Không cứu giúp nạn nhân bị tai nạn có thể bị xử lý hình sự?

10/08/2020 17:08 | 3 năm trước

(LSO) - Thấy nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông bị thương nặng nằm bất động trên đường, người dân vào nhờ nhân viên y tế ở một Phòng khám đa khoa kế bên sơ cứu nhưng không ai ra giúp đỡ.

Phòng khám Trần Đức Minh đã tạm đình chỉ ekip trực không cấp cứu cho người bị tai nạn.

Sáng 10/8, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn clip dài hơn 4 phút ghi lại hiện trường vụ tai nạn làm hai người bị thương nặng.

Thông tin ban đầu được biết, vụ việc xảy ra vào trưa ngày 09/8, giữa điểm giao nhau giữa đường D1 và đường N5 kế bên khu công nghiệp Mỹ Phước 1, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

Thời điểm xảy ra vụ việc, nhiều người dân đã chạy vào Phòng khám Đa khoa Trần Đức Minh, cách hiện trường vụ tai nạn khoảng 30 mét để nhờ các nhân viên y tế tại đây hỗ trợ cấp cứu.

Tuy nhiên, các bác sĩ và y tá tại đây lại thờ ơ không ra hỗ trợ, bỏ mặc người bị nạn. Sau đó, người dân đã gọi xe cấp cứu từ một cơ sở khám chữa bệnh khác, đến đưa nạn nhân đi cấp cứu.

Luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng Luật sư Giang Thanh cho rằng, với những hình ảnh thể hiện trong clip được đăng tải, có thể nhận thấy các y, bác sỹ Phòng khám Đa khoa Trần Đức Minh đã phản ứng rất chậm chạp trong việc sơ cứu, cấp cứu người bị tai nạn giao thông.

Được biết, đại diện Phòng khám Đa khoa Trần Đức Minh cũng đã thừa nhận việc bác sĩ và y tá không ra cấp cứu cho bệnh nhân là sai.

Theo Luật sư Thanh, hành vi của Phòng khám Đa khoa trên đã vi phạm một trong những hành vi bị cấm trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo Điều 6 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 đó là “từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh”.

Do vi phạm điều cấm của pháp luật nên cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt hành chính theo điểm e khoản 5 Điều 28 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013, cụ thể như sau:

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi “không khẩn trương sơ cứu, cấp cứu người bệnh; từ chối khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh, trừ trường hợp được quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật”.

Cùng với đó, trong trường hợp người bị tai nạn đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, y, bác sỹ từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu khiến người bị tai nạn chết, thì y, bác sỹ còn có thể bị xử lý hình sự về tội “Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” theo Điều 132 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Cụ thể, người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm;

Đối với các trường hợp người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm; người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp thì sẽ chịu án phạt tù từ 01 năm đến 05 năm;

Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm;

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ngày 10/8, đại diện sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết đã chuyển thông tin vụ việc sang Thanh tra y tế và đơn vị quản lý hành nghề y xác minh xử lý vụ việc trên.
Cũng trong ngày 10/8, Phòng khám đã quyết định tạm đình chỉ ekip trực (1 bác sĩ, 3 điều dưỡng) liên quan đến vụ việc để tiếp tục làm rõ.
Đại diện lãnh đạo phòng khám cũng cho biết đang làm tường trình để báo cáo với Sở Y tế.

LÂM HOÀNG

/gian-lan-thi-cu-bang-cong-nghe-cao-he-luy-lon-xu-phat-con-nhe.html