Những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng từ 01/9/2022

29/08/2022 11:00 | 2 năm trước

(LSVN) - Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng (Pháp lệnh) gồm 4 chương, 48 điều sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2022. Trong đó, tại Chương III Pháp lệnh quy định rõ về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Ảnh minh họa.

Về phạm vi điều chỉnh, Pháp lệnh quy định về hành vi cản trở hoạt động tố tụng bị xử phạt vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt; biện pháp khắc phục hậu quả; biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính; thẩm quyền, thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Điều 4 Pháp lệnh nêu rõ, đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng gồm cá nhân, tổ chức quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 5 của Luật Xử lý vi phạm hành chính thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Chương II của Pháp lệnh này.

Phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh quy định các hình thức xử phạt chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng gồm phạt cảnh cáo và phạt tiền; hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính).

Các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Pháp lệnh này, bao gồm:

- 2 biện pháp đã được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính (buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi cản trở hoạt động tố tụng);

- 6 biện pháp khác đã được Chính phủ quy định tại các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực có liên quan (buộc xin lỗi công khai; buộc thu hồi thông tin, tài liệu, dữ liệu, vật có chứa bí mật điều tra; buộc gỡ bỏ thông tin, tài liệu, dữ liệu có chứa bí mật điều tra; buộc thu hồi thông tin sai sự thật; buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật; buộc thu hồi, nộp lại tư liệu, tài liệu, hình ảnh).

Trong đó, tại Chương III Pháp lệnh quy định rõ về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Cụ thể, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng bao gồm:

- Các chức danh có thẩm quyền xử phạt của Tòa án nhân dân (Điều 25), gồm: (1) Thẩm phán chủ tọa phiên tòa; (2) Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện; (3) Chánh tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp tỉnh; (4) Chánh án Tòa án quân sự khu vực; (5) Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh; (6) Chánh tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp cao; (7) Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương.

- Các chức danh có thẩm quyền xử phạt của Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư (các điều từ Điều 26 đến Điều 31), gồm những chức danh trong các cơ quan này có thẩm quyền xử phạt theo Luật Xử lý vi phạm hành chính và có thẩm quyền giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, điều tra hoặc được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp (Điều 32).

Pháp lệnh quy định rõ việc xác định thẩm quyền xử phạt của Tòa án nhân dân, Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp (các điều từ Điều 33 đến Điều 40) theo hướng chỉ rõ đến từng điểm, khoản/hành vi mà từng chủ thể có thẩm quyền xử phạt.

PV

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Pháp lệnh xử phạt hành vi cản trở hoạt động tố tụng