Mỹ không tham gia sáng kiến chống dịch Covid-19 toàn cầu của WHO, Covid-19 tới New York từ châu Âu, không phải Trung Quốc

24/04/2020 17:43 | 4 năm trước

(LSO) - Tính đến 6h30, ngày 25/4, tổng số ca nhiễm trên thế giới hiện tại là hơn 2,7 triệu người, trong đó số ca tử vong chiếm 191.806 ca, số ca được công bố khỏi bệnh là 755.585 ca.

Mỹ không tham gia sáng kiến chống dịch Covid-19 toàn cầu của WHO

Tổng thống Trump từng tuyên bố sẽ ngừng tài trợ cho WHO. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 24/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ hỗ trợ phát động một sáng kiến toàn cầu nhằm chống lại dịch viêm đường hô hấp cấp  Covid-19. Song, đại diện Mỹ tuyên bố sẽ không tham gia sáng kiến này.

Phát biểu tại cuộc họp của Liên hợp quốc, người phát ngôn WHO Fadela Chaib cho biết Tổng thống Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen sẽ tham gia sáng kiến do Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khởi xướng. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng sẽ tham gia sáng kiến này.

Tuy nhiên, người phát ngôn của Phái đoàn thường trực Mỹ tại Liên hợp quốc khẳng định, Washington sẽ không tham gia sáng kiến nói trên của WHO.

Quan chức trên cho biết Mỹ muốn tìm hiểu thêm về sáng kiến này để có thể ủng hộ quá trình hợp tác quốc tế một cách hợp lý.

Trước đó, WHO đã thông báo về kế hoạch khởi xướng một sáng kiến “hợp tác mang tính quyết định” nhằm thúc đẩy việc phát triển các loại thuốc, phương pháp xét nghiệm và vắcxin để phòng ngừa và điều trị bệnh Covid-19.

Mục đích sáng kiến này là nhằm phát triển các công nghệ chống Covid-19 mà bất kỳ ai cần đều có thể tiếp cận, trên phạm vi toàn thế giới.

Sáng kiến nói trên của WHO được cho là bao gồm việc dự trữ vắcxin phòng Covid-19 để sử dụng ở các nước nghèo, tương tự như cơ chế dự trữ vắcxin phòng cúm để ứng phó trường hợp xảy ra đại dịch. Trong số các đối tác tài trợ truyền thống chủ chốt của WHO, ngoài 194 thành viên còn có Liên minh vaccine GAVI, Quỹ Bill & Melinda Gates và Quỹ Toàn cầu.

Tổng thống Donald Trump mới đây đã chỉ trích WHO vì đã phản ứng chậm trước sự lây lan của đại dịch Covid-19 và tuyên bố ngừng đóng góp quỹ cho tổ chức này.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định WHO cần phải tiến hành một cuộc cải cách cơ bản sau đại dịch Covid-19. Ông Pompeo cũng đề cập đến khả năng Mỹ có thể sẽ không bao giờ nối lại hoạt động tài trợ cho WHO.

Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với gần 870.000 người

Hiện nay, tổng số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ là 869.170 người, số ca tử vong tại nước này cũng đã lên tới gần 50.000 người.

Tổng thống Donlad Trump tuyên bố "cách biệt cộng đồng" có thể kéo dài tới sau 1/5 nếu ông cảm thấy đất nước chưa an toàn. Trước đó ông ký sắc lệnh đình chỉ một phần hoạt động nhập cư vào Mỹ nhằm đảm bảo việc làm cho lao động nước này trong đại dịch. Hạ viện Mỹ thông qua gói cứu trợ 480 tỉ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, bệnh viện và mở rộng xét nghiệm nCoV.

Châu Âu “đau đầu” vì Covid-19

Tây Ban Nha xác nhận tổng số ca nhiễm Covid-19 đã lên gần 214.000 người,  trong đó hơn 22.157 người chết. Hiện nay, Tây Ban Nha vẫn là vùng dịch lớn thứ hai thế giới và là vùng chết chóc thứ ba thế giới, sau Mỹ và Italy.

Quan chức y tế Tây Ban Nha tin rằng đại dịch tại nước này đã qua đỉnh hôm 2/4, gần ba tuần sau khi chính phủ áp đặt biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, buộc gần 47 triệu người dân ở nhà để làm chậm virus lây lan. Lệnh phong tỏa tại Tây Ban Nha sẽ kéo dài đến ngày 9/5 nhưng một số quy định được nới lỏng từ ngày 26/4 như cho phép trẻ em ra ngoài trong khoảng thời gian nhất định.

Italy dự kiến nới phong tỏa từ ngày 4/5

Italy ghi nhận tổng số ca nhiễm Covid-19 tại đây đã gẩn 190.000 người, số ca tử vong là 21.889 ca.

Chính quyền từ 9/3 áp lệnh phong tỏa toàn quốc, buộc người dân phải ở nhà, hầu hết các doanh nghiệp phải đóng cửa, gây áp lực lớn cho nền kinh tế lớn thứ ba khu vực đồng euro. Chính quyền dự kiến nới phong tỏa từ ngày 4/5.

Pháp xác nhận tổng số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 tại đây lên lần lượt là 159.460 và 21.889.

Pháp áp lệnh phong tỏa từ 17/3 đến 11/5

Pháp áp lệnh phong tỏa từ 17/3 đến 11/5. Một số trường học sau 11/5 sẽ nối lại hoạt động nhưng những cơ sở quán cafe và nhà hàng dự kiến tiếp tục đóng cửa.

Đức báo cáo 153.129 ca nhiễm và 5.575 ca tử vong. Đức được đánh giá phản ứng nhanh với Covid-19 và bước đầu kiểm soát được dịch. Tuy nhiên, Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo cuộc chiến chống Covid-19 mới ở giai đoạn đầu và đại dịch dường như sẽ thành một phần cuộc sống trong thời gian dài.

Chính phủ Đức nới dần các biện pháp phong tỏa, song yêu cầu người dân tiếp tục duy trì "cách biệt cộng đồng" đến 3/5 và gấp rút tăng cường khả năng đối phó với đợt bùng phát thứ hai. Merkel và thủ hiến 16 bang dự kiến họp ngày 30/4 để đưa ra các biện pháp ứng phó tiếp theo.

Anh ghi nhận tổng số ca tại nước này đã lên tới gần 140.000 người. Trng đó có 18.791 ca tử vong. Anh chỉ tính những trường hợp chết trong bệnh viện, nên số liệu thực tế có thể cao hơn vì nhiều người qua đời tại nhà và viện dưỡng lão.

Nước này đã sống dưới lệnh phong tỏa hơn một tháng, khiến các doanh nghiệp phải đóng cửa và người dân được yêu cầu ở nhà nếu không có việc cần thiết. Chính phủ dự kiến xem xét lại lệnh phong tỏa vào ngày 7/5.

'Virus SARS-CoV-2 tới New York từ châu Âu, không phải Trung Quốc'

Thống đốc bang New York của Mỹ Andrew Cuomo tuyên bố tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 24/4 rằng virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đầu tiên lây nhiễm cho người dân tại tiểu bang New York là tới từ châu Âu, không phải từ Trung Quốc, và rằng lệnh cấm du khách từ Trung Quốc được Tổng thống Donald Trump đưa ra là quá muộn để tránh sự lây lan của dịch bệnh.

Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân mắc Covid-19 ra nhà xác dã chiến bên ngoài một bệnh viện ở New York, Mỹ ngày 8/4/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo ông Cuomo, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Northeastern ước tính có hơn 10.000 người dân New York có thể đã tiếp xúc với bệnh Covid-19 tính tới thời điểm bang này công bố ca nhiễm bệnh đầu tiên vào ngày 1/3.

Ông cho rằng Italy nhiều khả năng là nguồn lây nhiễm bệnh cho New York.

Bên cạnh đó, ông Cuomo còn chỉ rõ Tổng thống Trump đã ban hành lệnh cấm những người đến từ Trung Quốc vào ngày 2/2, hơn một tháng sau khi có thông tin bùng phát ổ dịch ở Trung Quốc, đồng thời quyết định hạn chế đi lại từ châu Âu trong tháng Ba. Tới thời điểm đó, virus SARS-CoV-2 đã lan ra rộng khắp nước Mỹ.

Thống đốc Cuomo nêu rõ: "Chúng tôi đã đóng cửa trước bằng lệnh cấm du khách đến từ Trung Quốc, điều này hoàn toàn đúng đắn, song chúng tôi lại để mở cửa sau (ý muốn nói châu Âu)."

Theo ông Cuomo, vào ngày 23/4, tổng số ca mắc Covid-19 phải nhập viện toàn bang New York hiện đang là 14.200 người, giảm so với mức 15.021 một ngày trước đó. Trong khi đó, số ca tử vong toàn bang tăng thêm 422 ca trong ngày 23/4.

Thống đốc bang New York nói rằng việc mở cửa trở lại mà thiếu đi các biện pháp giãn cách xã hội sẽ khiến số ca mắc Covid-19 gia tăng.

LÂM HOÀNG (t/h)

/viet-nam-ung-ho-50-000-usd-cho-quy-ung-pho-voi-covid-19-cua-who.html
Từ khoá : Covid-19 WHO Mỹ Trung Quốc