Những cáo buộc tình báo 5 nước nhắm vào Trung Quốc

04/05/2020 21:14 | 3 năm trước

(LSO) - Tính đến 10h30 ngày 5/5, tổng số ca nhiễm trên thế giới đã hơn 3,6 triệu ca nhiễm, trong đó số ca tử vong là 251.960 ca, số ca được công bố chữa khỏi là 1.195.059 ca.

Những cáo buộc tình báo 5 nước nhắm vào Trung Quốc

Nhà virus học Thạch Chính Lệ tại một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán năm 2017. Ảnh: AFP.

Khi công bố tài liệu 15 trang của liên minh tình báo Ngũ Nhãn, báo Australia Daily Telegraph mô tả nó như một "quả bom".

Ngũ Nhãn (Five Eyes), liên minh tình báo 5 nước Mỹ, Anh, Australia, New Zealand và Canada, cáo buộc Trung Quốc che đậy thông tin về virus bằng cách bác bỏ khả năng nCoV lây từ người sang người, "bịt miệng" các bác sĩ cảnh báo sớm, xóa bằng chứng trong phòng thí nghiệm và không chịu cung cấp mẫu sinh phẩm cho các nhà khoa học quốc tế nghiên cứu vaccine.  

Tài liệu được báo Australia công bố hôm 2/5 nhắc đến công việc của Thạch Chính Lệ, nhà nghiên cứu hàng đầu của Viện Virus học Vũ Hán (WIV). Năm 2013, bà Thạch và các đồng sự thu thập mẫu phân dơi móng ngựa từ một hang động ở tỉnh Vân Nam và sau này phát hiện nó chứa virus giống nCoV tới 96,2%.  

Nhóm này từng tổng hợp ra một virus corona mới giống SARS, để phân tích xem nó có thể truyền từ dơi sang động vật có vú khác hay không.Nghiên cứu được thực hiện cùng với Đại học Bắc Carolina tháng 11/2015 kết luận rằng virus có thể truyền trực tiếp từ dơi sang người và không có cách điều trị.

Nghiên cứu thừa nhận độ nguy hiểm của công việc họ tiến hành. Họ cho biết "để đánh giá khả năng lây sang người của virus corona từ dơi, họ đã tạo ra một loại virus corona mới từ trình tự gene được phân lập từ dơi móng ngựa Trung Quốc".

Một trong những đồng tác giả với bà Thạch, giáo sư Ralph Baric từ Đại học Bắc Carolina, nói trong cuộc phỏng vấn với Science Daily vào thời điểm đó: "Virus này rất dễ gây bệnh. Cả phác đồ điều trị đã được sử dụng để đối phó SARS năm 2002 lẫn thuốc ZMapp chống Ebola đều không thể vô hiệu hóa được nó".

Tháng 3/2019, bà Thạch và các đồng sự công bố một đánh giá có tiêu đề "virus corona trong loài dơi ở Trung Quốc" trên tạp chí y khoa Viruses, viết rằng họ nhắm đến mục tiêu "dự đoán các điểm nóng virus và nguy cơ lây truyền giữa các loài". "Rất có khả năng dịch virus corona giống SARS hoặc MERS trong tương lai sẽ bắt nguồn từ dơi, và nhiều khả năng xảy ra ở Trung Quốc", đánh giá có đoạn viết.

Mỹ đã dừng tài trợ cho các thí nghiệm gây tranh cãi có nguy cơ làm lây lan virus nguy hiểm vào tháng 10/2014, lo ngại nó có thể dẫn đến đại dịch toàn cầu. Tuy nhiên, họ nối lại tài trợ vào tháng 12/2017. Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối Thịnh vượng chung Australia (CSIRO) tiếp tục phối hợp và tài trợ cho WIV. WIV vẫn liệt kê CSIRO là đối tác trong khi Mỹ đã cắt quan hệ với phòng thí nghiệm này kể từ khi Covid-19 bùng phát.  

WIV đang là tâm điểm của nhiều nghi ngờ. Tổng thống Mỹ Donald Trump và các quan chức Mỹ đang thúc đẩy giả thuyết nCoV đã bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm này.

Ngày 1/5, Cộng đồng Tình báo Mỹ bác bỏ giả thuyết nCoV là virus nhân tạo hoặc bị biến đổi gene, song cho biết họ đang xem xét khả năng nCoV thoát ra ngoài "sau một sự cố tại phòng thí nghiệm ở Vũ Hán". Giới chuyên gia đánh giá khả năng này khó xảy ra nhưng không phải không thể. Trong khi đó, Trung Quốc bác bỏ nghi vấn.  

Daily Telegraph chú ý đến việc Hoàng Diễm Linh (Huang Yan Ling), nhà nghiên cứu tại WIV, "biến mất". Có những tin đồn trên mạng xã hội Trung Quốc rằng bà là người đầu tiên được chẩn đoán nhiễm nCoV và là "bệnh nhân số 0". Tiểu sử và ảnh của bà đã bị xóa khỏi trang web của WIV.  

Ngày 16/2, Viện Virus học Vũ Hán bác bỏ thông tin Hoàng Diễm Linh là "bệnh nhân số 0", nói rằng bà vẫn sống và khỏe mạnh, nhưng không đưa ra bằng chứng.

Ngày 6/12/2019, 5 ngày sau khi một người đàn ông liên quan đến chợ hải sản Hoa Nam Vũ Hán có triệu chứng giống viêm phổi, vợ anh ta cũng mắc bệnh, cho thấy có dấu hiệu virus lây từ người sang người.

Ngày 31/12/2019, giới chức Trung Quốc bắt đầu kiểm duyệt tin tức về virus trên các công cụ tìm kiếm của nước này, xóa các thuật ngữ bao gồm "biến thể SARS", "chợ hải sản Vũ Hán" và "viêm phổi Vũ Hán bí ẩn".

Ngày 1/1/2020, giới chức Vũ Hán đóng cửa và khử trùng chợ hải sản Hoa Nam, dù chưa tiến hành bất kỳ cuộc điều tra nào về nguồn gốc virus. New York Times đưa tin rằng Trung Quốc không lấy mẫu từ động vật hay chuồng nhốt tại đây và đánh giá đây là hành vi "xóa sạch bằng chứng".

Ủy ban Y tế Hồ Bắc ngày 2/1 ra lệnh cho các công ty nghiên cứu gene ngừng thử nghiệm virus mới và tiêu hủy tất cả các mẫu sinh phẩm. Một ngày sau, Ủy ban Y tế Quốc gia yêu cầu tiêu hủy hoặc chuyển các mẫu bệnh phẩm nCoV đến một số cơ sở xét nghiệm được chỉ định, đồng thời ra chỉ thị không công bố thông tin về dịch. Các bác sĩ lên tiếng về loại virus mới, như Lý Văn Lượng, bị khiển trách và bị coi là "lan truyền tin đồn thất thiệt".

Ngày 10/1, quan chức Trung Quốc nói rằng dịch "đã được kiểm soát" và người nhiễm chỉ có "triệu chứng nhẹ". Hôm sau, một phòng thí nghiệm ở Thượng Hải chia sẻ trình tự gene với thế giới, nhưng nó bị đóng cửa một ngày sau đó với lý do "sửa chữa".

WHO: Mỹ chưa gửi bằng chứng, tuyên bố về nguồn gốc Covid-19 là 'suy đoán'

Giám đốc điều hành Chương trình các tình trạng khẩn cấp y tế của WHO, ông Michael Ryan. Ảnh: GETTY

Ngày 4/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nói rằng Mỹ vẫn chưa cung cấp cho tổ chức này bằng chứng nào để chứng minh những tuyên bố "mang tính suy đoán" của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng virus corona chủng mới bắt nguồn từ bên trong một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán (Trung Quốc).

"Chúng tôi không nhận được bất kỳ dữ liệu hay bằng chứng cụ thể nào từ chính phủ Mỹ liên quan tới nguồn gốc của virus corona chủng mới. Do đó, theo quan điểm của chúng tôi, điều này vẫn mang tính suy đoán"  giám đốc điều hành Chương trình các tình trạng khẩn cấp y tế của WHO, ông Michael Ryan nói.

Theo Hãng tin AFP, các nhà khoa học tin rằng virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) lây từ động vật sang người, xuất hiện ở Trung Quốc vào cuối năm 2019, có thể là từ một chợ hải sản ở Vũ Hán.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump tuần trước tuyên bố "đã thấy bằng chứng" cho thấy con virus bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Nhà lãnh đạo Mỹ gần đây ngày càng chỉ trích Trung Quốc về cách xử lý đại dịch trong giai đoạn bùng phát đầu tiên.

Ngày 3/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng tuyên bố có "bằng chứng lớn" ủng hộ tuyên bố đó. Tuy nhiên, phía Trung Quốc luôn kịch liệt bác bỏ thông tin từ phía Mỹ.

"Như bất kỳ tổ chức nào hoạt động phải dựa theo chứng cớ, chúng tôi sẽ sẵn sàng tiếp nhận bất kỳ thông tin nào nói về nguồn gốc của virus" ông Ryan nói, đồng thời nhấn mạnh đây là "một mẩu thông tin y tế rất quan trọng" cho tương lai.

Ông nói thêm: "Nếu dữ liệu và bằng chứng đã có, thì sẽ do chính phủ Mỹ quyết định liệu có chia sẻ hay không và khi nào mới chia sẻ. Nhưng thật khó để WHO hoạt động trong một "khoảng trống thông tin" liên quan tới điều đó".

Châu Âu bắt đầu hạ nhiệt với Covid-19

Một phụ nữ và một đứa trẻ xuất hiện trên bãi biển ở Naples, Italy ngày 4/5 khi nước Italy bắt đầu dần kết thúc tình trạng phong tỏa theo giai đoạn. Ảnh: REUTERS

Tại Rome, trải qua 55 ngày phong tỏa trên toàn quốc, ngày 4/5, Italy chính thức bước vào giai đoạn 2 tình trạng khẩn cấp dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, giai đoạn sống chung cùng virus SARS-CoV-2.

Giai đoạn 2 của tình trạng khẩn cấp tại nước này là giai đoạn sống chung cùng virus, do đó, Thủ tướng Conte khuyến cáo người dân Italy cần hợp tác nhiều hơn nữa, ý thức công dân và tuân thủ các nguyên tắc trong ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm.

Theo sắc lệnh mới, từ ngày 4/5, người dân Italy có thể di chuyển trong cùng khu vực sinh sống, song vẫn không được phép di chuyển tới các vùng khác ngoại trừ lý do khẩn cấp về sức khỏe hoặc công việc. Các công viên được phép mở cửa trở lại. Các đám tang có thể được tổ chức nhưng tối đa 15 người tham dự.

Tất cả các hoạt động tụ tập đông người nơi công cộng và cá nhân đều bị cấm. Yêu cầu đeo khẩu trang là bắt buộc trên các phương tiện giao thông công cộng, các cửa hàng, công sở và duy trì khoảng cách an toàn. Sắc lệnh mới cũng nêu rõ trường học sẽ mở cửa trở lại vào tháng Chín tới.

Tại Pháp, tính đến tối ngày 4/5, số ca tử vong vì dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tại Pháp đã lên tới 168.925 người.

Ngày 4/5, phát biểu sau Hội nghị các nhà tài trợ cho sáng kiến toàn cầu về chẩn đoán y tế, Tổng thống Emmanuel Macron đã kêu gọi người dân Pháp tiếp cận các biện pháp dỡ bỏ phong tỏa với "sự bình tĩnh, thực tế và thiện chí," trong khi đánh giá rằng đó chỉ là “một giai đoạn” trong cuộc chiến chống lại Covid-19.

Ông khẳng định "hiểu hết tất cả sự lo lắng" đặc biệt là việc mở lại trường học, và cho biết các biện pháp chi tiết sẽ được chính phủ công bố vào ngày 7/5 tới.

Tối cùng ngày, với 81 phiếu thuận, 89 phiếu chống và 174 phiếu trắng. Thượng viện Pháp đã bác bỏ kế hoạch dỡ bỏ phong tỏa của chính phủ.

Các thượng nghị sỹ đã đề nghị chính phủ xem xét lại nhiều biện pháp đang gây tranh cãi trong dư luận, nhất là bảo đảm an toàn trong việc mở cửa lại trường học. Kế hoạch dỡ bỏ phong tỏa của chính phủ cũng đã được Hạ viện thông qua 6 ngày trước đó.

Tại Đức, các nhà lãnh đạo Đức ngày 4/5 đã cảnh báo về hành động quá vội vàng trong việc mở cửa biên giới ở châu Âu trong bối cảnh số liệu mới nhất cho thấy số ca lây nhiễm mới ở châu Âu chưa có dấu hiệu suy giảm rõ rệt.

Bộ trưởng Nội vụ liên bang Đức Horst Seehofer cho biết Berlin đã quyết định kéo dài lệnh kiểm soát biên giới với Áo, Thụy Sĩ, Pháp, Luxemburg và Đan Mạch cho tới ngày 15/5 và sau đó các hạn chế sẽ dẫn được nới lỏng.

Các quy định liên quan tới các chuyến bay từ Tây Ban Nha và Italy cũng sẽ được tiếp tục gia hạn. Bộ trưởng Seehofer cảnh báo việc mở cửa quá vội vàng biên giới giữa Áo và Đức, nhấn mạnh chừng nào dịch Covid-19 còn hoành hành, Đức sẽ vẫn phải hạn chế kế hoạch đi lại.

Những tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Áo và Cộng hòa Séc muốn nhanh chóng dỡ bỏ lệnh đóng cửa biên giới nhằm cứu vãn ngành du lịch đang gặp khó khăn. Người Đức nằm trong nhóm du khách quan trọng nhất của Áo.

LÂM HOÀNG (t/h)

/thiet-bi-y-te-cap-cang-13-ti-ve-den-benh-vien-40-ti-dong.html
/19-ngay-viet-nam-khong-co-ca-mac-covid-19-moi-trong-cong-dong-ca-tu-vong-o-new-york-giam-manh.html
Từ khoá : Covid-19 thế giới