Mỹ siết chặt nguồn cung chip toàn cầu đối với Huawei, máy bay săn ngầm Mỹ 2 lần áp sát căn cứ tàu ngầm lớn nhất của Trung Quốc

15/05/2020 17:21 | 3 năm trước

(LSO) - Chính quyền Mỹ ngày 15/5 đã thay đổi quy định nhằm kiểm soát việc cung cấp thiết bị bán dẫn cho các công ty bán chip cho Huawei. Cùng ngày, giới theo dõi máy bay quân sự thế giới cũng bất ngờ phát hiện máy bay săn ngầm P-8A Poseidon của Mỹ áp sát căn cứ tàu ngầm Du Lâm trên đảo Hải Nam của Trung Quốc, dường như dường như là một thông điệp tới Bắc Kinh.

Mỹ siết chặt nguồn cung chip toàn cầu đối với Huawei

Một cửa hàng Huawei ở Bắc Kinh. Ảnh: AFP

Quy định mới được Bộ Thương mại Mỹ công bố bắt buộc các công ty nước ngoài sử dụng thiết bị của Mỹ để chế tạo chip phải có giấy phép của Mỹ nếu muốn bán chip cho Huawei, hoặc các công ty con của tập đoàn này.

Theo Reuters, nếu Huawei muốn tiếp tục mua được chip hoặc sử dụng các thiết kế bán dẫn có liên quan đến phần mềm và công nghệ Mỹ, tập đoàn Trung Quốc này phải xin phép từ Bộ Thương mại Mỹ.

Quyết định mới này là cú đòn nặng nề đối với Huawei cũng như công ty sản xuất bán dẫn của Đài Loan TSMC, chuyên cung cấp chip cho Huawei và các hãng điện tử khác.

Hầu hết các nhà sản xuất chip dựa vào nguồn cung thiết bị do các công ty Mỹ như KLA, La, Research hay Applied Materials cung cấp.

Hồi tháng 5/2019, Mỹ đưa Huawei và 114 công ty con vào danh sách đen vì lý do an ninh quốc gia. Quy định buộc các công ty Mỹ và nước ngoài phải xin giấy phép của Bộ Thương mại Mỹ nếu muốn bán sản phẩm cho Huawei.

Tuy nhiên, giới chức Mỹ cho rằng Huawei vẫn tiếp cận được nhiều nguồn cung thuộc diện bị cấm theo quy định mới.

Huawei chưa bình luận về quy định mới nhưng trước đó từng cảnh báo chính phủ Trung Quốc sẽ đáp trả nếu quy định có hiệu lực.

Hoàn Cầu Thời báo cùng ngày đưa tin rằng Trung Quốc có nhiều biện pháp để đáp trả như đưa một số công ty Mỹ vào danh sách thực thể không đáng tin cậy, điều tra và áp đặt quy định hạn chế với các công ty Mỹ, ngừng mua máy bay Boeing...

Máy bay săn ngầm Mỹ 2 lần áp sát căn cứ tàu ngầm lớn nhất của Trung Quốc

Tài khoản Twitter của Viện nghiên cứu đại dương Bắc Kinh loan tin về sự việc. Ảnh: Internet

Trưa 15/5, tài khoản Twitter @KimagureGolf9 tung lên hình ảnh mô phỏng đường bay của chiếc P-8A số đăng ký 169010 của Hải quân Mỹ.

Hình ảnh mô phỏng ban đầu cho thấy chiếc P-8A bay sát phía nam một hòn đảo của Trung Quốc. Chuyến bay dường như diễn ra trong sáng 15/5 và được tiếp dầu trên không bằng máy bay KC-135 của Mỹ.

Khoảng 5 phút sau hình ảnh đầu tiên, tài khoản @KimagureGolf9 trưng ra tiếp đường bay của chiếc P-8A đoạn gần hòn đảo này cho thấy nó bay rất sát thành phố tàu ngầm lớn nhất của Trung Quốc.

Mô phỏng đường bay cũng cho thấy chiếc máy bay săn ngầm của Mỹ có thể đã áp sát ít nhất hai lần. Lần đầu tiên khi bay hướng vào vịnh Bắc Bộ và lần thứ hai là khi bay trở ra.

Một nhà quan sát quân sự cho biết đây không phải là lần đầu tiên máy bay Mỹ xuất hiện trong khu vực. Tuy nhiên, khác với các lần trước, việc chiếc P-8A chủ động bật tín hiệu nhận diện cho thấy quân đội Mỹ đang muốn gởi thông điệp tới Trung Quốc.

Hồi cuối năm ngoái, Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương của Mỹ, tướng Charles Q. Brown Jr., đã tiết lộ rằng Mỹ thường xuyên triển khai các máy bay ném bom, máy bay tuần thám như P-3/P-8, U-2 và kể cả máy bay không người lái RQ-4 đến Biển Đông nhưng thường kín tiếng với báo chí nên ít người biết đến.

Hình ảnh được tài khoản này công bố cho thấy trên đường trở ra Biển Đông, chiếc máy bay săn ngầm của Mỹ thậm chí đã bay vào bầu trời và đi dọc theo bờ biển phía đông bắc hòn đảo này.

Khoảng 13h15, @JapanRader cho biết máy bay Mỹ đã cách xa đảo và đang bay trên Biển Đông, hướng về phía đông bắc. Tài khoản này còn cung cấp cụ thể các con số như vận tốc máy bay, độ cao, vị trí dựa trên kinh độ và vĩ độ,... để chứng minh.

Cả Mỹ và Trung Quốc hiện vẫn chưa lên tiếng bình luận về các thông tin trên. Trong quá khứ, các máy bay do thám Mỹ từng hoạt động gần xung quanh đảo và chạm trán với các chiến đấu cơ của Trung Quốc.

Sự việc lần này nếu được xác nhận sẽ được đặt chung bối cảnh quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đang căng thẳng trên nhiều lĩnh vực, từ cách xử lý ban đầu về đại dịch Covid-19, thương mại đến sở hữu trí tuệ, nhân quyền và Biển Đông.

Năm 2015, hai tiêm kích J-11 của Trung Quốc đã áp sát máy bay EP-3 của Mỹ ở khoảng cách 15m ngoài khơi Hải Nam. Bắc Kinh sau đó lên tiếng chỉ trích và yêu cầu Washington ngừng các hành động do thám "đe dọa an ninh Trung Quốc".

Năm 2001, một máy bay do thám của Mỹ đã va chạm với chiến đấu cơ Trung Quốc ngoài khơi Hải Nam khiến phi công Trung Quốc thiệt mạng. Máy bay Mỹ sau đó phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay trên đảo Hải Nam. 24 thành viên phi hành đoàn bị bắt giữ và chỉ được trả về Mỹ sau khi Washington lên tiếng lấy làm tiếc về sự cố.

LÂM HOÀNG (t/h)

/gian-lan-thi-cu-hoa-binh-can-nhin-nhan-xem-xet-lai-tu-cach-giao-duc-mot-cach-dung-dan.html
/truong-hop-nao-duoc-hoan-thi-hanh-an-tu-hinh.html