Người dân có thể nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến trên toàn quốc từ ngày mai

30/06/2020 06:48 | 3 năm trước

(LSO) - Một trong những dịch vụ công trên Cổng DVCQG được người dân doanh nghiệp quan tâm sau khi thí điểm từ tháng 3/2020 trên tại 5 địa phương (Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Bình Thuận) là dịch vụ nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì từ ngày mai (01/7) sẽ được triển khai trên phạm vi toàn quốc.

Ảnh minh họa.

Ngày 01/7, Văn phòng Chính phủ sẽ tổ chức cuộc họp báo công bố dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG), giới thiệu về các dịch vụ công và lợi ích mang lại cho người dân và doanh nghiệp. Theo đó, sáu dịch vụ công sẽ tiếp tục được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia từ ngày mai bao gồm dịch vụ nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Cụ thể, 6 dịch vụ công chuẩn bị được tích hợp trên Cổng DVCQG bao gồm:

- Chứng thực bản sao từ bản chính;

- Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện;

- Gia hạn thẻ bảo hiểm y tế;

- Cấp đổi giấy phép lái xe cấp độ 4;

- Nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của cảnh sát giao thông (phạm vi toàn quốc);

- Nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của thanh tra giao thông.

Trước đó, vào tháng 02/2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG đối với thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (thuộc thẩm quyền xử phạt của cảnh sát giao thông). Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (thuộc thẩm quyền xử phạt của thanh tra giao thông) trên Cổng DVCQG.

Một trong những dịch vụ công trên Cổng DVCQG được người dân doanh nghiệp quan tâm sau khi thí điểm từ tháng 3/2020 trên tại 5 địa phương (Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Bình Thuận) là dịch vụ nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì từ 01/7 sẽ được triển khai trên phạm vi toàn quốc.

Để việc nộp phạt trực tuyến lĩnh vực giao thông đường bộ được triển khai thực hiện toàn quốc trước 30/6, tại các cuộc họp triển khai nhiệm vụ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã đề nghị các bộ, cơ quan cần quyết tâm thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục đẩy mạnh dịch vụ công trên Cổng DVCQG, đẩy mạnh thanh toán trực tuyến, hạn chế dùng tiền mặt.

Cục Cảnh sát giao thông đường bộ cho biết trong thời gian qua, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, Tập đoàn VNPT, các ngân hàng thương mại thống nhất các phương án, mẫu biên lai, chứng từ điện tử và tiến hành thử nghiệm dịch vụ thu phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ tích hợp trên Cổng DVCQG. Cục Cảnh sát giao thông cũng hoàn thiện dữ liệu thông tin để đến 01/7, triển khai đồng bộ và hoàn thiện phần mềm của xử phạt, thực hiện đồng bộ đến các Phòng cảnh sát giao thông của 63 tỉnh/thành phố.

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan cho biết, ý kiến dư luận xã hội hiện rất quan tâm đến tình hình, kết quả thực hiện thanh toán trực tuyến đối với nộp phạt xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ sau khi thực hiện thí điểm tại 5 địa phương. Các đơn vị đã tiến hành đánh giá thực hiện thí điểm, khắc phục những hạn chế còn tồn tại để sẵn sàng triển khai toàn quốc từ tháng 7.

Các cơ quan chức năng liên quan đã thống nhất luồng quy trình nghiệp vụ; nội dung thông tin tích hợp, chia sẻ dữ liệu 2 chiều giữa cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính với Cổng DVCQG để phục vụ cho việc thanh toán trực tuyến tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Được khai trương ngày 09/12/2019, từ 8 nhóm dịch vụ công được cung cấp tại thời điểm khai trương, đến nay trên Cổng DVCQG đã tích hợp, cung cấp 725 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 235 dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp.

Qua tài khoản Cổng DVCQG, các doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục tại tất cả các bộ, ngành, địa phương và thực hiện thanh toán trực tuyến các nghĩa vụ tài chính liên quan. Cùng với việc thúc đẩy thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử, ưu điểm rất lớn của việc nộp hồ sơ hoặc thực hiện các thủ tục hành chính thông qua Cổng DVCQG là tạo thêm kênh giám sát việc thực hiện, bảo đảm tính minh bạch. Quá trình giải quyết được thông tin tới các doanh nghiệp, đồng thời, Văn phòng Chính phủ cũng đồng hành đôn đốc, theo dõi và chấn chỉnh kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong việc giải quyết.

LSO (t/h)

/tang-cuong-kiem-sat-thi-hanh-an-dan-su-ve-thu-hoi-tai-san-bi-that-thoat-chiem-doat-trong-cac-vu-an-hinh-su-ve-tham-nhung-kinh-te.html