Một số điểm chưa hợp lý về thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm đối với việc sửa bản án hình sự sơ thẩm

02/11/2020 21:14 | 3 năm trước

(LSVN) - Quy định về quyền sửa bản án sơ thẩm là một nội dung quan trọng, vì nhờ có quy định này, Tòa án cấp phúc thẩm có thể khắc phục những sai lầm, thiếu sót của Tòa án cấp dưới trực tiếp, đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của Nhà nước. Tuy nhiên trong quá trình áp dụng Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS), chúng tôi thấy có số vướng mắc và bất cập.

Tòa án nhân dân huyện Đăk Pơ, Gia Lai xét xử vụ án “Cố ý gây thương tích” – Ảnh: Nguyễn Chí Linh.

Quy định về quyền sửa bản án sơ thẩm là một nội dung quan trọng, vì nhờ có quy định này, Tòa án cấp phúc thẩm có thể khắc phục những sai lầm, thiếu sót của Tòa án cấp dưới trực tiếp, đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của Nhà nước. Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm có thể sửa một phần hoặc toàn bộ bản án sơ thẩm theo hướng có lợi hoặc bất lợi cho bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong giải quyết vụ án, áp dụng quy định này có một số bất cập, vướng mắc.

Thứ nhất, việc quy định Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền giảm mức bồi thường thiệt hại mà không phụ thuộc vào việc kháng cáo, kháng nghị về bồi thường thiệt hại.

Khoản 1 và khoản 3 Điều 357 BLTTHS 2015 có quy định:

Khi có căn cứ xác định bản án sơ thẩm đã tuyên không đúng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo hoặc có tình tiết mới thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm như sau:

a) Miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho bị cáo; không áp dụng hình phạt bổ sung; không áp dụng biện pháp tư pháp;

b) Áp dụng điều, khoản của Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn;

c) Giảm hình phạt cho bị cáo;

d) Giảm mức bồi thường thiệt hại và sửa quyết định xử lý vật chứng;

đ) Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn;

e) Giữ nguyên hoặc giảm mức hình phạt tù và cho hưởng án treo.

Trường hợp có căn cứ, Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể sửa bản án sơ thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều này cho những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị.

Theo quy định tại Điều 357 BLTTHS 2015 thì việc HĐXX phúc thẩm giảm mức bồi thường thiệt hại không phụ thuộc vào việc có kháng cáo, kháng nghị về bồi thường thiệt hại hay không. Cụ thể khoản 3 Điều 357 quy định HĐXX phúc thẩm vẫn có thể giảm mức bồi thường thiệt hại cho những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị. Đây là quy định mới khác biệt của BLTTHS 2015 so với BLTTHS 2003. Theo khoản 3 Điều 249 BTTHS 2003 thì việc giảm mức bồi thường thiệt hại bị ràng buộc bởi việc có kháng cáo, kháng nghị đối với bản án liên quan đến trách nhiệm dân sự hay không. Nếu có căn cứ, HĐXX phúc thẩm chỉ có thể giảm mức bồi thường với điều kiện kháng cáo, kháng nghị liên quan phần bồi thường thiệt hại. Ngay cả khi có kháng cáo, kháng nghị theo hướng tăng mức bồi thường thì vẫn có thể giảm mức bồi thường. Quy định này cũng xuất phát từ sự tự nguyện, tự thỏa thuận trong việc bồi thường dân sự. Như vậy theo BLTTHS 2003 thì nếu không có kháng cáo, kháng nghị liên quan đến bồi thường thiệt hại thì HĐXX phúc thẩm không được quyền xem xét vấn đề này, nhưng BLTTHS 2015 lại trao cho HĐXX thẩm quyền này mà không phụ thuộc vào việc kháng cáo, kháng nghị.

Theo ý kiến của tôi, quy định mới là không hợp lý, bởi lẽ một nguyên tắc cơ bản trong pháp luật dân sự đó là nguyên tắc tự nguyện cam kết và thỏa thuận. Khi bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị liên quan đến vấn đề bồi thường thiệt hại cũng được coi như giữa bị cáo, bị hại hoặc nguyên đơn dân sự và bị đơn dân sự đã thống nhất ý chí với phán quyết về phần bồi thường thiệt hại trong bản án sơ thẩm. Khi các bên đã cùng thống nhất ý chí thì việc HĐXX phúc thẩm tự ý giảm mức bồi thường thiệt hại là không cần thiết. Thậm chí, việc làm này của HĐXX phúc thẩm trong một số trường hợp còn vi phạm nguyên tắc tự nguyện thỏa thuận về dân sự, đồng thời xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của người được bồi thường.

Theo tôi, nên bổ sung thêm về vấn đề bồi thường thiệt hại thì HĐXX phúc thẩm có quyền sửa bản án chỉ khi có kháng cáo, kháng nghị liên quan đến bồi thường thiệt hại.

Thứ hai, khoản 2 Điều 357 quy định HĐXX phúc thẩm chỉ có quyền xem xét và tăng mức bồi thường thiệt hại trên cơ sở kháng nghị của Viện kiểm sát hoặc kháng cáo của bị hại mà không đề cập đến cơ sở kháng cáo của đại diện bị hại, nguyên đơn dân sự.

HĐXX phúc thẩm có nhiệm vụ kiểm tra tính hợp pháp, tính có căn cứ của bản án sơ thẩm và khắc phục những sai lầm, thiếu sót của Tòa án cấp sơ thẩm. Khoản 2 Điều 357 BLTTHS 2015 quy định: “Trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị hoặc bị hại kháng cáo yêu cầu thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể: Tăng hình phạt, áp dụng điều, khoản của Bộ luật hình sự về tội nặng hơn; áp dụng hình phạt bổ sung; áp dụng biện pháp tư pháp; Tăng mức bồi thường thiệt hại; Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nặng hơn; Không cho bị cáo hưởng án treo.”

Theo quy định trên thì cơ sở để HĐXX phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng bất lợi cho bị cáo dựa trên kháng nghị của Viện kiểm sát hoặc kháng cáo của bị hại, ngoài chủ thể này ra thì kháng cáo của các chủ thể khác không phải là cơ sở để HĐXX phúc thẩm sửa bản án theo hướng bất lợi cho bị cáo. Theo đó nếu người đại diện của bị hại, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn dân sự trong phạm vi kháng cáo của mình có kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết theo hướng không có lợi cho bị cáo thì không được chấp nhận.

Trên thực tế, không phải bị hại nào cũng có khả năng tự mình kháng cáo (trường hợp bị hại là người dưới 18 tuổi, có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất, bị hại đã chết…), khi đó quyền kháng cáo của họ phải được thực hiện thông qua người đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Mặt khác, Điều 331 BLTTHS 2015 có quy định đầy đủ về người có quyền kháng cáo, “Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm…” Như vậy, quy định tại khoản 2 Điều 357 của BLTTHS 2015 là chưa đầy đủ và chưa đảm bảo quyền kháng cáo những người tham gia tố tụng.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 357 BLTTHS 2015 thì việc tăng mức bồi thường thiệt hại chỉ được HĐXX phúc thẩm xem xét và quyết định cơ sở có kháng nghị của Viện kiểm sát hoặc kháng cáo bị hại. Tuy nhiên, ngoài bị hại thì người đại diện của bị hại, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, nguyên đơn dân sự và người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn dân sự cũng có quyền kháng cáo tăng mức bồi thường thiệt hại. Cụ thể, tại điểm m khoản 2 Điều 62 và khoản 1 Điều 331 BLTTHS 2015 quy định người đại diện của bị hại có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm; tại điểm l khoản 2 Điều 63, khoản 3 Điều 331 BLTTHS 2015 quy định nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến bồi thường thiệt hại; điểm h khoản 2 Điều 84 BLTTHS 2015 quy định người bảo vệ và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự có quyền kháng cáo phần bản án có liên quan đến quyền lợi của người mà mình bảo vệ là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất. Theo đó người đại diện của bị hại, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, nguyên đơn dân sự và người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn dân sự cũng có quyền kháng cáo tăng mức bồi thường thiệt hại nếu họ nhận thấy phần quyết định của bản án sơ thẩm về vấn đề bồi thường thiệt hại đối với bị hại hoặc nguyên đơn dân sự là chưa phù hợp. Như vậy, quy định tại khoản 2 Điều 357 BLTTHS 2015 là một thiếu sót về mặt kỹ thuật lập pháp cần phải khắc phục.

Theo tôi, để khắc phục nội dung này thì cần bổ sung quy định về quyền kháng cáo của người đại diện bị hại, nguyên đơn dân sự vào khoản 2 Điều 357 BLTTHS 2015.

VŨ VĂN HOÀNG
Toà án quân sự Quân chủng Hải quân
(Tạp chí Tòa án)
/cac-hanh-vi-bi-nghiem-cam-tai-noi-tiep-cong-dan-cua-tandtc.html