Quy định mới về hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Luật sư bị xâm phạm trong quá trình hành nghề

26/10/2020 16:42 | 3 năm trước

(LSVN) - Ngày 20/10/2020, Ban thường vụ Liên Đoàn Luật sư Việt Nam đã ban hành Quyết định 139/QĐ-BTV về việc ban hành quy định về hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Luật sư bị xâm phạm trong quá trình hành nghề Luật sư. Ban hành kèm theo Quyết định này là Quy định về hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Luật sư bị xâm phạm trong quá trình hành nghề Luật sư.

Ảnh minh họa.

Theo đó, đối tượng điều chỉnh của quy định gồm:

- Quy định về hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Ủy ban Bảo vệ quyền lợi Luật sư, Đoàn Luật sư và các cá nhân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Luật sư và các tổ chức hành nghề Luật sư bị xâm phạm quyền hành nghề hợp pháp và có yêu cầu tổ chức xã hội- nghề nghiệp Luật sư bảo vệ.

- Phân định thẩm quyền của các chủ thể tham gia bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của Luật sư và các tổ chức hành nghề Luật sư khi tiếp nhận, xử lý yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm trong quá trình hành nghề Luật sư.

- Xác định phạm vi đối tượng được bảo vệ nhằm giúp cho các chủ thể bảo vệ nhận diện đúng các hành vi xâm phạm để thiết lập biện pháp bảo vệ chính xác và đúng thẩm quyền.
Xác định trình tự gửi yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Đoàn Luật sư, Luật sư và các tổ chức hành nghề Luật sư khi bị xâm phạm trong quá trình hành nghề Luật sư.

- Đối tượng thực hiện quy định bao gồm Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư, Đoàn Luật sư, các cá nhân được giao nhiệm vụ thực hiện hoạt động bảo vệ, các Luật sư thành viên và tổ chức hành nghề bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp trong quá trình hành nghề và có yêu cầu bảo vệ.

Về phạm vi quyền và lợi ích hợp pháp của Luật sư được bảo vệ

- Các quyền và nghĩa vụ của Luật sư được pháp luật quy định là cơ sở để Luật sư thực hiện chức năng xã hội, trách nhiệm nghề nghiệp.

- Các quyết định hành chính, hành vi hành chính vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của Luật sư và các tổ chức hành nghề Luật sư trong quá trình hành nghề.

- Các quyết định hành chính, hành vi hành chính vi phạm pháp luật ảnh hưởng tới việc tổ chức hoạt động của Đoàn Luật sư, thành viên Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

- Các hành vi của các chủ thể xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của Luật sư trong hành nghề, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của Luật sư.

- Đối với người tập sự hành nghề Luật sư, tuỳ từng trường hợp cụ thể Ủy ban Bảo vệ quyền lợi Luật sư sẽ xem xét và can thiệp bằng hình thức phù hợp.

Theo quy định, chủ thể bảo vệ là các chủ thể thực hiện công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư, bao gồm: Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Ủy ban Bảo vệ quyền lợi Luật sư, Đoàn Luật sư và các cá nhân được giao nhiệm vụ thực hiện hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư và các tổ chức hành nghề Luật sư.

Nguyên tắc giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư bị xâm phạm trong quá trình hành nghề

- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

- Độc lập, khách quan, công khai, nhanh chóng và kịp thời.

- Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các Ủy ban, đơn vị trực thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam và cá nhân để bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của luật sư.

Quy định về hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Luật sư bị xâm phạm trong quá trình hành nghề Luật sư đã được Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư việt Nam thông qua và có hiệu lực kể từ ngày ký Quyết định ban hành.

Việc sửa đổi, bổ sung Quy định này do Ban Thường vụ Liên đoàn quyết định theo đề nghị của Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ quyền lợi Luật sư hoặc Thường trực Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

THANH THANH

/thong-bao-moi-tham-du-khoa-boi-duong-chuyen-mon-nghiep-vu-luat-su-to-chuc-tai-tp-ha-noi-thang-11-2020.html