Luật sư cần bảo vệ người yếu thế

11/09/2020 00:23 | 3 năm trước

(LSO) - Luật sư thường tham gia tích cực vào việc đòi bồi thường các vụ án oan sai, từ việc phát hiện oan sai đến đấu tranh để đòi sự bồi thường xứng đáng. Trước những bất công xã hội tương tự như việc bán sách này, luật sư cũng nên vào cuộc, bảo vệ những người yếu thế mà cụ thể ở đây là phụ huynh và học sinh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Sự cố ngay đầu năm học mới nhận được rất nhiều sự quan tâm cũng như phản ứng là việc học sinh lớp 1 phải mua một bộ sách và vở với giá 805.000 đồng.

Số tiền này là không lớn đối với những gia đình khá giả, họ có thể mua cho đứa con 6 tuổi của mình những món đồ chơi đắt tiền hơn nhiều nhưng với phần đông các bậc phụ huynh thì đây là món chi phí không hề nhỏ và bất ngờ đối với họ. Không ai nghĩ rằng tiền mua sách nhiều đến thế, và họ không chuẩn bị trước cho chuyện mua bán này.

Nhưng, vấn đề ở đây không chỉ là tiền, giá trị tương đương khoảng 1 tấn lúa của người nông dân. Vấn đề đặt ra là đối với một đứa trẻ chưa biết chữ thì có cần đến số lượng 23 đầu sách như vậy không. Và, mục đích giảm tải chương trình học của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra được thực hiện như thế này ư?

Lý giải về chuyện phụ huynh phải cắn răng mua "trọn gói" sản phẩm này, TS. Hoàng Ngọc Vinh, Thành viên Tổ tư vấn Ủy ban Đổi mới giáo dục - đào tạo phát biểu với báo giới: "Một số phụ huynh không hiểu biết nhiều về sách giáo khoa cũng như tài liệu khác. Phụ huynh tin nhà trường, tâm lý sợ con không có sách sẽ thua kém bạn bè. Phụ huynh thường yếu thế trong mối quan hệ với nhà trường. Đa số cha mẹ học sinh đều đáp ứng các yêu cầu mua sắm mà giáo viên đưa ra. Số ít có thắc mắc cũng ngại "đi đến cùng" vì lo lắng con mình bị trù dập. Khi giáo viên nói sách cần dùng, phụ huynh khó có thể từ chối".

TS. Vinh còn đặt câu hỏi về lợi ích của nhà trường và "sự nhiệt tình" của giáo viên trong việc bán sách này. Đồng thời, ông đề xuất phải "cách chức trưởng phòng giáo dục, hiệu trưởng hoặc kỷ luật giáo viên cố tình giới thiệu không rõ ràng sách giáo khoa kèm sách tham khảo".

Ông kết luận: "Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xử lý nghiêm việc nhập nhèm giữa sách giáo khoa và sách bổ trợ, tham khảo ngay từ những trường hợp đầu tiên, nếu không muốn ảnh hưởng việc thực hiện chương trình mới. Năm đầu thực hiện, ngành giáo dục đã để dư luận nghi ngờ việc đổi mới là không tốt".

Rõ ràng, trong mối quan hệ với nhà trường, phụ huynh học sinh là người yếu thế. Vậy, ai sẽ là người bảo vệ họ khi bị ép mua sách và các thứ linh tinh khác một cách vô tội vạ, các khoản đóng góp vô lý dưới những mỹ từ thiện nguyện?

Luật sư thường tham gia tích cực vào việc đòi bồi thường các vụ án oan sai, từ việc phát hiện oan sai đến đấu tranh để đòi sự bồi thường xứng đáng. Trước những bất công xã hội tương tự như việc bán sách này, luật sư cũng nên vào cuộc, bảo vệ những người yếu thế mà cụ thể ở đây là phụ huynh và học sinh.

NHỊ NGỌC

/chi-hoi-luat-su-bao-ve-quyen-tre-em-tp-hcm-xoa-diu-noi-dau-cua-ba-chau-be-mo-coi.html