Phối hợp thực hiện trích xuất phạm nhân, học sinh đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử

24/07/2020 17:04 | 3 năm trước

(LSO) - Ngày 17/6/2020, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-BCA-BQP- TANDTC-VKSNDTC quy định về phối hợp thực hiện trích xuất phạm nhân, học sinh đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử.

Ảnh minh họa.

Thông tư liên tịch (TTLT) này gồm 04 chương 18 điều; có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2020.

Theo đó, TTLT số 01 quy định về quan hệ phối hợp trong việc thực hiện trình tự, thủ tục trích xuất phạm nhân ra khỏi trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ; học sinh đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng (sau đây gọi tắt là học sinh) ra khỏi trường giáo dưỡng để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử và chế độ quản lý, giam giữ đối với phạm nhân, học sinh được trích xuất trong thời gian trích xuất.

Thông tư liên tịch quy định cụ thể các trình tự, thủ tục trích xuất, giao nhận và quản lý phạm nhân được trích xuất, trong đó, Khoản 1 Điều 8 TTLT quy định việc phối hợp thực hiện lệnh trích xuất, lệnh gia hạn trích xuất, như sau: Sau khi nhận được lệnh trích xuất phạm nhân, cơ quan nhận phạm nhân được trích xuất phải cử cán bộ mang giấy giới thiệu, giấy chứng nhận Điều tra viên hoặc chứng minh Công an nhân dân, chứng minh sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc Quân đội nhân dân kèm theo lệnh trích xuất đến nơi phạm nhân được trích xuất đang chấp hành án để nhận và áp giải phạm nhân về cơ sở giam giữ theo lệnh trích xuất; trường hợp lệnh trích xuất gửi qua đường cơ yếu thì lệnh đó phải có xác nhận (ký tên, đóng dấu) của Thủ trưởng cơ quan nhận văn bản qua đường cơ yếu hoặc xác nhận của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu.

Bên cạnh đó, Điều 10 TTLT cũng quy định việc cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù cho phạm nhân được trích xuất, như sau: Cơ quan đang quản lý hồ sơ phạm nhân được trích xuất có trách nhiệm thông báo ngày phạm nhân được trích xuất chấp hành xong án phạt tù theo quy định tại Khoản 1 Điều 46 của Luật Thi hành án hình sự và gửi thông báo cho cơ quan nhận phạm nhân được trích xuất để thông báo cho cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đang thụ lý vụ án.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù cho người được trích xuất, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù phải gửi giấy chứng nhận đó và thông báo bằng văn bản cho các cơ quan theo quy định tại Khoản 5 Điều 46 của Luật Thi hành án hình sự, cơ quan đã ra lệnh trích xuất, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đang thụ lý vụ án…

Tại Chương III của TTLT quy định cụ thể trình tự, thủ tục trích xuất, giao nhận và quản lý học sinh được trích xuất, bao gồm: Gửi văn bản yêu cầu trích xuất, ra lệnh trích xuất và thực hiện lệnh trích xuất học sinh; Gia hạn trích xuất học sinh; Phối hợp thực hiện quản lý và trao đổi thông tin học sinh trong thời gian thực hiện lệnh trích xuất, lệnh gia hạn trích xuất; Trả lại học sinh được trích xuất để tiếp tục chấp hành quyết định biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.

Ngoài ra, nguyên tắc phối hợp phải bảo đảm tuân thủ đúng nguyên tắc thi hành án hình sự theo quy định tại Điều 4 Luật Thi hành án hình sự. Bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan theo quy định của pháp luật. Chủ động, kịp thời, tạo điều kiện để cơ quan, người có thẩm quyền liên quan đến hoạt động trích xuất hoàn thành nhiệm vụ theo quy định pháp luật. Bảo đảm chế độ bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật.

Thông tư liên tịch này thay thế Thông tư liên tịch số 04/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 30/5/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn trích xuất phạm nhân để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử.

THANH THANH

/tand-toi-cao-giai-dap-mot-so-vuong-mac-trong-qua-trinh-giai-quyet-cac-vu-an-ma-tuy.html