Lấy nguồn tiền từ đâu để bồi thường cho các vụ án oan sai?

23/09/2020 04:26 | 3 năm trước

(LSO) - Trong thời gian qua, những vụ án oan sai và sau khi được minh oan, người bị oan sai yêu cầu bồi thường hàng tỉ đồng. Vậy, pháp luật quy định như thế nào về việc lấy nguồn tiền từ đâu để bồi thường?

Tòa bồi thường 5,7 tỉ đồng cho gia đình cụ bà 28 năm mang án oan tại tỉnh Điện Biên.

Luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng Luật sư Giang Thanh chia sẻ, nói về bồi thường oan sai, tức là việc nhà nước phải bồi thường cho người dân các tổn thất về vật chất và tinh thần do người thi hành công vụ gây ra thì theo quy định hiện hành, vấn đề này thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được quy định tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017.

Cụ thể, tại Điều 60 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định:

''1. Nhà nước có trách nhiệm bố trí một khoản kinh phí trong ngân sách nhà nước để thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Kinh phí bồi thường bao gồm:

a) Tiền chi trả cho người bị thiệt hại;

b) Chi phí cho việc định giá tài sản, giám định thiệt hại.

2. Trường hợp cơ quan giải quyết bồi thường được bảo đảm kinh phí hoạt động từ ngân sách trung ương thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách trung ương.

3. Trường hợp cơ quan giải quyết bồi thường được bảo đảm kinh phí hoạt động từ ngân sách địa phương thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách cấp tỉnh.

4. Bộ Tài chính, Sở Tài chính có trách nhiệm cấp phát kịp thời và đầy đủ kinh phí bồi thường.''

Luật sư Thanh đánh giá, từ quy định này, có thể thấy là khi có yêu cầu bồi thường đúng pháp luật, Nhà nước phải bố trí kinh phí để bồi thường cho người có yêu cầu. Tuy nhiên, khi Nhà nước bồi thường xong thì người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại (ví dụ: Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán…) phải có nghĩa vụ hoàn trả ngân sách một phần hoặc toàn bộ số tiền nhà nước đã bỏ ra bồi thường cho người dân theo quy định tại Điều 64 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017.

Luật cũng quy định đối với trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại đã nghỉ việc nhưng không hưởng lương hưu hoặc không làm việc tại cơ quan, tổ chức nào khác thì cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm người đó gây ra thiệt hại có trách nhiệm tổ chức thực hiện quyết định hoàn trả theo quy định của pháp luật.

"Theo quan điểm của tôi, quy định Nhà nước ứng ngân sách ra để bồi thường trước là hợp lý, bởi lẽ nếu buộc người làm sai phải bồi thường trước thì trong nhiều trường hợp, người làm sai không có đủ khả năng để bồi thường. Như vậy người bị oan sẽ thiệt đơn, thiệt kép", Luật sư Thanh nói.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Lê Hồng Hiển, Hãng luật Lê Hồng Hiển và cộng sự chia sẻ thêm, tùy vào mức độ nghiêm trọng của sự việc, mức độ khắc phục hậu quả cũng như hoàn cảnh gia đình thì những người thi hành công vụ có lỗi sẽ là người phải bồi thường thiệt hại do bản thân gây ra. Tại Điều 64 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định cụ thể về nghĩa vụ hoàn trả của người thi hành công vụ.

“Điều 64. Nghĩa vụ hoàn trả của người thi hành công vụ

1. Người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một phần hoặc toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.

2. Trường hợp có nhiều người thi hành công vụ cùng gây thiệt hại thì những người đó có nghĩa vụ hoàn trả tương ứng với mức độ lỗi của mình và thiệt hại mà Nhà nước phải bồi thường”.

THANH THANH

/doan-luat-su-tp-ha-noi-thong-bao-ve-viec-to-chuc-tro-giup-phap-ly-mien-phi-huong-ung-ngay-truyen-thong-luat-su-viet-nam-va-ngay-phap-luat-nam-2020.html