Một số vướng mắc về xác định tuổi của bị can, bị cáo, bị hại trong giải quyết vụ án hình sự

19/08/2024 21:22 | 3 tuần trước

(LSVN) - Việc xác định tuổi của bị can, bị cáo, bị hại trong giải quyết vụ án hình sự có ý nghĩa rất quan trọng. Xác định chính xác độ tuổi của người bị buộc tội, bị hại là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xác định việc có truy cứu trách nhiệm hình sự hay không. Trong một số trường hợp là căn cứ để định tội, định khung hình phạt. Hiện nay, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và văn bản hướng dẫn đã có quy định khá cụ thể về cách xác định tuổi đối với bị can, bị cáo, người bị hại dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, khi áp dụng các quy định này trên thực tế thì đã bộc lộ một số bất cập nhất định như trường hợp khai sinh quá hạn, trường hợp như thế nào là có sự nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu chứng minh về độ tuổi mà bắt buộc phải trưng cầu giám định theo quy định tại khoản 2, Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Do đó, cần có những sửa đổi, hướng dẫn để góp phần hoàn thiện quy định của pháp luật cũng như nâng cao hiệu quả áp dụng quy định này trên thực tế.

Ảnh minh hoạ.

Xác định độ tuổi của người bị buộc tội trong vụ án hình sự là một yêu cầu bắt buộc của các cơ quan tiến hành tố tụng. Ý nghĩa của việc xác định độ tuổi của người bị buộc tội, bị hại có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xử lí, giải quyết các vụ án hình sự, là cơ sở pháp lý để các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xác định việc có hay không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một người trong một số trường hợp theo luật định điển hình như:

- Làm cơ sở để xác định tuổi chịu trách nhiệm hình sự: Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật Hình sự có quy định khác. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng theo quy định[1].

- Làm cơ sở để định tội, ví dụ như: Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi; Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi[2]…

- Làm cơ sở để xác định khung hình phạt, ví dụ như: tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi thuộc trường hợp đối với người dưới 10 tuổi[3].

- Làm cơ sở để xác định tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, ví dụ như: phạm tội với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người đủ 70 tuổi trở lên; xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội[4].

Việc xác định tuổi của người bị buộc tội cũng như bị hại (người tham gia tố tụng) đối với trường hợp chưa đủ 18 tuổi là yêu cầu có tính bắt buộc đối với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Để xác định chính xác về tuổi của họ thì hồ sơ vụ án phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh về tuổi như: giấy khai sinh (hoặc giấy ghi chép ngày tháng, năm sinh đối với trường hợp không sinh tại cơ sở y tế), sổ hộ khẩu gia đình, học bạ, giấy chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân. Nếu thiếu cơ sở chứng minh này, hồ sơ vụ án coi như bị thiếu chứng cứ quan trọng và không thể kết thúc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án được.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp không xác định được ngày, tháng, năm sinh của người bị buộc tội, bị hại, hoặc tài liệu dùng làm căn cứ để xác định ngày, tháng, năm sinh không có cơ sở vững chắc do không đảm bảo tính hợp pháp, nhất là đối với người dưới 18 tuổi. Vì vậy, cần có những quy định của pháp luật để giải quyết vấn đề này.

Hiện nay, việc xác định tuổi của người bị buộc tội, bị hại vẫn được xác định theo quy định tại Điều 417 Bộ luật Tố tụng Hình sự và Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC- BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về phối hợp một số quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi (Thông tư liên tịch số 06/2018).

Tuy nhiên, trên thực tế phát sinh nhiều trường hợp dẫn đến Cơ quan tiến hành tố tụng phải ra Quyết định trưng cầu giám định tuổi của những đối tượng trên. Vấn đề đặt ra là giám định trong trường hợp nào? Không phải mọi trường hợp đều phải giám định tuổi, vì đây là biện pháp cuối cùng khi không còn biện pháp nào khác để thu thập chứng cứ để xác định tuổi của người bị buộc tội, bị hại dưới 18 tuổi khi tham gia tố tụng.

Nhận thấy còn nhiều bất cập, khó khăn và vướng mắc, nên việc nghiên cứu những hạn chế, vướng mắc của quy định pháp luật và thực tiễn, sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quy định này trong việc xác định tuổi của người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự, góp phần giải quyết vụ án hình sự một cách khách quan và toàn diện.

Quy định của pháp luật về xác định tuổi

Điều 417 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định về xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi như sau:

“1. Việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp mà vẫn không xác định được chính xác thì ngày, tháng, năm sinh của họ được xác định:

a) Trường hợp xác định được tháng nhưng không xác định được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh.

b) Trường hợp xác định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày, tháng sinh.

c) Trường hợp xác định được nửa của năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh.

d) Trường hợp xác định được năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong năm đó làm ngày, tháng sinh.

3. Trường hợp không xác định được năm sinh thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi”.

Điều 6 Thông tư liên tịch số 06/2018 quy định phối hợp trong việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi như sau:

“1. Việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi căn cứ vào một trong các giấy tờ, tài liệu sau:

a) Giấy chứng sinh;

b) Giấy khai sinh;

c) Chứng minh nhân dân;

d) Thẻ căn cước công dân;

đ) Sổ hộ khẩu;

e) Hộ chiếu.

Trường hợp các giấy tờ, tài liệu nêu tại khoản 1 Điều này có mâu thuẫn, không rõ ràng hoặc không có giấy tờ, tài liệu này thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải phối hợp với gia đình, người đại diện, người thân thích, nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động, sinh hoạt trong việc hỏi, lấy lời khai, xác minh làm rõ mâu thuẫn hoặc tìm các giấy tờ, tài liệu khác có giá trị chứng minh về tuổi của người đó.

Trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp nhưng chỉ xác định được khoảng thời gian tháng, quý, nửa đầu hoặc nửa cuối của năm hoặc năm sinh thì tùy từng trường hợp cụ thể cần căn cứ khoản 2 Điều 417 Bộ luật Tố tụng hình sự để xác định tuổi của họ.

2. Trường hợp kết quả giám định tuổi chỉ xác định được khoảng độ tuổi của người bị buộc tội, người bị hại thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng lấy tuổi thấp nhất trong khoảng độ tuổi đã xác định được để xác định tuổi của họ.

Ví dụ: Kết luận giám định A có độ tuổi trong khoảng từ 13 tuổi 6 tháng đến 14 tuổi 2 tháng thì xác định tuổi của A là 13 tuổi 6 tháng”.

Đây là những hướng dẫn theo hướng có lợi cho người bị buộc tội, thể hiện tính nhân đạo một cách sâu sắc của Luật Hình sự Việt Nam cần được xem xét lại vì cách tính tuổi này không hoàn toàn có lợi vì khi tuổi bị hại nhỏ, bất lợi – thể hiện sự công bằng chứ không luôn có lợi cho người bị buộc tội. Ngoài ra, Thông tư liên tịch số 06/2018 cũng không loại trừ trường hợp không biết bị cáo sinh vào ngày tháng năm nào, nếu trường hợp này xảy ra thì các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng buộc phải trưng cầu giám định để xác định năm sinh cho người bị buộc tội, bị hại theo nguyên tắc có lợi cho người bị buộc tội. Bởi lí do không làm xấu đi tình trạng của người bị buộc tội, vì lấy theo nguyên tắc bất lợi thì hậu quả cũng đã xảy ra, không thể quay trở lại như tình trạng ban đầu.

Một số khó khăn, vướng mắc

Về mặt pháp lí

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 về việc phối hợp trong việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi như sau: “Việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi căn cứ vào một trong các giấy tờ, tài liệu sau: Giấy chứng sinh; Giấy khai sinh; Chứng minh nhân dân; Thẻ căn cước công dân; Sổ hộ khẩu; Hộ chiếu”.

Theo quy định thì: “Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em”[5]. Tuy nhiên, đối với trường hợp không có giấy chứng sinh, có giấy khai sinh nhưng đăng kí khai sinh quá hạn và không trích lục được hồ sơ lưu trữ giấy chứng sinh, thì có được xem là tài liệu hợp pháp không? Hay phải xác minh lời khai của những người biết việc để sử dụng làm căn cứ xác định tuổi?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 206 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định: “Tuổi của bị can, bị cáo, bị hại nếu việc đó có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án và không có tài liệu để xác định chính xác tuổi của họ hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó”. Như thế nào được xem là nghi ngờ về những tài liệu để xác định tuổi của bị can, bị cáo, bị hại. Pháp luật quy định còn bỏ ngõ, mang tính chung chung, chưa cụ thể, rõ ràng. Nếu giấy khai sinh quá hạn thì có được xem là nghi ngờ về tính xác thực của giấy khai sinh không?

Trong trường hợp giấy khai sinh quá hạn thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải làm rõ lời khai nguyên nhân dẫn đến khai sinh quá hạn. Vậy lời khai của những người biết về sự kiện ngày, tháng, năm sinh của người bị buộc tội, bị hại có được xem là thuộc trường hợp nghi ngờ về tính xác thực hay không? Với quy định này phát sinh nhiều vướng mắc như: cần làm rõ nguồn giấy khai sinh để làm chứng cứ theo độ tuổi ghi trong giấy khai sinh. Giả sử trường hợp không có giấy chứng sinh thì có bắt buộc phải trưng cầu giám định độ tuổi hay không?

Về mặt thực tiễn

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 thì người có thẩm quyền tiến hành tố tụng lấy tuổi thấp nhất trong khoảng độ tuổi đã xác định được để xác định tuổi của họ. Tuy nhiên, đối với trường hợp xảy ra sự việc chỉ xác định được khoảng “tháng” không xác định được ngày xảy ra sự việc, thì xác định mốc thời gian xảy ra sự việc lấy đầu tháng, giữa tháng hay cuối tháng để làm căn cứ trưng cầu giám định tuổi của người bị buộc tội, bị hại vào thời điểm xảy ra sự việc?

Ví dụ: đối với vụ án “giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” do thuộc trường hợp phải giám định tuổi, nhưng cả người bị buộc tội và bị hại không xác định được cụ thể “ngày” thực hiện hành vi giao cấu với bị hại, mà chỉ nhớ “tháng” (hoặc khoảng tháng), thì khi ra quyết định trưng cầu giám định tuổi, lấy mốc thời gian đầu tháng, giữa tháng hay cuối tháng của thời gian xảy ra vụ việc đối tượng giao cấu với bị hại để làm căn cứ tính tuổi của bị hại?

Hiện nay, còn nhiều trẻ em sinh ra chưa được đăng kí khai sinh đúng hạn, dẫn đến khó khăn trong công tác xác định tuổi khi tham gia tố tụng đối với trường hợp dưới 18 tuổi.

Một số giải pháp

Cần sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 206 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 theo hướng: “Không có giấy chứng sinh để làm giấy tờ, tài liệu xác định tuổi của bị can, bị cáo, bị hại thì phải trưng cầu giám định tuổi trong mọi trường hợp”. Về mặt kĩ thuật lập pháp, tên gọi của Điều 417 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 cần phải sửa lại cụm từ “người bị hại” thành “bị hại” cho phù hợp và thống nhất theo quy định hiện nay. Mặc dù bị hại dưới 18 tuổi là cá nhân, nhưng quy định chung hiện nay không còn gọi là người bị hại.

Ngoài ra, cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn trường hợp xác định sự kiện pháp lí xảy ra để xác định độ tuổi của bị can, bị cáo, bị hại theo hướng: “Trong trường hợp không xác định được thời gian cụ thể vào ngày nào xảy ra hành vi phạm tội mà chỉ xác định được tháng hoặc năm thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó hoặc ngày tháng cuối cùng của năm đó để làm mốc thời gian xảy ra sự việc phạm tội làm căn cứ trưng cầu giám định độ tuổi của người bị buộc tội, bị hại”. Để áp dụng thống nhất trong toàn quốc, tránh tình trạng mỗi địa phương áp dụng giải quyết mỗi cách khác nhau.

Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn chuyên sâu đối với trường hợp xác định độ của người bị buộc tội, bị hại khi không xác định được sự kiện pháp lí xảy ra, để góp phần giải quyết vụ án một đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và làm oan người vô tội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu rõ về tầm quan trọng của việc đăng kí khai sinh đúng hạn, tạo tiền đề thuận lợi cho việc xác định tuổi của người dưới 18 tuổi khi tham gia vào sự kiện pháp lí.

Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 và Thông tư liên tịch số 06/2018 đã quy định về cách xác định tuổi của người bị buộc tội, bị hại chưa đủ 18 tuổi trong từng trường hợp. Tuy nhiên, qua áp dụng thực tiễn còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc về cách thức xác định độ tuổi của bị can, bị cáo và bị hại chưa đủ 18 tuổi trong một số trường hợp cụ thể. Nhằm góp phần giải quyết các bất cập hiện tại, cần sửa đổi, bổ sung về pháp luật và thực hiện đồng bộ, thống nhất các giải pháp thực tiễn, để công tác giải quyết vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi một cách khách quan và toàn diện, có giải pháp tương ứng với những nguyên nhân phát sinh khó khăn, vướng mắc về pháp luật và thực tiễn.

- - -

[1] Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

[2] Điều 142, Điều 145 và Điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

[3] Điểm c khoản 3 Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

[4] Điểm i, o khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

[5] Khoản 1 Điều 15 Luật Hộ tịch năm 2014.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Quốc hội, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, có hiệu lực ngày 01/01/2018.

2. Quốc hội, 2015. Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 ngày 27/11/2015, có hiệu lực ngày 01/01/2018.

3. Quốc Hội, 2014. Luật Hộ tịch năm 2014 ngày 20/11/2014, có hiệu lực ngày 01/01/2016.

4. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 2018. Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC- TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về phối hợp một số quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi.

5. Trường Đại học Luật Hà Nội, (2016), Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam – Phần chung, Nhà xuất bản Công an nhân dân, năm 2016.

TRẦN TUÂN

Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 9

 

 

Từ khoá : lsvn.vn LSVN