(LSVN) – Có thể nói, Luật sư là bác sĩ pháp lý của xã hội nói chung, của mỗi cá nhân, tổ chức nói riêng. Điều này đã được thực tế xã hội chứng minh với nhu cầu pháp lý ngày càng gia tăng không chỉ giới hạn trong hoạt động tố tụng mà kể cả trong lĩnh vực tư vấn pháp lý, đặc biệt trong giai đoạn mới các mối quan hệ xã hội phát triển ngày càng phong phú và phức tạp.
Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng Luật sư Interla.
Pháp luật Việt Nam công nhận tại Điều 3 Luật Luật sư năm 2006 sửa đổi đổ sung năm 2012: “Hoạt động nghề nghiệp của Luật sư góp phần bảo vệ công lý, phát triển kinh tế và xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” và Chính phủ cũng đã đề ra chính sách phát triển nghề Luật sư như “Chiến lược phát triển nghề Luật sư đến năm 2020” theo tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Tuy nhiên, hiện nay, so với mục tiêu có được 18.000 Luật sư trong việc phát triển đội ngũ Luật sư ở nước ta có thể nói là chưa đạt. Theo kết quả thống kê của Hội nghị Tổng kết tổ chức hoạt động năm 2020 và phương hướng hoạt động năm 2021 của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, tính đến cuối năm 2020, Luật sư thành viên liên đoàn có tổng số lượng 15.107 người; tỷ lệ số lượng Luật sư trên số dân của Việt Nam xấp xỉ 1 Luật sư/15.000 người; tỷ lệ Luật sư trên số lượng cử nhân luật mới ra trường trong năm là 1.248/98.000 sinh viên [1].
Với vai trò và vị trí đáng có của nghề Luật sư trong xã hội, việc số người lựa chọn theo đuổi và sống bằng nghề Luật sư ở Việt Nam còn hạn chế như vậy không thể không xét đến những khó khăn luôn tiềm ẩn trong quá trình Luật sư hành nghề. Những khó khăn này có thể đến từ đặc tính của nghề luật là phải tiếp xúc với mọi tầng lớp trong xã hội và vấn đề phải xử lý luôn ít hay nhiều có khả năng chạm vào lằn ranh của pháp luật. Có thể kể đến những khó khăn mà Luật sư dễ gặp phải trong quá trình hành nghề như sau:
Khó khăn khi làm việc với khách hàng
Tham gia tố tụng một vụ án mà quá trình xét xử diễn ra trong nhiều năm
Theo Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, một vụ án dân sự tối đa sẽ có 06 tháng để chuẩn bị cho việc xét xử. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng pháp luật không hề như Luật định, có những vụ án được “ngâm” hồ sơ hàng chục năm, được các tòa án “đá trách nhiệm” qua lại khiến người dân gặp rất nhiều rắc rối như vụ tranh chấp tác quyền vụ kiện “Thần Đồng Đất Việt”. Thậm chí kể cả vụ án được giải quyết theo trình tự đúng pháp luật, nếu vụ án Luật sư nhận bảo vệ hay bào chữa thuộc trường hợp cá biệt phải đi qua thủ tục xét xử sơ thẩm, thủ tục xét xử phúc thẩm, thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm mà vẫn chưa ngã ngũ, có khả năng cao vụ án sẽ được trả về cho Tòa án cấp sơ thẩm tiến hành giải quyết xét xử lại từ đầu.
Vì vậy, thời gian công sức của khách hàng cũng như Luật sư phải đầu tư vào việc theo đuổi vụ án là rất lớn, vừa lâu dài vừa mỏi mệt. Thậm chí, nếu Luật sư không thể tự dự đoán nguy cơ này ngay từ giai đoạn thương lượng, thỏa thuận, ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng, ví dụ nội dung hợp đồng là Luật sư tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích của khách hành với thù lao mà không xác định thời điểm kết thúc xác định, công sức theo đuổi vụ án sau nhiều năm của Luật sư có thể không được khách hàng công nhận vì điều này không nằm trong hợp đồng ban đầu. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của Luật sư.
Có thể phải chịu kỷ luật khi tham gia giao dịch dân sự với khách hàng
Luật sư là một ngành nghề đặc biệt, không chỉ phải tuân thủ theo pháp luật nói chung mà Luật sư còn phải tuân theo sự quản lý của Đoàn Luật sư. Theo nhóm quy tắc số 9 tại Mục 1 Chương II Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam, trong mối quan hệ với khách hàng, Luật sư không được thực hiện các hành động sau: Nhận, chiếm giữ, sử dụng tiền, tài sản của khách hàng trái với thỏa thuận giữa Luật sư và khách hàng; Gợi ý, đặt điều kiện để khách hàng tặng cho tài sản hoặc lợi ích khác cho Luật sư...; Tạo ra hoặc lợi dụng các tình huống xấu, những thông tin sai sự thật, không đầy đủ hoặc bất lợi cho khách hàng để gây áp lực nhằm tăng mức thù lao đã thỏa thuận hoặc có được lợi ích khác từ khách hàng; Thông tin trực tiếp cho khách hàng hoặc dùng lời lẽ, hành vi ám chỉ để khách hàng biết về mối quan hệ cá nhân của Luật sư với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng... nhằm mục đích gây niềm tin...; Hứa hẹn, cam kết bảo đảm kết quả vụ việc về những nội dung nằm ngoài khả năng, điều kiện thực hiện của Luật sư.
Các quy tắc này nhằm đảm bảo lợi ích của khách hàng nhằm hạn chế cơ hội Luật sư dựa vào chuyên môn và kiến thức pháp lý của mình mà xâm phạm đến lợi ích của khách hàng và làm lợi cho mình. Điều này là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, trong thực tế hành nghề, khi khách hàng nhận thấy hài lòng với chất lượng dịch vụ của Luật sư, khách hàng có thể tự phát tự nguyện thực hiện một hành vi hứa thưởng cho Luật sư.
Hiện nay, chưa có quy định rõ ràng rằng Luật sư chỉ có thể nhận hứa thưởng khi đã hoàn thành nghĩa vụ của mình theo hợp đồng dịch vụ pháp lý hay có thể nhận ngay trong giai đoạn vụ án chưa có kết quả. Tuy nhiên, đã phát sinh thực tế rằng dù hành vi hứa thưởng của khách hàng đối với dịch vụ của Luật sư là được cho phép nhưng khi bị khiếu nại lên Đoàn Luật sư, Luật sư có nguy cơ cao phải chịu các hình thức kỷ luật rất nghiêm khắc. Tự xét, hoạt động hứa thưởng giữa khách hàng và Luật sư nếu xảy ra tranh chấp nên được xử lý như một giao dịch dân sự thay vì một hành vi vi phạm bộ quy tắc đạo đức của Luật sư.
Khó khăn khi làm việc với cơ quan chức năng
Khi tham gia tố tụng, Luật sư sẽ phải tiếp xúc, trao đổi với những người tiến hành tố tụng. Thực chất mối quan hệ này là mối quan hệ giữa Luật sư với những người có thẩm quyền của Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án, cụ thể là Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán. Mối quan hệ này thể hiện đặc thù vừa hợp tác, vừa đấu tranh với nhau. Một số vướng mắc, tranh chấp thường gặp như sau: Cơ quan điều tra thông báo bị can từ chối Luật sư; Điều tra viên, Kiểm sát viên không hợp tác với Luật sư. Những vướng mắc, tranh chấp này có thể cản trở không nhỏ đến kết quả tham gia tổ tụng của Luật sư. Ngoài ra, nếu Luật sư thực hành nghề trong lĩnh vực đại diện cho doanh nghiệp, cơ quan nhà nước mà luạt sư phải làm việc với sẽ không chỉ gói gọn trong các cơ quan tiến hành hành tố tụng mà bao gồm rất nhiều các cơ quan hành chính liên quan.
Các rủi ro, khó khăn mà doanh nghiệp gặp và làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước chủ yếu tập trung ở các vấn đề như về thủ tục, thời hạn cũng như thái độ làm việc của các cán bộ, công chức làm việc tại các cơ quan này.
Cần có cơ chế bảo vệ Luật sư hiệu quả hơn
Như đã nêu ở phần trên, trong mối quan hệ với khách hàng, khi khách hàng cảm thấy Luật sư có hành vi vi phạm bộ quy tắc đạo đức của Luật sư, khách hàng có thể gửi đơn khiếu nại lên Đoàn Luật sư tỉnh/thành phố mà Luật sư đặt trụ sở hành nghề. Theo quy chế giải quyết khiếu nại tố cáo của Đoàn Luật sư nói chung, văn phòng Đoàn Luật sư sẽ tiếp nhận, vào sổ công văn đơn thư gửi đến hoặc lưu lại bằng văn bản khi được trình bày trực tiếp hoặc ghi nhận và xác minh trong trường hợp thông tin được phản ảnh quá báo đài truyền thông. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, tài liệu hồ sơ sẽ được chuyển giao cho Hội đồng Khen thưởng - Kỷ luật. Nếu Đoàn Luật sư có bộ phận hòa giải để hòa giải tranh chấp giữa Luật sư và khách hàng thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, tài liệu hồ sơ sẽ được chuyển giao cho bộ phận hòa giải. Sau khi hòa giải, kết quả hòa giải sẽ được gửi cho Ban Chủ nhiệm.
Nếu Hội đồng Khen thưởng - Kỷ luật là bộ phận quyết định hình thức kỷ luật cho Luật sư khi xác định có hành vi vi phạm thì Ủy ban Bảo vệ quyền lợi Luật sư trực thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ủy ban Bảo vệ) là bộ phận bảo vệ cho Luật sư. Theo thủ tục, khi Luật sư bị xâm phạm quyền lợi khi hành nghề, Luật sư làm đơn lên Đoàn Luật sư hoặc Liên đoàn Luật sư. Sau đó, trong trường hợp Luật sư gửi đơn lên Đoàn Luật sư thì Đoàn Luật sư sẽ ban hành văn bản gửi đến chủ thể xâm phạm. Tuy nhiên, Liên đoàn Luật sư cũng như Đoàn Luật sư chưa có sự thống nhất chung về cách giải quyết.
Trường hợp giao dịch dân sự giữa Luật sư và khách hàng có mâu thuẫn, tâm lý chung khách hàng sẽ khiếu nại, tố cáo lên Đoàn Luật sư chủ quản để xem xét, giải quyết. Hội đồng Khen thưởng - Kỷ luật cần phải xác định phạm vi yêu cầu của người khiếu nại, tố cáo để hướng dẫn giải quyết tranh chấp tại Tòa án nếu thuộc phạm vi thẩm quyền giải quyết theo Bộ luật Tố tụng dân sự.
Có thể nói, nếu so sánh yêu cầu bảo vệ quyền lợi của khách hàng với yêu cầu bảo vệ quyền lợi của Luật sư khi cùng được gửi lên Đoàn Luật sư, các thủ tục và biện pháp giải quyết đối với yêu cầu khiếu nại tố cáo của khách hàng ngắn gọn, trực tiếp và hiệu quả hơn rõ ràng. Bởi vậy, với tư cách là một tổ chức đại diện của cộng đồng Luật sư, Đoàn Luật sư và Liên đoàn Luật sư nên thống nhất về cách giải quyết và có cơ chế bảo vệ Luật sư hiệu quả hơn.
================================ [1] https://www.liendoanluatsu.org.vn/post/hoi-nghi-tong-ket-to-chuc-hoat-dong-nam-2020-va -phuong-huong-hoat-dong-nam-2021 |
Luật sư TRƯƠNG QUỐC HÒE
Trưởng Văn phòng Luật sư Interla