Một số vấn đề pháp lý xung quanh dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

26/06/2020 06:29 | 3 năm trước

(LSO) - Trong khi trách nhiệm của các đơn vị trong việc quản lý các công ty không có giấy phép XKLĐ chưa được đề cập cụ thể, thì mới đây, trong Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH đề xuất cho phép các doanh nghiệp XKLĐ được liên kết với các tổ chức, đơn vị để tư vấn, đào tạo lao động (điều trước nay không được phép). Vậy liệu việc này có tạo điều kiện cho các doanh nghiệp/cá nhân lừa đảo hay không?

Ảnh minh họa.

Theo Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo Hợp đồng có hiệu lực từ năm 2007 quy định về hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; quyền và nghĩa vụ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo quy định thì hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và Doanh nghiệp phải được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp dịch vụ được quy định tại Điều 27 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo Hợp đồng. Trong đó có quyền tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết, tổ chức hoặc liên kết với cơ sở dạy nghề, cơ sở đào tạo để dạy nghề, bổ túc tay nghề, ngoại ngữ cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với yêu cầu của từng thị trường lao động.

Hiện nay, trong Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH đề xuất cho phép các doanh nghiệp XKLĐ được liên kết với các tổ chức, đơn vị để tư vấn, đào tạo lao động. Theo Luật sư Cường thì quy định này là nhằm nâng cao chất lượng, dịch vụ lao động nhằm đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi ở những thị trường lao động nước ngoài, giúp cho người lao động bổ sung, cập nhật những kỹ năng, kiến thức cần thiết phục vụ cho việc ứng tuyển và làm việc về sau. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng điều này liệu có tạo điều kiện cho các doanh nghiệp/cá nhân lừa đảo?

Thực tế hiện nay nhu cầu xuất khẩu lao động của người dân là rất cao. Nhưng không phải ai cũng am hiểu quy định pháp luật và trình tự thủ tục đi làm việc ở nước ngoài, do đó đã có nhiều trường hợp bị lừa đảo khi nộp hồ sơ đi xuất khẩu lao động. Rất nhiều doanh nghiệp dịch vụ đưa ra những lời mời chào hấp dẫn, tổ chức những khóa học để thu tiền của người lao động sau đó đến hạn thì không đưa được người đi làm việc mà chiếm đoạt số tiền họ đã nộp. Vì vậy những lo ngại về việc cho phép đơn vị XKLĐ liên kết với đơn vị, tổ chức tư vấn thì có chăng càng tạo điều kiện thuận lợi cho những doanh nghiệp này có cơ hội để thu tiền của người lao động.

Cũng theo vị Luât sư này thì việc sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là điều cần thiết hiện nay. Rõ ràng cùng với quá trình hội nhập quốc tế và việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới, sự hình thành khối cộng đồng kinh tế ASEAN cho phép tự do di chuyển trong khối ASEAN dẫn đến việc xuất hiện nhiều hình thức hợp tác, dịch chuyển lao động mới trong thời gian gần đây chưa được quy định trong Luật, gây khó khăn trong việc hướng dẫn thi hành Luật và công tác quản lý Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Cùng với đó, qua tổng kết thi hành Luật, một số quy định phát sinh các vướng mắc và một số quy định chưa đáp ứng được các yêu cầu mới về hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong bối cảnh kinh tế xã hội và quan hệ quốc tế mới. Hơn nữa, tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và vấn đề số hóa đối với lao động di cư đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc đổi mới một cách căn bản phương thức quản lý hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nói riêng và quản lý vấn đề di cư, dịch chuyển lao động quốc tế vì mục đích lao động nói chung để phù hợp với những tiến bộ mới về khoa học công nghệ, phát triển việc làm ngoài nước và bảo hộ quyền làm việc của công dân. Việc quy định nới rộng quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp dịch vụ là điều cần thiết, đáp ứng đòi hỏi, yêu cầu mới về hoạt động người lao động Viêt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo Hợp đồng.

Còn để hạn chế hành vi lừa đảo thì cần phải quy định siết chặt ở ngay bước đầu, nghĩa là điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, cụ thể là điều kiện về vốn điều lệ, ký quỹ, nhân sự, bộ máy, cơ sở vật chất. Cùng với đó là phải tăng cường rà soát, giám sát, thanh tra, kiểm tra để xử lý doanh nghiệp dịch vụ vi phạm. Còn việc nới lỏng các quyền là cần thiết, không thể hạn chế quyền trong thời đại văn minh vì điều đó sẽ hạn chế đi sự phát triển của hoạt động lao động.

Liên quan đến lý do, trong thời gian qua, có nhiều trường hợp lừa đảo XKLĐ mà phần lớn là do người lao động sau khi đã nộp tiền, đến ngày đi thì nhiều công ty dùng mọi lý do để trì hoãn. Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, rất nhiều người lao động khi đăng ký và nộp tiền cho doanh nghiệp dịch vụ không tìm hiểu kỹ, không trang bị đầy đủ kiến thức nên bị doanh nghiệp dịch vụ lợi dụng, thu tiền nhưng không thực hiện đúng cam kết, cố tình trì hoãn công việc.

Khi dụ dỗ “con mồi” thì những doanh nghiệp dịch vụ này sẽ đưa ra những thông tin “có cánh”, hứa hẹn nhiều điều về thủ tục, công việc, mức lương, đãi ngộ và thời gian. Đến khi đã thu được tiền vào tay thì lúc này họ đã nắm đằng chuôi, người lao động muốn đi thì phải “chạy theo” nài nỉ họ vì tiền đã nộp rồi, doanh nghiệp sẽ đưa ra nhiều lý do khác nhau như tình hình lao động khó khăn, vướng visa, vướng hồ sơ, đợi cơ hội,….để trì hoãn thời gian. Bên cạnh nguyên nhân chủ quan từ sự nhẹ dạ cả tin, thiếu kiến thức pháp luật của người dân thì sự lỏng lẻo từ khâu quản lý, kiểm tra, cấp phép về việc đưa người lao động VN đi làm việc ở nước ngoài cũng là nguyên nhân mà nhiều doanh nghiệp dịch vụ lợi dụng để hoạt động, lừa đảo người dân.

Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp.

Các hình thức lừa đảo xuất khẩu lao động?

Theo Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, một số thủ đoạn lừa đảo tinh vi của các đối tượng có thể kể đến như sau:

- Cung cấp thông tin sai sự thật, quảng cáo, đưa ra thông tin giả về công việc, mức lương, chế độ đãi ngộ;

- Ôm tiền đặt cọc: có những tổ chức, cá nhân hoàn toàn không có chuyên môn cũng không được cấp phép hoạt động trong tư vấn, môi giới xuất khẩu lao động cũng tự nhận mình có thể, để tìm kiếm những người có nhu cầu. Họ có thể dùng một vài loại giấy tờ giả mạo khiến những người chủ quan tin tưởng và dễ dàng đưa tiền cho họ gọi là đặt cọc. Đương nhiên sau một thời gian đặt cọc mà không thấy được gọi là làm các thủ tục tiếp theo như đã hẹn, họ mới vỡ lẽ bị lừa và biết được đơn vị lừa mình thực ra không có thật.

- Làm giả hồ sơ, giấy tờ, hợp đồng lao động có dấu giả, chữ ký giả mạo của cục quản lý lao động nước ngoài

- Làm giả visa, Dụ dỗ người lao động đi theo các con đường chui: các đối tượng có thể lừa đảo theo hình thức làm visa du lịch, visa thương mai với lời hứa sau khi sang nước ngoài công ty bên nước đó sẽ lo chuyển đổi visa cho người lao động.

- Tư vấn vòng vèo qua nhiều công ty

- Dụ dỗ người lao động dùng giấy tờ giả: Khi phỏng vấn mà người lao động không đạt yêu cầu nào đó của đơn hàng. Nhưng đơn vị tư vấn xuất khẩu lao động dụ dỗ làm giả giấy tờ. Ví dụ như làm giả bằng tốt nghiệp cấp 3, làm giả chứng chỉ ngoại ngữ….

- Không có biên lai nhận tiền rõ ràng: Một thủ đoạn lừa đảo xuất khẩu lao động tiếp theo người lao động cần cảnh giác là không có biên lai nhận tiền rõ ràng. Không có lộ trình và cam kết với kết quả mà dịch vụ đem lại. Khiến người lao động phải chờ hết ngày này qua ngày khác, hết tháng này qua tháng khác.

Sức hấp dẫn của XKLĐ cũng là lý do khiến thị trường này trở thành mảnh đất màu mỡ của những kẻ lừa đảo. Bên cạnh những người xuất khẩu lao động thành công. Vẫn còn rất nhiều người tiền mất tật mang vì XKLĐ. Nhất là với những người chưa hiểu rõ về con đường này. Vì vậy, nếu đã quan tâm đến xuất khẩu lao động thì bản thân mỗi người nhất định phải biết các cách để phòng tránh tình trạng lừa đảo. Để đảm bảo số tiền đã bỏ ra là đúng, là đủ, là phù hợp với thị trường lao động đã chọn.

"Do đó tôi khuyến cáo người dân nên thận trọng trước những chiêu thức quảng cáo về xuất khẩu lao động, phải tìm hiểu thật kĩ về công ty xuất khẩu lao động đã chọn, chỉ làm việc với những công ty có cam kết rõ ràng. Cụ thể, công ty xuất khẩu lao động được chọn phải là công ty có hóa đơn, có hợp đồng rõ ràng với người lao động. Trong hợp đồng phải nêu đầy đủ lộ trình làm việc. Các cam kết của công ty với người lao động và số tiền người lao động đã bỏ ra", Luật sư Cường nói.

Hơn nữa, người lao động không nên chọn đóng tiền một lần mà nên đóng theo lộ trình. Chỉ khi công ty hoàn thành một bước nào đó thì mới đóng tiền cho bước tiếp theo. Nếu công ty không hoàn thành đúng với cam kết thì lập tức ngừng đóng tiền. Tránh tình trạng đóng toàn bộ tiền hay đóng số tiền quá lớn khi công ty chưa làm được gì. Bởi đã có nhiều công ty lừa người lao động đóng số tiền lớn rồi ôm tiền bỏ trốn. Người lao động không thể tìm được những người mà mình đã đóng tiền. Càng không thể lấy lại số tiền mồ hôi xương máu mà mình đã bỏ ra. Thủ đoạn lừa đảo xuất khẩu lao động đang rất tinh vi, đa dạng. Vì vậy, người dân nên thận trọng. Nếu chọn công ty hỗ trợ xuất khẩu lao động thì chỉ nên chọn những công ty uy tín, từng được nhiều khách hàng đánh giá cao, có quy trình làm việc chuyên nghiệp, rõ ràng, đảm bảo tối đa quyền lợi của người lao động.

THANH THANH

/bao-chot-141-tre%cc%82n-facebook-bi-xu-phat-trong-truong-hop-nao.html