Mỹ hạ sát "kiến trúc sư" chiến dịch tấn công Trân Châu Cảng như thế nào?

29/11/2020 04:00 | 3 năm trước

(LSVN) - Vụ ám sát Yamamoto được coi là tiền lệ cho các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ngày nay, nhưng thú vị là so với những tranh cãi về các vụ ám sát có chủ đích hiện nay, có rất ít ồn ào về quyết định giết Yamamoto.

Cuộc tấn công Trân Châu Cảng của Nhật Bản đã làm nước Mỹ bàng hoàng; Nguồn: plaintruth.com.

Khoảng 68 năm trước khi đặc nhiệm của Mỹ tiêu diệt Osama bin Laden, Mỹ đã tiến hành một vụ ám sát theo kiểu khác. Lần đó, mục tiêu không phải là kẻ khủng bố mà chính là Đô đốc Nhật Bản Isoroku Yamamoto - kiến trúc sư chiến dịch Trân Châu Cảng - nhưng động cơ giống nhau - trả thù cho một cuộc tấn công vào nước Mỹ.

Đô đốc Yamamoto - Tư lệnh Hải quân Nhật Bản - là một trong những người bị thù ghét nhất ở Mỹ, được gọi là Ác quỷ châu Á. Và khi Mỹ nhìn thấy cơ hội trả thù vào tháng 4/1943, họ đã không do dự báo thù.

Giống như các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ngày nay, chiến dịch hình thành từ một bức điện mật bị chặn. Đó không phải là một cuộc gọi từ điện thoại di động, mà là những tín hiệu vô tuyến quân sự bình thường.

Mùa xuân năm 1943, Nhật Bản gặp khó khăn - người Mỹ đã chiếm được Guadalcanal. Bị chỉ trích rằng các chỉ huy cấp cao không đến thăm mặt trận để kiểm tra tình hình, Yamamoto đã quyết định đi thăm các đơn vị không quân hải quân trên đảo Bougainville ở Nam Thái Bình Dương.

Như thường lệ, các tín hiệu mã hóa được gửi ngày 13/4/1943 tới các chỉ huy khác nhau của Nhật Bản trong phạm vi hành trình của vị Đô đốc cũng như số lượng máy bay vận tải và chiến đấu hộ tống ông. Nhưng những kẻ phá mã của Mỹ đã đọc các thông điệp quân sự và ngoại giao của Nhật Bản trong nhiều năm, bao gồm cả những thông điệp trong mã JN-25, được Hải quân Nhật sử dụng dưới nhiều hình thức trong suốt Thế chiến II. Nội dung về chuyến vi hành của Yamamoto đã được gửi trong biến thể mới JN-25D, nhưng không ngăn được các nhà phân tích mật mã của Mỹ giải mã nó trong vòng chưa đầy một ngày.

Đô đốc Chester Nimitz - Tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương - được giao chỉ huy chiến dịch bắn hạ máy bay của Yamamoto. Tuy nhiên, công việc không hề đơn giản. Máy bay chiến đấu Hải quân và Thủy quân Lục chiến như F4F Wildcat và F4U Corsair không đủ tầm bay để đánh chặn máy bay của Yamamoto ở Bougainville, cách căn cứ không quân Mỹ gần nhất trên Guadalcanal 650km. Máy bay chiến đấu duy nhất đủ khả năng là Lockheed P-38G Lightning hai động cơ của Lực lượng Không quân Mỹ.

Nhưng ngay cả những chiếc P-38 cũng phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn. Để tránh bị phát hiện, các nhà hoạch định Mỹ muốn những chiếc Lightnings bay “quãng đường 650km, ngoài khơi cách các đảo ít nhất 80km và ở độ cao không quá 15m”, và không có máy bay cảnh báo sớm AWACS hoặc radar trên đất liền dẫn đường đến mục tiêu, thậm chí không biết máy bay của Yamamoto đang ở đâu. Máy bay Mỹ cũng không thể bay qua Bougainville vì có rất nhiều căn cứ chiến đấu của Nhật Bản. Về cơ bản, họ sẽ phải đánh chặn máy bay của Yamamoto hễ khi nào bắt gặp.

Tuy nhiên, bằng cách tính toán tốc độ máy bay chở Yamamoto, máy bay ném bom G4M Betty của Nhật Bản, tốc độ gió, đường bay và giả định rằng Yamamoto sẽ đúng giờ…, các nhà lập kế hoạch Mỹ ước tính vụ đánh chặn sẽ diễn ra vào 9:35 sáng. Người Mỹ đã điều 18 chiếc P-38 cho nhiệm vụ này, trong đó một nhóm gồm bốn chiếc sẽ lao thẳng vào máy bay của Yamamoto, số còn lại sẽ lấy độ cao, ẩn nấp chống lại các máy bay chiến đấu của Nhật Bản. 2 chiếc Lightnings bỏ cuộc trên đường đến Bougainville, chỉ còn lại 16 chiếc thực thi nhiệm vụ.

Người Mỹ đến sớm chỉ một phút, lúc 9:34, trước khi người Nhật đã xuất hiện. 2 máy bay ném bom Betty, 1 chiếc chở Yamamoto và chiếc còn lại chở Tham mưu trưởng của ông ta - Phó Đô đốc Matome Ugaki - bay ở độ cao 1.400m. Chúng được 6 máy bay chiến đấu A6M Zero hộ tống.

Vẫn không bị phát hiện, 12 chiếc Lightnings của Mỹ đã leo lên độ cao 5,5km. 4 chiếc còn lại tấn công Bettys, với cặp đầu tiên, do Đại úy Thomas Lanphier Jr. và Trung úy Rex Barber điều khiển. Khi hai máy bay ném bom lao xuống để tránh các máy bay đánh chặn, các phi công Mỹ không chắc chắn chiếc nào chở Yamamoto.

Cuộc tấn công Trân Châu Cảng đã dẫn đến việc Mỹ chính thức tham gia Thế chiến II vào ngày hôm sau; Nguồn: visitpearlharbor.org.

Lanphier giao chiến với những máy bay hộ tống của Nhật trong khi Barber truy đuổi hai máy bay ném bom. Đạn đại liên và đại bác của Barber đã bắn trúng chiếc Betty đầu tiên - một mẫu máy bay nổi tiếng là dễ vỡ và dễ bắt lửa. Với động cơ bên trái bị hư hỏng, chiếc Betty lao thẳng xuống khu rừng rậm. Chiếc Betty thứ hai bị tấn công bởi ba chiếc P-38, lao xuống nước. Người Mỹ đã may mắn một lần nữa - chiếc Betty lao xuống rừng rậm, tổ lái và khách VIP Yamamoto bị chết. Một nhóm cứu hộ Nhật Bản đã được phái đến khu rừng tìm kiếm máy bay của Yamamoto.

Thi thể của viên Đô đốc và những sĩ quan tùy tùng đã được hỏa táng, tro được cho vào hộp. Hố mai táng được lấp đầy, và hai cây đu đủ, loại cây yêu thích của ông, được trồng bên nấm mộ. Một ngôi đền đã được dựng lên, và các quân nhân thuộc Hải quân Nhật Bản đã chăm sóc các ngôi mộ cho đến khi chiến tranh kết thúc. Tro cốt của Yamamoto được đưa về Nhật Bản trên siêu thiết giáp hạm Musashi vào tháng 5/1943 cho một lễ tang cấp nhà nước, thu hút một triệu người đưa tang. Nhờ chiếc Betty rơi xuống nước, Phó Đô đốc Ugaki sống sót, nhưng vài giờ sau khi Nhật hoàng Hirohito tuyên bố đầu hàng Đồng minh ngày 15/8/1945, Ugaki cất cánh trên một chiếc kamikaze và sau đó không bao giờ được nhìn thấy nữa.

Đối với người Mỹ, sự phấn khích và hài lòng được tạo nên bởi cuộc tranh cãi sau chiến tranh kéo dài 60 năm về việc ai thực sự bắn rơi máy bay chở Yamamoto; Barber và Lanphier được ghi nhận với một nửa công trạng, mặc dù nhiều nhà phân tích cho rằng, Barber lẽ ra phải nhận được đầy đủ công lao. Điều trớ trêu là Yamamoto không phải là kẻ thù tồi tệ nhất của nước Mỹ. Ông không theo chủ nghĩa hòa bình, nhưng cũng không quân phiệt như những người Nhật cứng rắn.

Yamamoto phản đối liên minh năm 1940 với Đức Quốc xã, điều mà ông lo ngại sẽ kéo Nhật Bản vào một cuộc chiến tranh tàn khốc. Trong khi ông không phản đối chiến tranh như một biện pháp để cứu Nhật Bản khỏi lệnh cấm vận dầu mỏ của Mỹ vào năm 1941, ông đã cảnh báo các nhà lãnh đạo Nhật Bản rằng "trong 6 đến 12 tháng đầu tiên của cuộc chiến với Mỹ và Anh, tôi sẽ chiến đấu hết mình và giành hết chiến thắng này đến chiến thắng khác. Nhưng sau đó, nếu cuộc chiến tiếp diễn, tôi không hy vọng thành công”.

Cái chết của Yamamoto có ảnh hưởng đến chiến tranh không? Chiến dịch Trân Châu Cảng của ông ta rất táo bạo và xuất sắc, nhưng chiến lược tồi tệ của ông ta tại Midway 6 tháng sau đó đã “nướng” lực lượng tàu sân bay tinh nhuệ của Nhật Bản (trớ trêu thay, chính việc phá mã điện tín của người Mỹ đã tạo tiền đề cho thảm họa Midway). Năm 1943, Yamamoto là một người ốm yếu và kiệt sức, nếu không ông có thể đã đưa ra một chiến lược hải quân cuối chiến tranh tốt hơn so với các trận chiến thảm khốc ở Biển Philippines và Vịnh Leyte. Tuy nhiên, cả "kiến trúc sư" của chiến dịch Trân Châu Cảng cũng không thể cứu Nhật Bản khỏi thất bại.

Vụ ám sát Yamamoto vẫn quan trọng vì nó đã được coi là tiền lệ cho các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ngày nay. Rõ ràng, không nghi ngờ gì việc ám sát Yamamoto là hợp pháp theo luật chiến tranh. Ông ta là một người lính đối phương mặc quân phục, đang bay trong một máy bay quân sự của đối phương bị tấn công bởi các quân nhân Mỹ mặc đồng phục trên máy bay quân sự được sơn phù hiệu - điều không có gì mới. Năm 1942, đặc nhiệm Anh cố gắng ám sát Erwin Rommel (chỉ huy của Panzergruppe Afrika ở Bắc Phi - ND) không thành công, và quân đội hiện đại dành nhiều nỗ lực để xác định vị trí sở chỉ huy của đối phương để giết các viên chỉ huy và nhân viên.

Nhưng điều thực sự thú vị là so với những tranh cãi về các vụ ám sát có chủ đích ngày nay, có rất ít ồn ào về quyết định giết Yamamoto. Quân đội Mỹ coi đây là một vấn đề quân sự thuần túy mà không cần sự chấp thuận của các tổ chức dân sự hữu quan. Đô đốc Nimitz được lệnh đánh chặn, và mệnh lệnh được chuyển xuống các cấp chỉ huy dưới quyền, không có quyết định của tổng thống cũng như xem xét của Bộ Tư pháp Mỹ. Cái chết của Yamamoto có ý nghĩa quan trọng ở mức tượng trưng, nhưng về khía cạnh quân sự, ông ta chỉ là một nạn nhân của chiến tranh.

LÊ NGỌC/VOV

/ao-tang-cuong-an-ninh-chong-khung-bo-truoc-them-giang-sinh.html