Mỹ cảnh báo về vũ khí không gian Trung Quốc, máy bay tuần tra Mỹ bị tiêm kích Nga tiếp cận không an toàn

26/05/2020 23:02 | 3 năm trước

(LSO) - Hải quân Mỹ cho biết tiêm kích Su-35 của Nga đã tiếp cận không an toàn với một máy bay tuần tra biển của lực lượng này ở Địa Trung Hải. Cùng với đó, Nga vừa chế tạo nguyên mẫu chiếc máy bay ném bom tàng hình đầu tiên của Nga đang được chế tạo và sẽ hoàn thành vào năm tới.

Máy bay tuần tra Mỹ bị tiêm kích Nga tiếp cận ‘không an toàn, không chuyên nghiệp’

Chiếc Su-35 của Nga bay sát dưới cánh chiếc P-8A của Hải quân Mỹ. Ảnh: Hải Quân Mỹ.

Trang web của Hạm đội 6 Hải quân Mỹ ngày 27/5 đưa tin các phi công Nga đã điều khiển 2 tiêm kích một cách không an toàn và không chuyên nghiệp khi tiếp cận một máy bay tuần thám P-8A của lực lượng này.

Theo đó, sự việc xảy ngày 26/5 khi chiếc P-8A đang bay trên vùng biển quốc tế phía đông Địa Trung Hải và bị 2 chiếc Su-35 bay kèm suốt 65 phút.

“Việc cản trở được cho là không an toàn và không chuyên nghiệp vì các phi công Nga đến gần 2 bên cánh của chiếc P-8A cùng lúc, cản trở khả năng của chiếc P-8A trong việc điều khiển an toàn”, theo bản tin.

Su-35 bay sát chiếc P-8A ở Địa Trung Hải. Ảnh: Hải Quân Mỹ.

Hạm đội 6 cho rằng những hành động của các tiêm kích Nga là không cần thiết và không tuân thủ các quy tắc về điều khiển máy bay và hàng không quốc tế, cũng như đe dọa sự an toàn của các máy bay.

Bên cạnh đó, hành động của các phi công Nga còn bị cho là “vô trách nhiệm” và tăng nguy cơ va chạm trên không. Phía Nga chưa đưa ra phản ứng về các tuyên bố trên.

Trước đó, 2 sự việc tương tự từng xảy ra vào tháng 4 cũng trên vùng biển Địa Trung Hải. Hạm đội 6 khẳng định máy bay của lực lượng này hoạt động trong không phận quốc tế, tuân thủ luật pháp quốc tế và không khiêu khích phía Nga.

Nga chế tạo nguyên mẫu máy bay ném bom tàng hình đầu tiên

Hình minh họa máy bay ném bom tàng hình mới của Nga. Ảnh: AFP.

Hãng thông tấn TASS cho biết chiếc máy bay này sẽ có thiết kế cánh bay tương tự máy bay ném bom tàng hình của Mỹ và bay ở tốc độ âm thanh.

Khi hoàn thành và hoạt động, máy bay mới có thể mang theo một loạt tên lửa và bom tiên tiến, bao gồm cả vũ khí siêu thanh.

Chiếc máy bay này được gọi là PAK DA, sẽ cạnh tranh với máy bay ném bom tàng hình chiến lược B-2 được đưa vào sử dụng năm 1997 của Mỹ. B-2 của không quân Mỹ được cho là một trong những máy bay đáng sợ nhất thế giới.

Trung Quốc cũng đang phát triển máy bay ném bom tàng hình tên Xian H-20. Theo báo South China Morning Post, có thể Xian H-20 sẽ ra mắt công chúng lần đầu tiên tại một triển lãm hàng không vào tháng 11.

Hồi năm ngoái, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexei Krivoruchko cho biết nhà sản xuất máy bay Tupolev, thuộc tập đoàn máy bay United chịu trách nhiệm thực hiện.

Máy bay ném bom tàng hình được thiết kế để tránh sự phát hiện của radar trong khi mang theo một lượng lớn vũ khí.

Ngoài ra, Nga đã từng phát triển máy bay chiến đấu tàng hình, là mẫu Sukhoi-57. Nó cất cánh lần đầu tiên vào năm 2010 nhưng vẫn chưa được sản xuất với số lượng lớn.

Mỹ cảnh báo về vũ khí không gian Trung Quốc

Tên lửa Long March 5B rời bệ phóng ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc vào ngày 5/5. Ảnh: Reuters.

Báo cáo mới công bố của Ủy ban Đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ - Trung Quốc (USCC) nhận định rằng: “Trung Quốc theo đuổi mục tiêu thống lĩnh không gian, gây ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh kinh tế, làm suy yếu lợi thế quân sự của Mỹ, đe dọa ổn định chiến lược và an ninh quốc gia”.

Báo cáo nêu chi tiết về quá trình 15 năm Trung Quốc phát triển nhiều hệ thống vũ khí không gian có khả năng phá hủy hoặc gây nhiễu các vệ tinh Mỹ, bao gồm vũ khí năng lượng trực tiếp (như laser), thiết bị gây nhiễu tín hiệu vệ tinh và tên lửa diệt vệ tinh, với một số hệ thống đã được triển khai, theo tờ The Washington Times.

Trung Quốc đẩy mạnh chương trình không gian trong những năm gần đây và hiện có thể cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh giá rẻ cho khách hàng quốc tế. “Trong năm 2018, Trung Quốc đã tiến hành 38 đợt phóng thành công, đưa khoảng 100 vệ tinh vào quỹ đạo. Năm nay, Trung Quốc dự kiến sẽ thực hiện hơn 40 đợt phóng”, theo USCC. Ngày 5/5, Trung Quốc đã phóng tên lửa Long March 5B đưa tàu vũ trụ không người lái mới vào không gian. Đây là một phần của chương trình xây dựng trạm không gian riêng để cạnh tranh với Mỹ, Nga.

Trong khi đó, không quân Mỹ ngày 17/5 đã phóng thành công tàu vũ trụ không người lái X-37B vào quỹ đạo. Đây là lần phóng thứ 6 của X-37B nhằm thực hiện một nhiệm vụ bí mật mới.

Theo báo cáo, các đơn vị trong quân đội Trung Quốc đã bắt đầu huấn luyện với tên lửa diệt vệ tinh. “Hiện quân đội Trung Quốc sở hữu năng lực đối phó điện tử trên mặt đất, tức có thể gây cản trở đối thủ dùng vệ tinh để thông tin liên lạc, định vị, tìm kiếm - cứu hộ và cảnh báo sớm tên lửa”, các chuyên gia Mỹ đánh giá.

Trung Quốc mua thiết bị gây nhiễu vệ tinh từ mặt đất của Ukraine cuối thập niên 1990. Kể từ đó, Trung Quốc phát triển thiết bị gây nhiễu vệ tinh nội địa. “Hiện thiết bị gây nhiễu của Trung Quốc có thể làm gián đoạn, từ chối, đánh lừa các dịch vụ vệ tinh”, USCC lưu ý.

Ủy ban này đồng thời cảnh báo Trung Quốc đã nâng cấp các thiết bị gây nhiễu để tấn công hoạt động thông tin liên lạc thông qua vệ tinh, bao gồm chặn tần số được dùng cho mục đích quân sự. Quân đội Trung Quốc đồng thời nâng cấp năng lực tấn công mạng để phối hợp tác chiến trong tình huống chiến tranh không gian bùng nổ.

Một số vũ khí không gian khác của Trung Quốc bao gồm vệ tinh nhỏ được dùng để tấn công “cảm tử”, phá hủy vệ tinh đối thủ, theo USCC. Báo cáo dẫn lại nguồn tin chính phủ Trung Quốc tiết lộ chương trình không gian chủ yếu do quân đội nước này quản lý nhằm phục vụ mục đích kép “dân sự lẫn quân sự”.

USCC khuyến nghị quốc hội Mỹ nên xem xét thông qua luật mới để ngăn chặn công ty tư nhân, trường đại học và tổ chức khác hỗ trợ hoặc hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực không gian. Tuy vậy, ủy ban này cho rằng dù năng lực chiến tranh không gian của Trung Quốc cải thiện đáng kể nhưng Mỹ vẫn duy trì vị trí dẫn đầu. Để đối phó Trung Quốc, Bộ Tư lệnh không gian Mỹ ngày 19/3 đã triển khai vũ khí đầu tiên Counter Communications System Block 10.2. Đây là thiết bị gây nhiễu điện tử thế hệ mới có thể làm gián đoạn thông tin liên lạc qua vệ tinh.

Không quân Mỹ đã từ bỏ tên lửa diệt vệ tinh từng được thử nghiệm trong thập niên 1980. Tuy nhiên, phiên bản nâng cấp tên lửa đánh chặn SM-3 đã được dùng để bắn hạ một vệ tinh đang rơi vào năm 2008, theo CNN. Điều này cho thấy Mỹ vẫn duy trì năng lực diệt vệ tinh. Đại tá không quân Mỹ Stephen Purdy, Giám đốc chương trình không gian tại Trung tâm hệ thống không gian và tên lửa ở căn cứ không quân Los Angeles, nhấn mạnh thiết bị gây nhiễu trong tương lai sẽ là một loại vũ khí quan trọng.

LÂM HOÀNG (t/h)

/thuy-phi-co-cua-trung-quoc-sap-cat-canh-thu-tren-bien-lua-chon-kha-di-nhat-cua-trieu-tien.html