Phiên xét xử vụ Dự án KDC Hòa Lân: Bị đơn tố HĐXX vi phạm tố tụng, cố tình kéo dài vụ án

24/08/2020 20:54 | 3 năm trước

(LSO) - Tại phiên xét xử ngày 20/8 vừa qua, TAND quận 7 tiếp tục tạm ngừng phiên tòa khiến cho dự án nghìn tỉ của doanh nghiệp đang có nguy cơ “chết lâm sàng” ngày càng rõ hơn.

Sáng ngày 20/8 vừa qua, phiên tòa liên quan đến Dự án KDC Hòa Lân tiếp tục được đưa ra xét xử. Trước đó, tòa đã tạm hoãn trong một thời gian khá dài.

Trong phiên xét xử ngày 13/8 vừa qua, người đại diện cho bà Hường và bà Châu tiếp tục đề nghị tòa dừng vụ án hoặc tạm đình chỉ, nhưng yêu cầu này đã không được HĐXX chấp nhận.

Phiên tòa xét xử Dự án Hòa Lân.

Như đã đưa tin, nguyên đơn trong vụ án là bà Phạm Thị Hường (bà Hường tự nhận là đã ký hợp đồng mua lại 99% cổ phần của Công ty Thiên Phú từ ông Bùi Thế Sơn); và bà Nguyễn Ngọc Kim Châu (con dâu bà Hường mua 1%).

Trong khi đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có văn bản số 1275/CSKT-P15 đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương chưa thực hiện việc đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đối với Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thiên Phú cho đến khi có ý kiến của cơ quan CSĐT Bộ Công an.

Vì vậy, cho đến thời điểm này, Công ty Thiên Phú vẫn chưa được cấp GCNĐKDN mới. Như vậy, đến nay pháp luật không công nhận hai mẹ con bà Hường là thành viên góp vốn của Công ty Thiên Phú. Việc này phòng Đăng ký kinh doanh Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương đã có văn bản gửi TAND quận 7, khẳng định chưa thực hiện đăng ký thay đổi này cho đến khi có ý kiến mới của CQĐT Bộ Công an. Nghĩa là thương vụ mua bán phần vốn góp chưa hoàn thành, nguyên đơn không có quyền lợi và nghĩa vụ gì tại dự án này thì làm sao lại có thể đi kiện?.

Trong một diễn biến vụ việc khác, bà Hường đang bị C03 Bộ Công an điều tra vì hành vi phân lô bán nền trái phép hàng trăm ngàn mét vuông đất, và có dấu hiệu thâu tóm trái pháp luật hơn nửa triệu mét vuông đất khác.

Vụ kiện liên quan đến Dự án Hòa Lân đã diễn ra hai năm, Bộ Tư pháp đã có kết luận không hề yêu cầu sửa chữa hay hủy bỏ kết quả đấu giá; còn nguyên đơn đã bị Bộ Công an bắt giam và đã xin rút đơn kiện, đề nghị tòa đình chỉ việc thụ lý vụ án theo quy định pháp luật; đề nghị hủy toàn bộ ủy quyền đối với người không có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Tại phiên xét xử ngày 20/8 vừa qua, TAND quận 7 tiếp tục tạm ngừng phiên tòa khiến cho dự án nghìn tỷ của doanh nghiệp đang có nguy cơ “chết lâm sàng” ngày càng rõ hơn.

Trước đó, tại phiên xét xử ngày 13/8, sau khi kết thúc việc hỏi lại, Thẩm phán đề nghị các bên tranh luận. Các bên đương sự cho biết không tranh luận thêm vì đã thực hiện tranh luận đầy đủ trong gần 3 ngày. Theo Điều 261, 262, 264 BLTTDS, sau khi các bên đương sự kết thúc phần hỏi, đến phần phát biểu của KSV kiểm sát phiên tòa; sau đó HĐXX sẽ nghị án. Tuy nhiên, khi các bên khẳng định không còn tranh luận nữa thì Chủ tọa tuyên bố tạm dừng phiên tòa, phiên xử sẽ tiếp tục vào thứ 5 (ngày 20/8) mà không tiến hành trình tự tố tụng gì khác.

Theo Điều 15 BLTTDS, nguyên tắc xét xử là liên tục, trừ thời gian nghỉ cần thiết. Luật quy định việc tạm dừng, tạm hoãn phải có lý do chính đáng.

Theo đại diện bị đơn, nếu kéo dài thời gian sẽ gây thiệt hại cho Công ty cổ phần đầu tư và phát triển địa ốc Kim Oanh TP. HCM - doanh nghiệp mua trúng đấu giá dự án Hòa Lân từ Ngân hàng Agribank. Hiện dự án Hòa Lân chưa thể triển khai vì trước đó Thẩm phán TAND quận 7 bà Lê Thị Phơ tùy tiện áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cấm chuyển dịch với tài sản đang tranh chấp”, khiến cho dự án nghìn tỷ đang đứng trước nguy cơ “chết đứng”.

Trong phiên xét xử ngày 20/8, khi các bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là Công ty cổ phần dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn, ngân hàng Agribank, Tập đoàn Kim Oanh, văn phòng công chứng có mặt đông đủ để mong chờ tòa đưa ra một bản án đúng pháp luật thì bất ngờ HĐXX tuyên tạm ngưng phiên xử với thời gian 1 tháng để thu thập thêm một số hồ sơ, chứng cứ theo đề nghị của Viện KSND quận 7.

Mặc dù là bên khởi kiện, cho rằng bị thiệt hại, nhưng khi nghe HĐXX quyết định tạm dừng phiên xử, đại diện nguyên đơn bất ngờ… vỗ tay vui mừng.

Căn cứ để TAND quận 7 tạm ngừng phiên tòa là Văn bản 270/YC-VKS-DS, ký ngày 19/8 do Phó Viện trưởng VKSND quận 7 Nguyễn Thị Xuân Trang ký yêu cầu thu thập, xác minh chứng cứ với các vấn đề.

Theo đó, VKS cho rằng áp dụng khoản 3 Điều 5 Luật Đấu giá 2016: “Đấu giá tài sản là bán tài sản có từ hai người trở lên tham gia đấu giá…”. Đồng thời, căn cứ Nghị định 76/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 quy định chi tiết về một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản về trình tự, thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án do UBND các cấp quyết định việc đầu tư và thẩm định, cho ý kiến về hồ sơ chuyển nhượng toàn bộ hay một phần dự án.

VKS cho rằng, trước khi chuyển nhượng bằng hình thức đấu giá, phải được Sở KH&ĐT, Sở Tài chính, Sở TN&MT, Sở Xây dựng, Cục Thuế… tổ chức thẩm định và báo cáo UBND tỉnh ký ban hành quyết định cho phép chuyển nhượng. Tuy nhiên, hồ sơ chưa thể hiện rõ quyết định của UBND tỉnh Bình Dương. Theo VKS, dự án Hòa Lân có cả diện tích đất Nhà nước giao không thu tiền sử dụng. Việc bán đấu giá, chuyển nhượng phần diện tích đất Nhà nước giao không thu tiền sử dụng chưa được làm rõ ý kiến của UBND tỉnh Bình Dương.

Thứ hai, VKS cho rằng TAND quận 7 chưa có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước có ý kiến về quy định chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của các tổ chức tín dụng được quy định tại Thông tư 11/2011/TT-NHNN. Nguyên đơn tranh chấp về việc tính lãi và thời điểm tính lãi; có yêu cầu giám định, nhưng TAND quận 7 chưa trưng cầu giám định.

Phản đối việc tạm ngưng phiên tòa của HĐXX, bị đơn Nam Sài Gòn đưa ra quan điểm, căn cứ Điều 5, Điều 24 Quyết định 458/QĐ-VKSTC ngày 04/10/2019, thì sau khi đã tiến hành xét xử, VKS tại phiên tòa không có quyền đưa ra yêu cầu xác minh thu thập chứng cứ và việc này phải đưa ra trước khi phiên xét xử diễn ra. Việc VKS đưa ra yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ sau khi các bên đã tranh luận là vi phạm tố tụng về giao nộp chứng cứ được quy định tại Điều 96, 97 BLTTDS và vi phạm chức năng quyền hạn của KSV tại phiên xử.

Dự án KDC Hòa Lân.

Tại phiên tòa, nguyên đơn không đưa ra được chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện về việc tuyên bố “Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá số 01-10/HĐMBTSĐG ngày 1/7/2017” là vô hiệu. Những yêu cầu của VKS là không đúng với nội dung khởi kiện của nguyên đơn.

Phía Công ty Kim Oanh cũng phản đối việc tạm ngừng phiên xử, đại diện Agribank yêu cầu HĐXX nêu lại lý do tạm ngưng để ghi chép chính xác nhằm thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, Chủ tọa phiên tòa, Thẩm phán Lê Thị Phơ nói: “Không giải thích thêm, không có nghĩa vụ trả lời đương sự. Việc HĐXX quyết định tạm dừng để thu thập chứng cứ, hồ sơ cụ thể là làm gì, làm như thế nào sẽ ghi trong quyết định gửi đến các đương sự”.

Bị đơn Nam Sài Gòn nói: “Văn bản trên chứng tỏ VKSND quận 7 đã hiểu sai pháp luật. Vụ đấu giá tài sản này được thực hiện theo Nghị định 17/2010/NĐ-CP và việc ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá được thực hiện theo Luật Đấu giá 2016. VKS viện dẫn Luật Đấu giá 2016 để nói về quá trình đấu giá là không đúng vì thời điểm đấu giá thành dự án Hòa Lân, Luật Đấu giá 2016 chưa có hiệu lực pháp luật (Luật Đấu giá 2016 có hiệu lực từ ngày 01/7/2017).

Dự án Hòa Lân được mua bán theo hình thức đấu giá nên chỉ tuân thủ quy định về đấu giá, không thể áp dụng Luật Kinh doanh bất động sản. Vì Luật Kinh doanh bất động sản quy định về trường hợp chuyển nhượng dự án, một phần dự án không theo phương thức đấu giá. Tôi cho rằng VKSND quận 7 và HĐXX TAND quận 7 đã cố tình vi phạm tố tụng, cố tình kéo dài vụ án, nhằm mục đích thiếu minh bạch nào đó”.

Nhóm PV

/noi-oan-cua-agribank-trong-vu-kien-hoa-lan-da-chiu-thiet-230-ti-dong-con-bi-dieu-tieng-dinh-gia-gay-that-thoat.html