Mỹ hy vọng đạt được thỏa thuận hạt nhân với Triều Tiên, Thụy Điển dự định yêu cầu EU điều tra nguồn gốc Covid-19

29/04/2020 18:17 | 3 năm trước

(LSO) - Tính đến 06h30, ngày 30/4, tổng số ca nhiễm trên thế giới hiện tại đã hơn 3 triệu ca, số ca tử vong là 218.371 ca, số người hồi phục được công bố cũng đã đạt trên 1 triệu người chiếm 1/3 tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới.

Mỹ mở rộng điều tra về sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 tại tàu sân bay USS Theodore Roosevelt

Tàu USS Theodore Roosevelt.

Quyền Bộ trưởng Hải quân Mỹ James McPherson ngày 29/4 thông báo về việc mở một cuộc điều tra sâu rộng hơn đối với sự bùng phát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tại tàu sân bay USS Theodore Roosevelt.

Vụ việc khiến hạm trưởng tàu này là Brett Crozier đã bị cách chức, do viết một bức thư, sau đó bị rò rỉ trên truyền thông, mô tả tình hình khó khăn trên tàu và cáo buộc Lầu Năm Góc không có sự chú ý thích hợp.

Việc ông Crozier bị cách chức được xem là quá nặng tay và vội vàng trước khi một cuộc điều tra được tiến hành. Trong một diễn biến liên quan sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper thông báo quyền Bộ trưởng Hải quân Mỹ Thomas Modly ngày 07/4 đã từ chức do cách thức xử lí của ông đối với vụ việc.

Ông James McPherson cho biết, ông vẫn đặt nghi vấn về sự vụ này sau báo cáo sơ bộ gửi tới Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper hồi tuần trước. Ông McPherson nhấn mạnh ông "có những nghi vấn về vụ việc và chỉ có thể giải đáp bằng một cuộc điều tra sâu rộng hơn”.

Ông McPherson cũng lưu ý rằng cuộc điều tra sẽ cung cấp “thêm nhận thức về chuỗi các sự kiện, các động thái và các quyết định trong chuỗi chỉ huy”.

Hiện nay, tổng số ca nhiễm Covid-19 tại nước Mỹ đã hơn 1 triệu ca, chiếm gần 1/3 tổng số ca nhiễm trên thế giới, số ca tử vong hiện nay cũng đang đứng đầu với 59.266 ca, được biết, đây là con số đáng lo ngại cho giới chức trách của nước này, khi con số này liên tục tăng đáng kể từ những ngày dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại xứ cờ hoa.

Ngoại trưởng Mỹ hy vọng đạt được thỏa thuận hạt nhân với Triều Tiên

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu trong một cuộc họp báo tại Washington D.C. Ảnh: THX/TTXVN.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 29/4 cho biết, ông vẫn hy vọng nước Mỹ sẽ đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Triều Tiên, cho dù tiến trình đàm phán hiện nay giữa hai bên đang lâm vào bế tắc.

Phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Pompeo nêu rõ: “Chúng tôi vẫn hy vọng sẽ tìm thấy cửa đàm phán về một giải pháp mang lại kết quả tốt cho cả người dân Mỹ, người dân Triều Tiên cũng như người dân trên toàn thế giới”.

Trước đó, phát biểu với hãng tin Fox News cùng ngày, Ngoại trưởng Pompeo đề cập nguy cơ có thể xảy ra nạn thiếu lương thực hoặc nạn đói ở Triều Tiên do dịch Covid-19 bùng phát.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ khẳng định Washington đang giám sát mọi nguy cơ có thể xảy ra vì chúng có thể tác động tới sứ mệnh phi hạt nhân hóa Triều Tiên một cách căn bản.

Thụy Điển dự định yêu cầu EU điều tra nguồn gốc Covid-19

Báo South China Morning Post cho biết Thụy Điển đang có kế hoạch yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) điều tra nguồn gốc của Covid-19.

"Khi tình hình Covid-19 trên toàn cầu được kiểm soát, việc tiến hành một cuộc điều tra độc lập để biết về nguồn gốc và sự lây lan của virus corona chủng mới là hợp lý và quan trọng", Bộ trưởng Y tế Thụy Điển, bà Lena Hallengren ngày 29/4 cho biết.

Bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của một cuộc điều tra đối với việc xử lý đại dịch Covid-19 của toàn bộ cộng đồng quốc tế, gồm cả Tổ chức Y tế thế giới (WHO). "Thụy Điển sẵn sàng nêu vấn đề này trong khuôn khổ hợp tác EU", Bộ trưởng Lena Hallengren nói.

Tổng số ca nhiễm tại Thụy Điển, tính tới thời điểm hiện tại là 19.621 ca, trong đó số ca tủ vong là 2.355 người và đã công bố chữa khỏi cho 1.005 người.

Boeing thua lỗ 641 triệu USD, cắt giảm nhân công

Tập đoàn Boeing ngày 29/4 cho biết đã chịu khoản thiệt hại 641 triệu USD trong quý đầu tiên khi nhà sản xuất máy bay này chịu tác động lớn từ đại dịch Covid-19. Điều này trái ngược với cùng kỳ năm ngoái, khi Boeing kiếm được 2,15 tỉ USD.

Nhu cầu đi lại bằng máy bay trên toàn cầu đã giảm mạnh và nhiều hãng hàng không đã hủy hoặc trì hoãn các đơn hàng mua máy bay mới của Boeing.

Trong khi đó, 737 MAX, dòng máy bay bán chạy hàng đầu của Boeing, đã bị cho "nằm đất" trong hơn 1 năm qua sau vụ tai nạn hàng không ở Indonesia và Ethiopia khiến tổng cộng 346 người thiệt mạng.

Boeing cũng cho biết họ sẽ cắt giảm khoảng 10% nhân công trong lực lượng lao động gồm khoảng 160.000 người do thu hẹp quy mô xuất xưởng dòng máy bay 787 Dreamliner.

Ca tử vong nCoV ở Anh tăng vọt vì đổi cách tính

Một quân nhân lấy mẫu xét nghiệm ở Glasgow, Scotland ngày 29/4. Ảnh: Reuters.

Số người tử vong vì nCoV ở Anh tăng lên đến 21.678 ca, tương đương 17%, sau khi đưa số người chết trong viện dưỡng lão và những nơi khác vào thống kê.

"Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) đã phát triển phương pháp báo cáo ca tử vong hàng ngày mới, để thống kê đầy đủ hơn những người đã chết vì nCoV", PHE hôm nay ra tuyên bố. Anh trước đây chỉ thống kê ca tử vong trong bệnh viện.     

"Lần đầu tiên kể từ hôm nay, số liệu hàng ngày của chính phủ sẽ bao gồm các trường hợp tử vong xảy ra ở tất cả các nơi, miễn là dương tính với nCoV, bao gồm bệnh viện, viện dưỡng lão và các cộng đồng khác. Scotland, Bắc Ireland và xứ Wales vốn đã báo cáo ca tử vong ngoài bệnh viện", tuyên bố có đoạn viết.

PHE cho biết số liệu công bố hôm nay đã được điều chỉnh để thêm vào dữ liệu còn thiếu kể từ khi Anh ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì nCoV ngày 2/3. Tổng số người chết ở Anh đã nâng lên tới 21.678 ca, bao gồm 765 trường hợp tử vong được báo cáo trong 24 giờ qua. Với số liệu mới, Anh là vùng dịch lớn thứ năm thế giới với 161.145 người nhiễm nhưng ghi nhận số ca tử vong nhiều thứ ba, sau Mỹ và Italy.     

Anh đã nằm dưới lệnh phong tỏa hơn một tháng, khiến các doanh nghiệp phải đóng cửa và người dân được yêu cầu ở nhà nếu không có việc cần thiết. Cố vấn y tế chính phủ Chris Whitty cho rằng cần kéo dài "cách biệt cộng đồng" cho đến khi tìm ra vaccine hoặc phương pháp điều trị nCoV. Thủ tướng Boris Johnson trở lại công việc đầu tuần này sau gần một tháng vắng bóng vì nhiễm nCoV.     

Ngoại trưởng Dominic Raab hôm nay cho biết Anh hiện có khả năng tiến hành hơn 73.000 xét nghiệm nCoV mỗi ngày. Chính phủ đặt mục tiêu xét nghiệm 100.000 lần mỗi ngày vào cuối tháng 4.     

Italy ghi nhận thêm 2.086 ca nhiễm SARS-CoV-2

Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố, trong ngày 29/4, nước này ghi nhận thêm 2.086 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 201.505 trường hợp.

Trong khi đó, số ca tử vong do căn bệnh này đã tăng lên 27.359 trường hợp. Có 2.311 ca hồi phục trong ngày, nâng tổng số ca hồi phục lên 71.252 ca. Số ca phải điều trị tích cực do Covid-19 tại Italy cũng tiếp tục giảm 68 ca xuống còn 1.795 ca.

Pháp ghi nhận hơn 24.000 ca tử vong vì Covid-19

Tính đến tối 29/4, số ca tử vong vì dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tại Pháp đã lên tới 23.660 người, bao gồm 15.053 người ở bệnh viện và 8.607 người ở nhà dưỡng lão và cơ sở y tế xã hội.

Hiện nước này có 26.834 người đang nằm viện, trong đó 4.207 người phải chăm sóc đặc biệt. Như vậy, số bệnh nhân nặng cần hồi sức tích cực đã giảm liên tiếp từ 21 ngày nay.

Cùng ngày, Thượng viện Pháp thông báo sẽ nghe chính phủ trình bày trước khi bỏ phiếu kế hoạch dỡ bỏ từng bước lệnh phong tỏa quốc gia, vào chiều 4/5. Kế hoạch này, dự kiến bắt đầu từ ngày 11/5, đã được Hạ viện thông qua tối 28/4, với 368 phiếu thuận, 100 phiếu chống và 103 phiếu trắng.

Liên quan đến lĩnh vực sản xuất ôtô, Ủy ban châu Âu đã quyết định phê duyệt khoản vay trị giá 5 tỷ euro cho tập đoàn Renault, với sự bảo lãnh của chính phủ Pháp. Mục đích nhằm hạn chế tác động của đại dịch lên một trong những ngành công nghiệp trọng điểm của quốc gia này.

LÂM HOÀNG (T/H)

/ha-noi-chot-lich-hoc-sinh-tu-thcs-tro-len-di-hoc-tu-ngay-04-5.html
/van-de-phap-ly-ve-viec-hoan-tien-ve-khi-bi-huy-chuyen.html