Kiểm điểm hai cán bộ của Bộ GD-ĐT liên quan đến kỳ thi THPT Quốc gia 2018

05/05/2020 02:59 | 3 năm trước

(LSO) - Trong vụ việc tiêu cực trong thi cử năm 2018, Đảng Ủy Bộ GD&ĐT đã có kết luận và giao Chi bộ Thanh tra tổ chức kiểm điểm một phó chánh Thanh tra và một thanh tra viên chính.

Mặt tối thi cử 2018: Kiểm điểm một phó chánh thanh tra, một phó vụ trưởng có khuyết điểm.

Cụ thể, Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ GD-ĐT vừa họp, trao đổi, cho ý kiến một số nội dung. Theo đó, Ban Thường vụ nghe Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ GD-ĐT báo cáo kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm theo quyết định của Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ.

Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đồng ý với kết luận kiểm tra và kiến nghị của Ủy ban Kiểm tra.

Giao Chi bộ Thanh tra tổ chức cho ông Tống Duy Hiến, Phó chánh Thanh tra Bộ và ông Trịnh Minh Trường, Thanh tra viên chính kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc; gửi báo cáo kết quả kèm theo biên bản kiểm điểm của 2 cá nhân và biên bản tổ chức kiểm điểm về Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ trước ngày 27/4.

Như vậy liên quan đến tiêu cực thi cử năm 2018 tại 3 địa phương: Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình, về phía trách nhiệm của Bộ GD&ĐT đã có 3 cá nhân bị kiểm điểm là nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Phó chánh thanh tra và một thanh tra viên chính.

Trước đó, cuối tháng 8/2019, Bộ GD-ĐT đã có văn bản về việc xem xét kỷ luật công chức. Theo Bộ GD-ĐT, trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 và tuyển sinh ĐH hệ chính quy, tuyển sinh CĐ, trung cấp các nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy đã xảy ra tiêu cực và gian lận thi cử trong việc tổ chức chấm thi ở Hội đồng thi tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, dẫn đến tâm lý lo ngại trong học sinh và bức xúc trong dư luận xã hội.

Qua những sai phạm xảy ra ở 3 địa phương, Bộ GD-ĐT nhận thấy còn có những thiếu sót về công tác xây dựng, ban hành văn bản và chỉ đạo tổ chức kỳ thi; công tác tập huấn, quán triệt quy chế thi; công tác tổ chức chấm trắc nghiệm và công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Căn cứ quy định tại khoản 1, điều 3 và khoản 2, điều 6 nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thông báo xem xét kỷ luật đối với 13 người. Thời hạn xử lý kỷ luật theo quy định tại điều 7, nghị định 34/2011/NĐ-CP.

Theo Bộ GD-ĐT, thời điểm vi phạm là tháng 6/2018, thời điểm phát hiện vi phạm là 29/7/2019, 13 công chức bị xem xét kỷ luật 13 gồm các Cục trưởng, Cục phó cục Quản lý chất lượng; Vụ trưởng vụ Giáo dục Trung học; Chánh thanh tra, Phó Chánh thanh tra; Vụ trưởng vụ Pháp chế…. liên quan đến vụ gian lận thi cử.

Tuy nhiên sau đó, ngày 9/9/2019, Bộ GD-ĐT đã hủy bỏ quyết định xem xét kỷ luật 13 công chức này.

Được biết, ngày 29/8/2019, Thanh tra đã có văn bản số 818/TTr-HCTH "phản pháo" lãnh đạo Bộ GD-ĐT và Vụ Tổ chức cán bộ. Cũng trong cùng ngày 29/8, tập thể lãnh đạo thanh tra đã họp về việc xem xét, tập hợp các ý kiến của công chức cơ quan thanh tra về việc xem xét kỷ luật trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Tại cuộc họp này, có nhiều ý kiến như không rõ hành vi vi phạm là hành vi nào, vi phạm điều nào của văn bản nào?

Ngoài ra, thủ tục xem xét của Hội đồng kỷ luật đã không tổ chức, xác minh, đánh giá theo trình tự, thủ tục quy định về xem xét, kỷ luật tại Nghị định 34/2011/NĐ-CP của Chính phủ.

Về trách nhiệm chung, cơ quan Bộ có 13 công chức bị xem xét kỷ luật của 5 đơn vị thuộc Bộ, trong đó thanh tra có 6 người. Vậy có phải thanh tra là cơ quan có hành vi vi phạm chủ yếu hay không? Đồng thời đề nghị hủy bỏ quyết định số 2450/QĐ-BGD-ĐT ngày 21/8/2019.

Tập thể thanh tra thống nhất ý kiến cho rằng việc xảy ra sai sót trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La là rất nghiêm trọng, song đây là những hành vi vi phạm của một số cán bộ, công chức ở địa phương.

Các công chức thanh tra khi làm nhiệm vụ trong kỳ thi đã làm việc rất có trách nhiệm, đúng quy định. Không có hành vi nào liên quan trực tiếp đối với vi phạm và là nguyên nhân dẫn đến vi phạm.

Tập thể lãnh đạo Thanh tra kết luận cho rằng việc ban hành Quyết định số 2450/QĐ-BGDĐT ngày 21/8/2019 và các văn bản liên quan đến 6 công chức cơ quan Thanh tra là không thỏa đáng, gây ảnh hưởng đến cơ quan Thanh tra và cá nhân các công chức này.

Thanh tra giáo dục cũng đề nghị Chủ tịch Hội đồng kỷ luật tổ chức rà soát kỹ đối với trình tự, thủ tục, hành vi vi phạm (nếu có) đúng quy định.

Trước đó, vụ việc gian lận thi cử tại 3 địa phương trên đã gây rúng động dư luận khi có hàng trăm thí sinh được nâng điểm tại kỳ thi THPT quốc gia.

Hậu quả của vụ gian lận lịch sử này là rất nhiều cán bộ, chuyên viên ngành giáo dục của ba địa phương phải đứng trước vành móng ngựa; đã có hàng trăm thí sinh bị tước mất cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH khối ngành công an, quân đội.

LÂM HOÀNG (t/h)

/bao-ke-hoa-tang-o-nam-dinh-cao-gap-nhieu-lan-so-voi-bang-nhom-duong-nhue.html
/bat-3-doi-tuong-bao-ke-dich-vu-hoa-tang-kieu-duong-nhue-o-nam-dinh.html