Người quay clip cô gái đến ‘ATM gạo’ bị từ chối, xử lý pháp luật như thế nào?

21/04/2020 04:55 | 3 năm trước

(LSO) - Được biết, H. là cô gái áo đen đến "ATM gạo" nhưng bị từ chối. Sau khi đi về thì xuất hiện một clip bêu rếu được đăng tải lên mạng xã hội với nhiều bình luận ác ý, nhận biết được hoàn cảnh của H. nhiều người đã tìm đến giúp đỡ nhưng cô chỉ nhận đủ dùng và "xin mọi người giúp hoàn cảnh khác".

H. và bạn cùng nhà nói chuyện với người giúp đỡ mình. Ảnh: Trịnh Thanh

Thời gian gần đây, một clip ghi lại hình ảnh thanh niên áo đen đến nhận gạo ở "ATM gạo" trên đường Vườn Lài (Q.Tân Phú, TP. HCM). Mặc dù đã lấy sẵn bịch ni lông và đứng xếp hàng. Nhưng thanh niên này vẫn bị từ chối và mời ra khỏi khu vực máy phát gạo.

Clip ghi lại cảnh này, kèm lời dẫn hiện trường tính áp đặt: "có rất nhiều người như vậy cố tình đến nhận gạo". Sau đó, clip này đã được chia sẻ khủng khiếp trên mạng xã hội. 

Hoàn cảnh khó khăn, đi nhận gạo thì bị đuổi về

Được biết, người xuất hiện trong clip trên là T.T.N.H. (15 tuổi) đang ở trọ cùng bạn tại Q. Bình Tân, TP.HCM. Gặp H. ngoài đời không ít người bất ngờ khi biết em là con gái và tuổi còn rất trẻ. Clip đăng tải trên mạng và có nhiều bình luận ác ý khiến H. trông phờ phạc và mệt mỏi nhiều.

Ngày 12/4, khi H. đi câu cá cùng một anh đồng nghiệp thì có biết được có chỗ phát gạo miễn phí rồi chở H. đến lấy. Tuy nhiên, khi xếp hàng vào nhận thì có loa thông báo mời H. ra ngoài và từ chối phát gạo, sau đó thì em ra về.

Không lâu sau đó, clip này nhanh chóng thu hút sự quan tâm và ý kiến trái chiều từ cư dân mạng. Có người cho rằng, việc thanh niên đến nhận gạo là không đúng vì còn trẻ và khỏe mạnh. Một số khác lại bày tỏ quan điểm việc từ chối phát gạo quá máy móc và chưa hiểu rõ câu chuyện phía sau.

Đỉnh điểm của câu chuyện là sự lên án các YouTuber quay clip cố tình áp đặt, thiếu kiểm chứng khiến hậu quả là: thanh niên áo đen nói trên phải gánh chịu mọi lời xỉ vả nhưng thực chất thì hoàn cảnh em cũng khó khăn mới tìm đến nơi phát gạo.

Được biết, H. quê ở An Giang. Cha mẹ ly hôn, em về ở với cha (người cha hiện đang làm việc tại Bà Rịa - Vũng Tàu). Nhưng vì một vài khúc mắc, H. quyết định lên Sài Gòn kiếm công việc tự nuôi sống bản thân. Thời điểm dịch bệnh bùng phát và có lệnh cách ly, cuộc sống của mấy chị em trong phòng gặp nhiều khó khăn. Công việc tại xưởng giày dép tư nhân không đều nên đồng lương bấp bênh. H. đến "ATM gạo" với mong muốn giản đơn như bao người đang gặp khó khăn khác là nhận một ít gạo về trang trải bữa ăn.

Sau khi nhận được thông tin của H., nhiều người dân đã đến tặng gạo, mì gói, sữa và nhiều loại thực phẩm khác, có người còn hỏi số tài khoản ngân hàng để chuyển tiền. Nhưng việc quá nhiều người giúp đỡ, đến thăm hỏi khiến H. có phần khó xử nên đã nhận vừa đủ và xin mọi người giúp đỡ cho những hoàn cảnh khác.

Xử lý pháp luật với đối tượng quay clip tung lên mạng xã hội
Cụ thể, tại Điều 101 Nghị định quy định rõ ràng, cụ thể các mức phạt khi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội.
 
Người sử dụng mạng xã hội Facebook có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
 
– Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
 
– Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
 
– Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;
 
– Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;
 
– Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;
 
– Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm;
 
– Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia;
 
– Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.
 
Đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
 
Mức phạt nêu trên chỉ áp dụng với tổ chức. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm tương tự, mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt đối với tổ chức.
 
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.
 

LÂM HOÀNG (t/h)

Từ khoá : xử phạt ATM gạo