Liên đoàn Luật sư Việt Nam kiến nghị vụ Luật sư bị Chủ tọa buộc rời khỏi phòng xử án

13/04/2020 00:15 | 3 năm trước

(LSO) - Ngày 08/4/2020, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có văn bản số 87/LĐLSVN-UBBVQLLS về việc xem xét Chủ tọa phiên tòa có dấu hiệu lạm quyền, xâm phạm quyền hành nghề của Luật sư tại phiên tòa phúc thẩm TAND tỉnh Điện Biên.

Văn bản này được gửi tới Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Điện Biên, Chánh án TAND tỉnh Điện Biên và Viện trưởng Viện KSND tỉnh Điện Biên.

Theo đó, ngày 03/4/2020, Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận được đơn về việc yêu cầu bảo vệ quyền hợp pháp của Luật sư trong lĩnh vực tham gia tố tụng tại phiên tòa của các Luật sư: Vũ Thị Nga, Đỗ Tuấn Nga – Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh; Luật sư Nguyễn Thị Vi, Nguyễn Việt Cường – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội; Luật sư Trần Bích Liên, Nguyễn Đức Thuận – Đoàn Luật sư tỉnh Sơn La.

Các Luật sư nói trên cùng tham gia bào chữa cho các bị cáo: Phạm Văn Rỵ, Ngô Đức Hiếu, Nguyễn Thị Hòa, Hoàng Quốc Việt và Quàng Văn Long trong vụ án “Đánh bạc” được TAND tỉnh Điện Biên tiến hành xét xử phúc thẩm vào ngày 03/3/2020 do Thẩm phán Nguyễn Trọng Đoàn làm Chủ tọa phiên tòa.

Luật sư Vũ Thị Nga trong phiên xử ngày 03/3 tại TAND tỉnh Điện Biên.

Theo nội dung phản ánh trong đơn đề nghị của các Luật sư, sau khi HĐXX và đại diện VKS đã xét hỏi xong, HĐXX đã cho phép các Luật sư tiến hành xét hỏi đối với các bị cáo. Luật sư Vũ Thị Nga - bào chữa cho bị cáo Phan Văn Rỵ, khi đặt câu hỏi đối với bị cáo Lò Văn Toản về nội dung liên quan đến bị cáo mà mình bào chữa thì bị Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Trọng Đoàn cắt ngang không cho tiếp tục xét hỏi.

Khi Luật sư nêu thắc mắc việc không được tiếp tục xét hỏi, thay vì giải thích thì Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Trọng Đoàn liên tục lớn tiếng lấn át, gây bức xúc cho Luật sư. Ngay sau đó, Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Trọng Đoàn đã yêu cầu Cảnh sát hỗ trợ tư pháp đưa Luật sư Vũ Thị Nga ra khỏi phòng xử án.

Qua nghiên cứu đơn yêu cầu bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của các Luật sư, xem lại đoạn video và băng ghi âm diễn biến phần thẩm vấn do Luật sư Vũ Thị Nga cung cấp và thông tin trên báo chí, trên cơ sở ý kiến đề xuất của Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận thấy:

Luật sư Vũ Thị Nga khi được phép của Chủ tọa phiên tòa đã tiến hành xét hỏi bị cáo Lò Văn Toản về nội dung liên quan đến bị cáo Phạm Văn Rỵ - bị cáo do Luật sư Nga nhận bào chữa. Việc xét hỏi với nội dung liên quan làm sáng tỏ hành vi của các bị cáo là quyền của Luật sư, quyền này cũng được Chủ tọa phiên tòa công bố và không bị giới hạn trong phạm vi xét xử của vụ án. Do vậy, việc Chủ tọa phiên tòa ngay lập tức cắt ngang việc xét hỏi của Luật sư Vũ Thị Nga, không cho Luật sư tiếp tục xét hỏi và buộc rời khỏi phòng xử án là không đảm bảo tính khách quan, có dấu hiệu cản trở, xâm phạm quyền hành nghề hợp pháp của Luật sư, vi phạm nghiêm trọng pháp luật về tố tụng tại phiên tòa.

Qua xem xét hành vi của Luật sư Vũ thị Nga, trong quá trình xét hỏi bị cáo, Luật sư không có hành vi nào không tôn trọng HĐXX; không làm mất trật tự và không tuân theo điều hành của Chủ tọa phiên tòa. Việc Luật sư tham gia xét hỏi tại phiên tòa đối với bị cáo liên quan với bị cáo mà Luật sư bào chữa không thể bị coi là hành vi vi phạm nội quy phiên tòa; hoàn toàn không phải là biểu hiện không tôn trọng HĐXX hay làm mất trật tự trong phiên tòa của Luật sư Vũ Thị Nga.

Do đó, Luật sư Vũ Thị Nga và các Luật sư tham gia phiên tòa phúc thẩm ngày 03/3/2020 không có biểu hiện vi phạm nội quy phiên tòa, không vi phạm khoản 10 Điều 466 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Việc Chủ tọa phiên tòa yêu cầu Cảnh sát hỗ trợ tư pháp cưỡng chế buộc Luật sư Vũ Thị Nga rời khỏi phòng xử án là không phù hợp, có dấu hiệu lạm quyền, xâm phạm trực tiếp đến quyền hành nghề hợp pháp của người bào chữa.

Từ đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương, Ban Nội chính Trung ương có ý kiến chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền tố tụng của tỉnh Điện Biên thận trọng xem xét và có kết luận về hành vi có dấu hiệu xâm phạm quyền bào chữa của Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Trọng Đoàn.

PV