Nộp tiền sử dụng đất đối với đất tái định cư được quy định như thế nào?

26/05/2020 23:06 | 3 năm trước

(LSO) - Gia đình tôi đã sử dụng diện tích đất 180m2 ổn định, lâu dài, không có tranh chấp, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính. Năm 2013, diện tích này bị thu Nhà nước hồi để làm dự án theo quy định. Gia đình tôi đã nhận được tiền đền bù và được cấp diện tích đất 80m2 ở khu tái định cư. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn nên gia đình tôi chưa thanh toán được tiền sử dụng đất đối với đất tái định cư này. Vậy pháp luật quy định như thế nào về việc nộp tiền sử dụng đất đối với đất tái định cư và liệu gia đình tôi có bị phạt nộp chậm không? Bạn đọc Q. N. (Hà Nam).

Hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất mà không có chỗ ở nào khác thì được giao đất ở hoặc nhà ở tái định cư. Nhà ở, đất ở tái định cư được thực hiện theo nhiều cấp nhà, theo nhiều diện tích khác nhau phù hợp với mức bồi thường và khả năng chi trả của người được tái định cư.

Khoản 3 Điều 86 Luật đất đai 2013quy định về việc bố trí tái định cư cho người có đất ở thu hồi mà phải di chuyển chỗ ở. Theo đó, giá đất cụ thể tính thu tiền sử dụng đất tại nơi tái định cư, giá bán nhà ở tái định cư do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Tại Điều 22, Khoản 1 và Khoản 2 Điều 30 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất quy. Việc hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 83 của Luật Đất đai được thực hiện như sau:

- Hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận đất ở, nhà ở tái định cư mà số tiền được bồi thường về đất nhỏ hơn giá trị một suất tái định cư tối thiểu quy định tại Điều 27 của Nghị định này thì được hỗ trợ khoản chênh lệch giữa giá trị suất tái định cư tối thiểu và số tiền được bồi thường về đất.

- Trường hợp hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tự lo chỗ ở thì ngoài việc được bồi thường về đất còn được nhận khoản tiền hỗ trợ tái định cư. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ quy mô diện tích đất ở thu hồi, số nhân khẩu của hộ gia đình và điều kiện cụ thể tại địa phương quy định mức hỗ trợ cho phù hợp."

Tại Điều 30 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP quy định về chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Theo đó, việc trừ khoản tiền chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai vào số tiền được bồi thường quy định tại Khoản 4 Điều 93 của Luật Đất đai được thực hiện theo quy định sau đây:

"a) Khoản tiền chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai bao gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp cho Nhà nước nhưng đến thời điểm thu hồi đất vẫn chưa nộp;

b) Số tiền chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính quy định tại Điểm a Khoản này được xác định theo quy định của pháp luật về thu tiền sử dụng đất; thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

Trường hợp số tiền chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đến thời điểm có quyết định thu hồi đất lớn hơn số tiền được bồi thường, hỗ trợ thì hộ gia đình, cá nhân tiếp tục được ghi nợ số tiền chênh lệch đó; nếu hộ gia đình, cá nhân được bố trí tái định cư thì sau khi trừ số tiền bồi thường, hỗ trợ vào số tiền để được giao đất ở, mua nhà ở tại nơi tái định cư mà số tiền còn lại nhỏ hơn số tiền chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính thì hộ gia đình, cá nhân tiếp tục được ghi nợ số tiền chênh lệch đó;

c) Tiền được bồi thường để trừ vào số tiền chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính gồm tiền được bồi thường về đất, tiền được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại (nếu có). Không trừ các khoản tiền được bồi thường chi phí di chuyển, bồi thường thiệt hại về tài sản, bồi thường do ngừng sản xuất kinh doanh và các khoản tiền được hỗ trợ vào khoản tiền chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai."

Đối với trường hợp bồi thường bằng việc giao đất mới hoặc giao đất ở, nhà ở tái định cư hoặc nhà ở tái định cư, nếu có chênh lệch về giá trị thì phần chênh lệch đó được thanh toán bằng tiền theo quy định sau:

- Trường hợp tiền bồi thường về đất lớn hơn tiền đất ở, nhà ở hoặc tiền nhà ở tại khu tái định cư thì người tái định cư được nhận phần chênh lệch đó;

- Trường hợp tiền bồi thường về đất nhỏ hơn tiền đất ở, nhà ở hoặc tiền nhà ở tái định cư thì người được bố trí tái định cư phải nộp phần chênh lệch, trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 22 của Nghị định này.

Như vậy, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được Thông báo của cơ quan quản lý thuế, người sử dụng đất phải làm đơn xin ghi nợ tiền sử dụng đất hoặc nộp tiền sử dụng đất theo thông báo của cơ quan quản lý thuế. Nếu không làm đơn xin ghi nợ tiền sử dụng đất thì phải nộp tiền sử dụng đất. Nếu không nộp tiền sử dụng đất theo Thông báo thì ngoài việc phải nộp tiền sử dụng đất, còn phải nộp thêm tiền chậm nộp tiền sử dụng đất. Thời điểm tính tiền chậm nộp là kể từ thời điểm hết 90 ngày kể từ ngày nhận Thông báo của cơ quan quản lý thuế.

Căn cứ theo khoản 3 Điều 3 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế 2016 thì số tiền chậm nộp tiền sử dụng đất được tính như sau:

Tiền chậm nộp = 0,03% x số tiền chậm nộp x số ngày chậm nộp.

THANH THANH

/giao-vien-khong-duoc-ep-buoc-hoc-sinh-hoc-them-de-thu-tien.html