hình sự, và các nghị định xử phạt hành chính liên quan đến việc lây lan dịch bệnh, truyền nhiễm đã có hiệu lực pháp luật. Một số trường hợp như việc thay người khác đi cách ly, trốn khỏi nơi cách ly bị xã hội lên án và đề nghị xử lý, thậm chí xử lý hình sự. Nhưng thực tế là cơ quan nhà nước đang xem xét, chỉ có một vài trường hợp đã bị xử lý hành chính. Đặc biệt, về hình sự thấy rằng là chưa có trường hợp nào bị xử lý. Về vấn đề này, tác giả cho rằng có thể “thông cảm” cho cơ quan nhà nước bởi lẽ:

Trong thời kỳ dịch bệnh bùng phát, tất cả đang tập trung để chống dịch cũng như chữa bệnh cho người nhiễm và gần như toàn những người có nguy cơ mắc bệnh hay mắc bệnh rồi thực hiện các hành vi trên. Mặc dù họ có hành vi vi phạm pháp luật thật nhưng nhà nước vẫn chữa bệnh cho họ sau đó mới xử lý vi phạm. Điều đó thể hiện, Nhà nước đã thực hiện đúng khẩu hiệu không ai bị bỏ rơi, cũng như tôn trọng quyền con người, quyền công dân cụ thể là quyền khám chữa bệnh;

Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015 như sau: “Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người”. Đây là quy định chung chung không có hướng dẫn chi tiết cụ thể hành vi khác là hành vi như thế nào? Do đó, các cơ quan tư pháp như cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án rất khó để áp dụng các nghiệp vụ khởi tố; truy tố; xét xử khi quy định còn chung chung cần phải có hướng dẫn chi tiết của cấp trên. Áp dụng tội danh này vào trường hợp cụ thể, nếu như định tội danh không đúng với hành vi vi phạm sẽ để lại hậu quả pháp lý rất lớn vi phạm nguyên tắc chống oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Sau ngày 30/3/2020: Hội đồng thẩm phán TAND tối cao ban hành văn bản hướng dẫn sô 45/TANDTC-PC về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trong đó, quy định cụ thể về hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người bao gồm: trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định cách ly; từ chối, trốn việc áp dụng biện pháp cách ly; cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ, khai báo gian dối.

Tác giả đồng tình về cách làm của TAND Tối cao rất kịp thời vừa  phù hợp với nguyên tắc tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm, nguyên tắc pháp chế; nguyên tắc hành vi và nguyên tắc có lỗi vừa đảm bảo chức năng chống và phòng ngừa tội phạm của luật hình sự. Nhưng có một vấn đề đặt ra, nguồn của Luật Hình sự là Bộ luật Hình sự và các án lệ. Các văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng cùng Bộ luật Hình sự để xác định làm rõ trong vấn đề định tội danh. Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể tại khoản 7 Điều 4 như sau: Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao là văn bản quy phạm pháp luật.

Về hình thức, văn bản số 45/TANDTC-PC không giống với hình thức văn bản của Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán, văn bản này giống với công văn hướng dẫn nghiệp vụ xét xử của TAND Tối cao đối với các đơn vị thuộc TAND Tối cao hơn. Nếu như là công văn thì liệu có thể áp dụng trong việc xét xử được hay không? Mặc dù trong thực tế, việc tranh tụng tại phiên tòa các luật sư vẫn viện dẫn công văn hướng dẫn nghiệp vụ xét xử tại tòa để làm căn cứ lập luận.

Các hành vi không cách ly quy định tại văn bản số 45/TANDTC-PC được quy định rất chi tiết và dễ dàng để áp dụng trong việc xác định tội danh:

Hành vi trốn khỏi nơi cách ly: Là việc người đã bị áp dụng biện pháp cách ly tại cơ sở y tế; biện pháp cách ly tại cơ sở khác. Trong thời gian thực hiện hành vi cách ly, người bị áp dụng biện pháp cách ly sử dụng những thủ đoạn, hành vi để trốn khởi nơi cách ly;

Hành vi không tuân thủ quy định về cách ly: Là người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch không tuân thủ theo nghị định 101/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm;

Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly: Khi có các biện pháp áp dụng cách ly, cưỡng chế cách ly người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch không chấp nhận việc áp dụng biện pháp; thực hiện những hành vi để tránh không bị áp dụng biện pháp cách ly; cưỡng chế cách ly.

Kết luận

Có thể thấy, TAND Tối cao ban hành văn bản số 45/TANDTC-PC xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trong đó, có hướng dẫn cụ thể về việc hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người đã quy định chi tiết về những hành vi không cách ly là phù hợp với thực tiễn, rất kịp thời, bảo đảm được tính liên tục trong công tác xét xử.

An My

/toa-an-nhan-dan-toi-cao-huong-dan-xet-xu-toi-pham-lien-quan-den-phong-chong-dich-benh-covid-19.html
/theo-huong-dan-moi-cua-tand-toi-cao-ca-benh-17-34-100-va-178-co-dau-hieu-ve-toi-pham-lien-quan-phong-chong-covid-19.html
/co-the-truy-cuu-hinh-su-doi-voi-co-gai-tron-khoi-khu-cach-ly-di-anh-trong-truong-hop-nao.html
/ca-nhiem-covid-19-thu-100-co-the-xu-ly-hinh-su.html