Một số kiến nghị hoàn thiện quy định về xóa án tích

28/03/2020 19:57 | 4 năm trước

(LSO) - Nghiên cứu quy định về xóa án tích, chúng tôi thấy trong quy định có nhiều điểm hạn chế, không rõ ràng, đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung và ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng. Trong phạm vi bài viết, các tác giả kiến nghị một số nội dung nhằm hoàn thiện quy định về xóa án tích.

Xóa án tích là một quy định thể hiện tính nhân văn của Nhà nước đối với những người đã bị kết án hình sự, tạo điều kiện cho họ làm lại cuộc đời, giúp họ hòa nhập với cộng đồng, thay đổi bản thân để cống hiến cho xã hội. BLHS năm 2015 đã có nhiều quy định mới, tiến bộ về chế định xóa án tích như: Bổ sung quy định mới về các trường hợp không coi là có án tích như người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, người được miễn hình phạt…; quy định cụ thể điều kiện đương nhiên được xoá án tích và trách nhiệm của Nhà nước trong việc xoá án tích cho người bị kết án như rút ngắn thời hạn để đương nhiên được xoá án tích, sửa đổi thời điểm để bắt đầu tính thời hạn đương nhiên xoá án tích…

Ảnh minh họa.

Hoàn thiện quy định xóa án tích trong BLHS

– Thứ nhất, quy định của pháp luật hiện hành chưa quy định khái niệm pháp lý của án tích, thời điểm bắt đầu và chấm dứt của án tích để nhận thức và áp dụng thống nhất trong thực tiễn.

Do vậy, chúng tôi kiến nghị cần bổ sung thêm quy định về nội dung này theo hướng:

“Điều….: Án tích, thời điểm bắt đầu và chấm dứt của án tích

Án tích là hậu quả pháp lý bất lợi đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội khi họ bị kết án và bị áp dụng hình phạt theo bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án, trừ một số trường hợp không bị coi là có án tích theo quy định của pháp luật hình sự, tồn tại trong một khoảng thời gian từ khi bản án kết tội có hiệu lực pháp luật cho đến khi người hoặc pháp nhân thương mại đó được coi như chưa bị kết án theo quy định của pháp luật hình sự. 

Án tích được tính từ ngày bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật và chấm dứt khi người hoặc pháp nhân thương mại đó được xóa án tích theo quy định tại Bộ luật này.

– Thứ hai, Điều 69 quy định về xóa án tích nhưng khoản 2 của Điều luật quy định “2. Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích” là chưa phù hợp, bởi xóa án tích và không bị coi là có án tích là hai khái niệm có bản chất khác nhau.

Do vậy, chúng tôi kiến nghị cần tách 02 khoản quy định tại Điều 69 thành 02 Điều luật khác nhau. Cụ thể:

 “Điều…. Không bị coi là có án tích

Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích”.

 – Thứ ba, khoản 1 Điều 73 BLHS năm 2015 quy định về cách tính thời hạn để xóa án tích: “1. Thời hạn để xóa án tích quy định tại Điều 70 và Điều 71 của Bộ luật này căn cứ vào hình phạt chính đã tuyên”. Tuy nhiên, quy định này chưa thể hiện trường hợp phạm nhiều tội hoặc của nhiều bản án. Trong khi đó, Điều 55 BLHS năm 2015 quy định: Khi xét xử cùng 01 lần một người phạm nhiều tội, Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình phạt theo quy định sau đây:

Đối với hình phạt chính: 

a) Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá 03 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn; 

b) Nếu các hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, thì hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỷ lệ cứ 03 ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành 01 ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này; 

c) Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân; 

d) Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình; 

đ) Phạt tiền không tổng hợp với các loại hình phạt khác; các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung; 

e) Trục xuất không tổng hợp với các loại hình phạt khác”.

Và Điều 56 BLHS 2015 quy định về tổng hợp hình phạt của nhiều bản án:

 Trong trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này, thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này.

Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung. 

Khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phân hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này.

Trong trường hợp một người phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà các hình phạt của các bản án chưa được tổng hợp, thì Chánh án Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tổng hợp hình phạt của các bản án theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này”.

Trong đó quy định về xóa án tích đối với trường hợp phạm nhiều tội hoặc nhiều bán án vẫn còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho cả người phạm tội và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do vậy, chúng tôi kiến nghị bổ sung vào Điều 73 quy định sau:

Điều 73. Cách tính thời hạn để xoá án tích (cũ):
1. Thời hạn để xóa án tích quy định tại Điều 70 và Điều 71 của Bộ luật này căn cứ vào hình phạt chính đã tuyên.
Điều 73. Cách tính thời hạn để xoá án tích (mới):
1. Thời hạn để xoá án tích quy định tại Điều 70 và 71 của Bộ luật này căn cứ vào hình phạt chính đã tuyên.
Trường hợp phạm nhiều tội hoặc nhiều bản án thì thời hạn xoá án tích căn cứ vào hình phạt chính đã được tổng hợp trong bản án. Trường hợp hình phạt chính không tổng hợp được với hình phạt chính của tội hoặc bản án khác thì thời hạn xóa án tích căn cứ vào hình phạt chính nặng nhất đã tuyên.

Ban hành văn bản hướng dẫn quy định về xóa án tích

Để việc áp dụng quy định về xóa án tích được thống nhất, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn các nội dung sau:

– Thứ nhất, về trường hợp người chấp hành án đã chấp hành xong hình phạt tù, đã đủ thời gian được xem là đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại Điều 70 BLHS năm 2015 nhưng chưa thi hành hình phạt bổ sung, chưa nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm và các quyết định khác của bản án do không nhận được thông báo và quyết định thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự. Trường hợp này có được đương nhiên xóa án tích không?

Về nội dung này TANDTC đã hướng dẫn tại công văn số 64/TANDTC: Điều 70 của Bộ luật hình sự quy định về các điều kiện đương nhiên được xóa án tích, trong đó có điều kiện: người bị kết án nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách của án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án. Như vậy, Bộ luật hình sự không quy định trường hợp loại trừ việc người bị kết án chưa chấp xong hành hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án với bất kỳ lý do gì. Hơn nữa, pháp luật thi hành án dân sự quy định nhiều phương thức thi hành để người phải thi hành án có quyền lựa chọn như: tự nguyện thi hành, thỏa thuận thi hành án hoặc nhờ thân nhân nộp thay. Do vậy, trường hợp người bị kết án (sau này là bị can, bị cáo trong một vụ án mới) không nhận được thông báo và quyết định thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự nên chưa thi hành hình phạt bổ sung, chưa nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm và các quyết định khác của bản án là chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án. Trong trường hợp này, người bị kết án không đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại Điều 70 của BLHS.

Tại Công văn số 34/TTLLTPQG-TTrC ngày 24/01/2017 của Trung tâm lý lịch tư pháp về việc hướng dẫn thực hiện đương nhiên được xóa án tích, có hướng dẫn: “… Trong thực tế, sau thời hạn được quy định trên đây, người bị kết án mới thi hành những nội dung liên quan đến các “quyết định khác của bản án” như: nộp án phí, bồi thường thiệt hại… thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong các “quyết định khác của bản án” và “Trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu LLTP khẳng định đã nộp án phí nhưng đã làm mất giấy biên nhận của người thu án phí, đề nghị Sở Tư pháp có văn bản xác minh gửi cơ quan thi hành án dân sự có liên quan yêu cầu cung cấp thông tin: Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự có văn bản trả lời không rõ, không có thông tin về tình trạng thi hành án phí của người bị kết án nêu trên thì Sở Tư pháp thực hiện xóa án tích nếu có đủ các điều kiện khác theo quy định”.

Tuy nhiên, đây chỉ là hướng dẫn nghiệp vụ riêng của ngành Tòa án, và của Trung tâm lý lịch tư pháp, trong khi theo quy định của Điều 70, trường hợp đương nhiên xóa án tích thì Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, trong đó có sự phối hợp của nhiều cơ quan liên quan như Viện kiểm sát, Công an, Cơ quan thi hành án. Do vậy, theo chúng tôi trong thời gian tới liên ngành tư pháp cần có hướng dẫn thống nhất áp dụng quy định này trong thực tiễn, trong đó tính đến trách nhiệm và lỗi của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

– Thứ hai, về xác định án tích để tính tái phạm, tái phạm nguy hiểm cần có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng.

“Điều 52. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: 

h) Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm; 

Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng”.

Đồng thời, theo tinh thần của mục 7.3 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12 tháng 5 năm 2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC quy định: “Khi áp dụng tình tiết “đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”, cần phân biệt: a. Trường hợp các tiền án của bị cáo đã được xem là dấu hiệu cấu thành tội phạm “đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” thì các tiền án đó không được tính để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm đối với bị cáo”.

Hướng dẫn trên có thể tạo ra sự không công bằng trong áp dụng pháp luật và do BLHS năm 1999 đã hết hiệu lực nên cần có văn bản hướng dẫn mới phù hợp .

 Ví dụ 1: A có 05 tiền án về tội chiếm đoạt tài sản theo quy định của BLHS năm 2015, chưa được xóa án tích lại phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản có trị giá dưới 2 triệu đồng. Như vậy, trong trường hợp này 05 tiền án trên chỉ là yếu tố định tội của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 174 BLHS năm 2015.

 Tuy nhiên, giả sử A có 02 tiền án (trong đó, có 01 tiền án về tội hiếp dâm; 01 tiền án về lừa đảo chiếm đoạt tài sản), đều chưa được xóa án tích, lại phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới 2 triệu đồng thì trong trường hợp này, tiền án lừa đảo chiếm đoạt tài sản được xem xét là yếu tố định tội theo khoản 1 Điều 174 BLHS năm 2015, còn tiền án về tội hiếp dâm được coi là tình tiết tăng nặng TNHS để áp dụng đối với bị can, bị cáo theo quy định tại điểm h khoản 1 điều 52 BLHS và như vậy TNHS có thể sẽ nặng hơn so với trường hợp A có 05 tiến án về tội chiếm đoạt. Do vậy, cần có hướng dẫn cụ thể trường hợp này, bảo đảm tính công bằng trong thực tiễn áp dụng pháp luật.

 Ví dụ 2: B có 03 tiền án, trong đó: có 02 tiền án về tội mua bán trái phép chất ma túy vào các năm 2012 và năm 2013; 01 tiền án về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản năm 2015 đã xác định “tái phạm nguy hiểm”, đều chưa được xóa án tích; năm 2019, A phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có trị giá dưới 2 triệu đồng.

Căn cứ khoản 2 Điều 53 BLHS năm 2015 thì tiền án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ là yếu tố định tội theo quy định tại khoản 1 điều 74 BLHS năm 2015.

Còn tiền án về tội mua bán trái phép chất ma túy được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo điểm h, khoản 1 Điều 52 BLHS hay tình tiết định khung theo điểm d khoản 2 Điều 174 BLHS năm 2015?

 Do vậy, cần có hướng dẫn cụ thể về nội dung này để áp dụng trong thực tiễn.

Ngoài ra, theo chúng tôi cần thống nhất hướng dẫn cụ thể trường hợp nếu bản án có vi phạm trong việc không xác định một người là “tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm” thì lần phạm tội sau của người đó vẫn bị áp dụng tình tiết “tái phạm nguy hiểm” mà không bắt buộc bản án trước đó phải xác định người đó là “tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm”, theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 53 BLHS năm 2015. Bởi thực tiễn xảy ra nhiều trường hợp ở lần phạm tội trước, bị cáo thuộc trường hợp tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm nhưng bản án lại có sự thiếu sót khi không áp dụng, sau đó người này tiếp tục phạm tội khi chưa được xóa án tích, trường hợp này đang dẫn đến nhiều cách giải quyết khác nhau tại các Tòa án trên cả nước. Do ó cần có hướng dẫn để thống nhất việc áp dụng pháp luật trong xét xử.

– Thứ ba, trong thực tiễn vẫn xảy ra trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội vào thời điểm họ chưa đủ 18 tuổi nhưng khi giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án thì họ đã trên 18 tuổi. Như vậy, với trường hợp này sẽ áp dụng những quy định chung về chế định xóa án tích quy định từ Điều 70 đến 73 BLHS năm 2015 hay áp dụng quy định tại Điều 107 BLHS năm 2015.

Theo quy định Điều 107 BLHS năm 2015 về xóa án tích:

“1. Người dưới 18 tuổi bị kết án được coi là không có án tích, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: 

a) Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi; 

b) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý; 

c) Người bị áp dụng biện pháp tư pháp quy định tại Mục 3 Chương này.  Người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì đương nhiên xóa án tích nếu trong thời hạn 03 năm tính từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới.”

Có quan điểm cho rằng: theo nội dung quy định của Điều 107 là “Người dưới 18 tuổi bị kết án…” và “Người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi bị kết án…” nên quy định tại Điều 107 được áp dụng cho người phạm tội đến thời điểm xét xử vẫn chưa đủ 18 tuổi, nếu họ từ đủ 18 tuổi trở lên thì áp dụng quy định chung quy định từ Điều 69 đến 73 BLHS năm 2015.

Quan điểm khác cho rằng: Điều 107 được quy định trong chương XII với tên gọi “những quy định đối với người chưa thành niên phạm tội”, theo đó quy định tại Điều 107 sẽ được áp dụng đối với người chưa thành niên từ thời điểm họ thực hiện hành vi phạm tội. Điều này sẽ thể hiện được nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo khi bị kết án và chính sách nhân đạo của nhà nước ta.

Do vậy, trong thời gian tới cần có hướng dẫn cụ thể vấn đề trên theo hướng: quy định tại Điều 107 với nội dung là “Người dưới 18 tuổi bị kết án…” và “Người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi bị kết án…” nên đến thời điểm xét xử họ đã đủ 18 tuổi trở lên thì áp dụng quy định chung quy định từ Điều 69 đến 73 BLHS năm 2015 mà không áp dụng Điều 107 BLHS năm 2015. Ngoài ra, trong giai đoạn điều tra, truy tố người chưa đủ 18 tuổi đã được hưởng những chính sách khoan hồng, nguyên tắc xử lý người chưa thành niên của pháp luật, đặc biệt là trong việc truy cứu TNHS và quyết định hình phạt ở mức thấp hơn so với người đã thành niên phạm tội; thực tế, có những trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội tại thời điểm dưới 18 tuổi nhưng một thời gian dài sau mới bị phát hiện (có trường hợp hơn 10 năm, như trường hợp Lý Nguyễn Chung trong vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn). Việc áp dụng này là phù hợp và không trái với các quy định khác của pháp luật.

– Thứ tư, về xóa án tích đối với pháp nhân thương mại phạm tội

Điều 89 BLHS năm 2015 quy định: “Pháp nhân thương mại bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu trong thời hạn 02 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà pháp nhân thương mại không thực hiện hành vi phạm tội mới”.

Như vậy, nhà làm luật chưa quy định trong trường hợp pháp nhân thương mại bị kết án chưa được xóa án tích mà thực hiện hành vi phạm tội mới và bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì hậu quả pháp lý như thế nào? Có tính lại thời hạn để xóa án tích hay không?

Trường hợp nếu tính lại thì do khác với người bị kết án phạm tội (thời hạn tính xóa án tích sẽ được tính lại kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính của bản án mới theo quy định tại khoản 2 Điều 73 BLHS năm 2015) thì với pháp nhân thương mại bị kết án thì thời hạn tính xóa án tích của được tính lại kể từ khi chấp hành xong bản án mới (bao gồm hình phạt chính, hình phạt bổ sung và các quyết khác của tòa án). Do vậy, chúng tôi kiến nghị cần hoàn thiện các quy định về xóa án tích của pháp nhân thương mại bị kết án theo hướng thời điểm tính thời hạn xóa án tích của pháp nhân thương mại nên giống với cá nhân là đều được tính từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc khi hết thời hiệu thi hành bản án.

Mặt khác, Điều 89 BLHS chỉ quy định thời hạn xóa án tích cho pháp nhân thương mại phạm tội bị kết án là 2 năm “kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung…”, do vậy không có sự phân biệt hình phạt chính là gì, trong khi đó theo Điều 33 BLHS năm 2015 thì hình phạt chính áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội gồm 3 loại: phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Có thể thấy, nếu pháp nhân thương mại bị áp dụng hình phạt chính là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, đồng nghĩa là chấm dứt sự tồn tại và hoạt động của pháp nhân, việc tính thời hạn xóa án tích với phạm nhân thương mại bị kết án không có ý nghĩa về mặt pháp lý và thực tiễn. Do vậy, chúng tôi kiến nghị trong thời gian tới nhà làm luật cần có hướng dẫn cụ thể điều kiện xóa án tích và cách tính thời hạn xóa án tích một cách cụ thể, đối với từng loại hình phạt để thống nhất trong áp dụng.

– Thứ năm, về thời hạn đương nhiên xóa án tích

+ Điều 369 BLTTHS năm 2015 quy định: “1. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người được đương nhiên xóa án tích và xét thấy có đủ điều kiện quy định tại Điều 70 của Bộ luật hình sự thì cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp phiếu lý lịch tư pháp là họ không có án tích”.

+ Trong khi đó, Điều 48 Luật lý lịch tư pháp năm 2009 quy định: “1. Thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ. Trường hợp người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp là công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú ở nước ngoài, người nước ngoài quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 47 của Luật này, trường hợp phải xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích quy định tại khoản 3 Điều 44 của Luật này thì thời hạn không quá 15 ngày”.

Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung của Luật Lý lịch tư pháp ghi: “Thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ. Trường hợp người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp là công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều nơi, có thời gian cư trú ở nước ngoài hoặc không xác định được nơi cư trú; người nước ngoài quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 47 của Luật này; trường hợp phải xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích quy định tại khoản 3 Điều 44 của Luật này thì thời hạn không quá 15 ngày. Trường hợp người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp là người bị kết án bởi nhiều bản án thì thời hạn không quá 20 ngày.

 + Công văn số 34/TTLLTPQG-TTrC ngày 24/01/2017 của Trung tâm lý lịch tư pháp về việc hướng dẫn thực hiện đương nhiên được xóa án tích, có hướng dẫn “Về thời hạn cấp Phiếu LLTP đối với người được đương nhiên xóa án tích có yêu cầu cấp Phiếu LLTP: Thực hiện theo khoản 1 Điều 48 Luật LLTP là tối đa 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ”.

Như vậy, theo chúng tôi có sự chưa tương thích giữa quy định của các văn bản pháp luật về thời hạn cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích đối với cá nhân. Do vậy, thời gian tới nhà làm luật cần có hướng dẫn cụ thể về nội dung trên, để thống nhất áp dụng trong thực tiễn.

Nguyễn Xuân Bình (TAND tỉnh Bắc Ninh)
Nguyễn Thị Thắm ( TAND TP. Hải Dương) 

(Tạp chí Tòa án)