Mỹ tạm ngừng tài trợ cho WHO, kinh tế Anh có thể rơi vào suy thoái sâu nhất trong 300 năm

14/04/2020 23:15 | 4 năm trước

(LSO) – Tính đến 09h, ngày 15/4, tổng số ca nhiễm trên thế giới hiện tại lên tới gần 2 triệu ca nhiễm, số ca tử vong ngày càng tăng đột biến và hiện tại đã lên tới 126.604 ca, trong đó đã có 478.659 ca được chữa khỏi.  

Tổng thống Donald Trump tuyên bố tạm ngừng tài trợ cho WHO

Ngày 14/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chỉ thị tạm ngừng tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) do cách tổ chức này xử lý đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 của tổ chức này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump cho biết WHO đã “thất bại trong chính nhiệm vụ cơ bản của mình và cần phải chịu trách nhiệm”.

Được biết, Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thường xuyên chỉ trích WHO đã quá tin tưởng vào thông tin do Bắc Kinh cung cấp sau khi virus SARS CoV-2 xuất hiện vào cuối năm ngoái tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc.

Cùng ngày 14/4, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres lại đưa ra ý kiến cho rằng đây "không phải lúc" để cắt giảm các nguồn tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ ngừng tài trợ cho tổ chức này vì quản lý kém và che giấu thông tin dịch Covid-19.

Tổng Thư ký LHQ nhận định lúc này không phải lúc cắt giảm tài trợ cho WHO.

Ông Guterres nói thêm rằng "bây giờ là lúc phải đoàn kết và cộng đồng thế giới phải chung tay làm việc để ngăn chặn virus corona cũng như các hậu quả của dịch bệnh", theo Reuters.

Mỹ vượt ngưỡng 600.000 ca mắc Covid-19, hơn 25.000 người tử vong

Tính đến 09h, sáng ngày 15/4, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn nước Mỹ đã lên tới 605.193 người, trong đó có 25.757 ca tử vong, 47.763 bệnh nhân đã bình phục và 12.828 ca đang trong tình trạng nguy kịch.

Được biết, ngày 14/4, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo nói rằng ông sẽ từ chối bất kỳ mệnh lệnh nào của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc mở cửa trở lại nền kinh tế trước khi tình hình đủ an toàn để thực hiện điều này mà không gây ra nguy cơ khiến dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 bùng phát trở lại.

Mỹ vượt ngưỡng 600.000 ca mắc Covid-19, hơn 25.000 người tử vong. Ảnh: TTXVN-VNA.

Ông cho rằng bất kỳ việc mở cửa trở lại nào phải diễn ra theo từng giai đoạn và mất vài tháng để hoàn thành. Xét nghiệm rộng rãi là chìa khóa để khởi động lại nền kinh tế thành công.

Trước đó hôm 13/4, ông Cuomo cùng với thống đốc của 6 bang khu vực Đông Bắc nước Mỹ nói rằng họ sẽ xây dựng một kế hoạch khu vực để từng bước dỡ bỏ các hạn chế giãn cách xã hội.

Các quan chức y tế cho rằng việc đóng cửa nền kinh tế đã làm chậm lại tốc độ lây lan của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh Covid-19 tại New York.

Kinh tế Anh có thể rơi vào suy thoái sâu nhất trong 300 năm

Ngày 14/4, Cơ quan dự báo ngân sách của Anh cho biết kinh tế Anh có thể giảm tới 13% trong năm 2020 do các biện pháp phong tỏa hiện nay của chính phủ để chống dịch Covid-19.

Đây sẽ là mức suy thoái sâu nhất của Anh trong 3 thế kỷ và dự kiến mức nợ công sẽ vượt quá mức cao của giai đoạn hậu Thế chiến thứ 2.

Theo Văn phòng Trách nhiệm ngân sách Anh (OBR), chỉ tính riêng trong quý 2/2020, sản lượng kinh tế nước này có thể giảm tới 35%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng hơn gấp đôi, lên mức 10%. Tuy nhiên, sự bật nảy có thể trở lại vào cuối năm nay nếu các biện pháp phong tỏa nhằm làm chậm sự lây lan của dịch được dỡ bỏ.

Mặc dù vậy, OBR nhấn mạnh đây không phải dự báo chính thức, do thiếu sự rõ ràng về thời gian phong tỏa của chính quyền vốn được dự kiến có thể kéo dài tới 3 tháng, tiếp đó là việc dỡ bỏ 1 phần trong 3 tháng nữa.

Trung Quốc giảm ca nhiễm, Mexico và Panama thêm hàng trăm ca

Trung Quốc ngày 15/4 thông báo có thêm 46 ca mắc Covid-19 mới trong ngày 14/4, giảm gần một nửa so với 89 ca của ngày trước đó. Trong số các ca mới, 36 ca có nguồn gốc từ nước ngoài, theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc.

Bộ Y tế Mexico cho biết nước này đã ghi nhận tổng số ca nhiễm Covid-19 mới trên toàn quốc đã lên đến 5.014 ca và 332 ca tử vong.

Trong khi đó Panama xác nhận tổng số ca nhiễm tại nước này trong ngày 14/4 đã lên đến 3.472 ca, trong đó có 94 ca tử vong.

WHO vẫn coi dịch Ebola tại CHDC Congo là tình trạng khẩn cấp toàn cầu

Ngày 14/4,  tại Bắc Phi, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đã gia hạn tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với dịch Ebola tại Cộng hòa dân chủ Congo sau khi phát hiện trường hợp nhiễm bệnh mới.

Thông báo của WHO được đưa ra chỉ 4 ngày sau khi Bộ Y tế quốc gia Trung Phi này ghi nhận trường hợp nhiễm mới và đã tử vong vì virus Ebola tại thành phố Beni, tỉnh Bắc Kivu hôm 10/4.

WHO vẫn coi dịch Ebola tại CHDC Congo là tình trạng khẩn cấp toàn cầu.

Sau đó, một phụ nữ trẻ đang điều trị Ebola cũng đã tử vong ngày 12/4.

Ủy ban khẩn cấp của WHO xác định mặc dù vào thời điểm hiện tại, virus Ebola có nguy cơ lây lan thấp trên phạm vi quốc tế, nhưng dịch bệnh này vẫn là một trường hợp khẩn cấp về y tế công cộng và cần có sự phối hợp, hỗ trợ quốc tế để đối phó hiệu quả, ngăn ngừa dịch tái phát.

Kể từ khi công bố bùng phát hồi tháng 7/2018, đợt dịch Ebola thứ 10 tại Cộng hòa dân chủ Congo đã khiến 3.453 người nhiễm bệnh và 2.276 ca tử vong. Hiện nay, Cộng hòa dân chủ Congo hiện đang phải đối mặt với tình trạng dịch bệnh kép.

Ngoài Ebola, dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 cũng đang diễn biến phức tạp tại nước này, với 241 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó 20 người đã tử vong.

Tình trạng khó khăn về kinh tế, cơ sở hạ tầng thiếu hụt, hệ thống y tế nghèo nàn và tình trạng xung đột tại nhiều khu vực có dịch bùng phát đã cản trở những nỗ lực của cơ quan chức năng Cộng hòa dân chủ Congo và cộng đồng quốc tế trong đối phó với các dịch bệnh tại nước này.

Lâm Hoàng (t/h)

Từ khoá : WHO Anh Mỹ tài trợ