Kịp thời là biểu hiện nghiêm minh của pháp luật

18/08/2020 19:37 | 3 năm trước

(LSO) - Kịp thời truy tố, xét xử các hành vi phạm tội vừa thể hiện sự nghiêm minh pháp luật và có tác dụng răn đe, cảnh báo, ngăn chặn các hành vi phạm tội tương tự. Cố tình trì hoãn hoặc phải có chỉ đạo quyết liệt thì mới đẩy nhanh tiến độ thì đó chính là làm giảm sự nghiêm minh pháp luật và nguy hại hơn, giảm niềm tin của người dân vào sự thực thi pháp luật.

Ảnh minh họa.

Sự kiện pháp lý đáng chú ý vừa xảy ra là phiên tòa xét xử Nguyễn Xuân Đường với tội danh "Cố ý gây thương tích" ở Thái Bình. Đây là phiên tòa đầu tiên trong một loạt tội danh bị cáo buộc đối với nhân vật được coi là giang hồ cộm cán đất lúa Thái Bình.

Thái độ của bị cáo tỏ rõ cái khí chất giang hồ đó khi anh ta khẳng định "tự bào chữa" để "không mất thời gian của Hội đồng xét xử", không quanh co chối tội (như nhiều trường hợp khác), thừa nhận ngay hành vi phạm tội (khác với "thành khẩn"), chúc sức khỏe HĐXX và xin lỗi người bị hại,… Kết cục, Đường "Nhuệ" lĩnh án 2 năm rưỡi tù giam và bồi thường cho bị hại 100 triệu đồng.

Dư luận đồng tình và hài lòng nữa với phán quyết này của Tòa án, tuy nhiên, dư luận đòi hỏi, nếu pháp luật nghiêm minh và công bằng thì cần phải truy tố những người có trách nhiệm đã cố tình để dây dưa rồi đình chỉ hành vi phạm tội này. Để một hành vi phạm tội ngang nhiên như vậy sau gần 6 năm mới được đưa ra xét xử thì còn đâu tính nghiêm minh của pháp luật. Phải như phiên tòa xét xử "đại gia" đánh bảo vệ bệnh viện vì bị nhắc nhở kiểm tra thân nhiệt ở Đà Lạt vừa rồi chỉ sau 4 tháng khi phạm tội, bị tuyên 9 tháng tù giam, đó là sự kịp thời - một biểu hiện nghiêm minh pháp luật.

Tại một diễn biến khác ở Thanh Hóa, cũng vì 100 triệu đồng mà một nguyên Trưởng phòng của Cục Thuế bị tuyên án 2 năm tù giam về hành vi "Cưỡng đoạt tài sản". Không có gì phải phàn nàn về tính kịp thời bởi vụ án này xảy ra vào hồi tháng 3 năm nay song hành vi "tống tiền" của quan chức ngành Thuế này diễn ra trong lúc ông đương chức và có một sự "mặc cả có lợi" cho người bị hại tránh phải nộp thuế cho Nhà nước. Các chuyên gia pháp lý cho rằng, với hành vi đó có rất nhiều dấu hiệu của tội Hối lộ (khám nhà ông này có cuốn sổ tiết kiệm 4 tỉ đồng). Cũng liên quan tới thuế, một cán bộ Thuế ở Đắk Nông bị khởi tố do "vòi" doanh nghiệp để lấy 15 triệu đồng. Các vụ này khiến người ta liên tưởng đến vụ "tham nhũng vặt" xảy ra ở Cục Thuế Bắc Ninh với nghi án công ty Tenma hối lộ 5 tỉ đồng và đến bây giờ nghi án vẫn chỉ là nghi án mà thôi!

Kịp thời truy tố, xét xử các hành vi phạm tội vừa thể hiện sự nghiêm minh pháp luật và có tác dụng răn đe, cảnh báo, ngăn chặn các hành vi phạm tội tương tự. Cố tình trì hoãn hoặc phải có chỉ đạo quyết liệt thì mới đẩy nhanh tiến độ thì đó chính là làm giảm sự nghiêm minh pháp luật và nguy hại hơn, giảm niềm tin của người dân vào sự thực thi pháp luật.

NHỊ NGỌC

/cau-khi-cao-toc-va-corona.html