Kịp thời - Một biểu hiện của minh bạch

28/06/2020 19:17 | 3 năm trước

(LSO) - Kịp thời và giải quyết nhanh chóng sự việc này dù đã quá muộn không những là việc tuân thủ pháp luật mà còn thể hiện đạo lý nữa. Kịp thời trong thực thi pháp luật là biểu hiện của sự minh bạch, ngược lại, chậm trễ hoặc trì hoãn đưa việc vi phạm pháp luật ra ánh sáng có nghĩa là khuất tất, gây nghi ngại và làm giảm sút niềm tin vào các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Ảnh minh họa.

Vụ việc vợ nguyên Chủ tịch phường ở Thái Bình chủ mưu, thuê người dàn cảnh đánh cán bộ Tư pháp do anh này làm đơn tố cáo chồng mình đã bị khởi tố cùng 3 bị can khác. Việc khởi tố vụ án kịp thời, nhanh chóng tìm ra thủ phạm là lời cảnh báo sát sườn nhất với những ai muốn trả thù hoặc vùi dập người tố cáo, là cách bảo vệ tốt nhất những người dám đứng lên tố cáo những sai phạm xảy ra tại cơ quan hoặc địa phương mình. Hơn nữa, cũng rất kịp thời "minh oan" cho những người bị nghi ngờ "ném đá giấu tay", trong trường hợp cụ thể này là ông đương kim Bí thư phường sở tại, ông cũng bị tố cáo và tất nhiên sự nghi ngờ dồn cả vào ông.

Sự việc làm sáng tỏ, ông trút được gánh nặng "nghi can" để tiếp tục công việc của mình cũng như uy tín, danh dự trong cương vị người lãnh đạo cao nhất trong một phường đang có những "lình xình" về công tác tổ chức cán bộ.

Cũng rất kịp thời, hàng chục doanh nghiệp và cá nhân đã "đút lót" cho Đoàn thanh tra Bộ Xây dựng ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) để bỏ qua những sai phạm của mình, lên tiếng đòi lại số tiền đó, ít thì vài triệu, nhiều thì hàng trăm triệu đồng. Động thái này xuất hiện ngay sau khi Công an gửi Kết luận điều tra sang Viện Kiểm sát đề nghị truy tố các bị can về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản". Các doanh nghiệp, cá nhân này thoát tội "Đưa hối lộ". Trở thành nạn nhân của việc "vòi tiền" và họ đòi lại cái mình đã đưa. Kịp thời, phía Công an cho rằng việc trả lại cho những người này là hợp lý, cần giải quyết yêu cầu đó của họ.

Ngược lại, cũng không kịp thời một chút nào là giải quyết trường hợp oan sai cũng xảy ra tại Vĩnh Phúc. Người lính đặc công, bị thương mất một mắt vừa giải ngũ về quê thì bị bắt do nghi ngờ là thủ phạm trong một vụ án mạng xảy ra ở xã Đồng Thịnh (Sông Lô, Vĩnh Phúc) vào năm 1983.

Giam cầm 34 tháng, trải qua đau đớn, khổ sở về cả tinh thần và thân xác trong quá trình điều tra, giam giữ. Khi tìm được thủ phạm, ông được tha, song lại trải qua gần 40 năm mang thân phận nghi can giết người. Đến năm 2019 thì ông và 2 người "bạn tù" khác được minh oan, xin lỗi. Tuy nhiên, sau nhiều lần đi lại, đề nghị, kể cả việc kiện ra tòa nhưng không được thụ lý, đến nay, tiếp tục thương lượng với Viện Kiểm sát địa phương về số tiền bồi thường. Ông đã 79 tuổi, một người oan sai khác trong vụ này đã ngoài 90 tuổi và người thứ ba thì đã chết trong khi bị tạm giam. Ông mong mỏi nhận được tiền bồi thường trước khi mình chết.

Kịp thời và giải quyết nhanh chóng sự việc này dù đã quá muộn không những là việc tuân thủ pháp luật mà còn thể hiện đạo lý nữa. Kịp thời trong thực thi pháp luật là biểu hiện của sự minh bạch, ngược lại, chậm trễ hoặc trì hoãn đưa việc vi phạm pháp luật ra ánh sáng có nghĩa là khuất tất, gây nghi ngại và làm giảm sút niềm tin vào các cơ quan bảo vệ pháp luật.

NHỊ NGỌC

/hang-chuc-doanh-nghiep-de-nghi-duoc-tra-lai-tien-da-nop-cho-doan-thanh-tra-bo-xay-dung.html