Không thực hiện tự cách ly Covid-19, bệnh nhân 243 có thể bị xử lý hình sự

08/04/2020 05:49 | 4 năm trước

(LSO) – Mặc dù ngày 30/3, ca nhiễm Covid-19 thứ 243 đã nhận được thông tin những người đã đến Bệnh viện Bạch Mai trong các ngày 10 – 28/3 cần phải khai báo y tế và ông cũng đã được Trạm y tế xã hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe cách ly tại nhà. Tuy nhiên, theo báo cáo chi tiết về lộ trình di chuyển của BN 243 này thì bệnh nhân không thực hiện tự cách ly mà vẫn đi ra ngoài mua bán với lộ trình rất phức tạp. Vậy trường hợp này có thể bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?

Không thực hiện tự cách ly, BN 243 có thể bị xử lý hình sự? (Nguồn: internet).

Ca bệnh 243 (BN243): Bệnh nhân nam, 46 tuổi, quốc tịch Việt Nam, cư trú tại xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội. Ngày 12/3, bệnh nhân đưa vợ đi khám bệnh tại Khoa Miễn dịch - Dị ứng, Bệnh viện Bạch Mai và về trong ngày, ăn uống tại quán cơm đường Giải Phóng đối diện cổng bệnh viện. Từ đó đến nay chưa quay lại bệnh viện.

Ngày 30/3, bệnh nhân khai báo trạm y tế và được cách ly tại nhà ở Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội, không có biểu hiện triệu chứng. Bệnh nhân có tiếp xúc gần với người nhà, người thân và bạn kinh doanh. Ngày 4/4 được lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội ngày 6/4 cho kết quả dương tính với  SARS-CoV-2.

Lộ trình phức tạp của BN 243, không thực hiện tự cách ly

Ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội báo cáo chi tiết về lộ trình di chuyển của bệnh nhân thì sau khi có thông cáo yêu cầu tự cách ly, bệnh nhân số 243 vẫn không thực hiện, mà vẫn di chuyển ra ngoài với lộ trình phức tạp, cụ thể:

Ngày 2/4, ông T. đi tảo mộ sau đó có ăn trưa cùng 4 người khác trong họ (danh sách được lập đầy đủ). Từ ngày 2-5/4, ông T. tiếp xúc với những người trong gia đình và nhà 2 anh trai; đi sửa xe máy nhà anh Q. (đối diện nhà); đi mua mỳ tôm và bả chuột tại nhà anh T., chị H. (cùng khu vực).

Trưa 4/4, do cháu dâu có biểu hiện sẩy thai nên ông T. đưa cháu dâu, cháu trai đến Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên. Tại đây, ông tiếp xúc với một số bác sĩ và sau khi thăm khám, bác sĩ có đề nghị chuyển xuống Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, nghi thai chết lưu. Cùng ngày, ông cùng một số người nhà đến Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội để thăm cháu dâu (5 người đi cùng đã được lập danh sách). Từ 4 - 5h chiều, bệnh nhân có tiếp xúc với 1 bác sĩ khám bệnh cho cháu dâu tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và bệnh nhân có đeo khẩu trang.

Đến 17h ngày 5/4, ông T. cùng em trai (Q.D.T.) đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội bằng xe máy. Tại đây, ông tiếp xúc với 1 bác sĩ lúc 20h30 (không nhớ tên). Trong thời gian tại bệnh viện, ông chủ yếu ngồi ở phòng chờ, đến 23h30 thì về nhà.

Ngày 6/4, ông T. nhận kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và vợ có kết quả âm tính. Bệnh nhân đã được đưa đi cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội).

Có dấu hiệu hình sự?

Liên quan đến BN 243, Luật sư Lâm Văn Quan (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) nhận định:

Để có thể xác định chính xác hành vi của BN 243 có bị xử lý hình sự hay không thì cần căn cứ cụ thể vào kết quả điều tra, tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi, các dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Hành vi không thực hiện tự cách ly của BN 243 theo yêu cầu y tế là hành vi khiến nguy cơ phát tán dịch bệnh, xem thường sức khỏe, sinh mạng của cộng đồng, gây tâm lý hoang mang cho xã hội. Tính đến thời điểm hiện tại, hành vi này của BN 243 đã lây lan dịch bệnh cho 2 người là BN 250 và BN 251 - là hàng xóm và chị dâu có tiếp xúc gần với BN243.

Căn cứ Công văn số 45/TANDTC-PC của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ban hành hướng dẫn cách xác định tội danh liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của Bộ Luật hình sự 2015. Theo công văn, người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 BLHS và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người. Các hành vi gồm trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.

Như vậy, BN 243, có dấu hiệu về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người khi đã không tuân thủ quy định về cách ly. Theo đó, BN 243 dù đã được thông báo tự cách ly, nhưng lại không tuân thủ quy định về cách ly làm lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác nên thuộc trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 BLHS và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người. Các cơ quan có thẩm quyền cần điều tra làm rõ, xem xét và khởi tố vụ án, khởi tố bị can nếu có đầy đủ các dấu hiệu phạm tội "làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo quy định tại Điều 240 Bộ Luật Hình sự năm 2015 .

Trong thời gian qua, dù đã có hướng dẫn, quy định về xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhưng các hành vi vi phạm vẫn xảy ra rất nhiều, khiến cho tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp. Do đó, đối với trường hợp BN 243 nói riêng và các trường hợp vi phạm khác, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm mang tính chất răn đe, góp phần vào công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Thanh Loan

/dich-covid-19-chieu-nay-khong-co-ca-mac-moi-bo-y-te-ra-thong-bao-khan-ve-lich-trinh-cua-benh-nhan-243.html