Quyền lợi người lao động nên biết trong thời gian nghỉ cách ly toàn xã hội

06/04/2020 16:36 | 4 năm trước

(LSO) - Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, theo đó, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc, rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp đã cho nhân viên, người lao động của mình dừng làm việc. Vậy vấn đề được đặt ra là những quyền lợi của người lao động trong thời gian nghỉ cách ly toàn xã hội được xác định như thế nào theo quy định của pháp luật?

Quyền lợi người lao động trong thời gian nghỉ cách ly toàn xã hội (Nguồn: internet).

Chế độ lương trong thời gian nghỉ cách ly toàn xã hội

Theo khoản 5, Điều 32, Bộ luật Lao động năm 2012 quy định, người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) có thể thỏa thuận để NLĐ tạm nghỉ việc không hưởng lương do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nếu NSDLĐ và NLĐ thỏa thuận được điều này sẽ là lợi thế để khi dịch kết thúc, NLĐ sẽ có thể quay trở lại làm việc ngay.

Bên cạnh đó, Điều 98 Bộ luật Lao động 2012 cũng quy định: Đối với trường hợp ngừng việc vì nguyên nhân khách quan như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Nghị định số 90/2019/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với lao động làm việc theo hợp đồng lao động, khoản 1 Điều 3 quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp như sau:
a) Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.
b) Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.
c) Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.
d) Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.

Đối với tình trạng dịch bệnh có thể kéo dài như hiện nay và chưa xác định được thời gian nghỉ dịch là bao lâu. Giữa NLĐ và NSDLĐ hoàn toàn có thể thỏa thuận với nhau về tạm hoãn thực hiện hợp đồng và thỏa thuận việc trong khoảng thời gian tạm hoãn sẽ không tiến hành trả lương hoặc hỗ trợ một khoản theo thỏa thuận.

Liên quan đến trách nhiệm chi trả phí cho người đóng bảo hiểm

Trường hợp NLĐ tự đi khám chữa bệnh được kết luận không phải áp dụng biện pháp cách ly y tế, nếu người đó có thẻ BHYT được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh thực hiện theo quy định của pháp luật về BHYT. Người không có thẻ BHYT phải tự thanh toán chi phí.

BHXH Việt Nam vừa có văn bản về việc cấp, gia hạn thẻ BHYT nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân hưởng chính sách BHYT trong thời gian thực hiện cách ly xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19.

Về chế độ BHXH đối với NLĐ thực hiện cách ly toàn xã hội, không bị nhiễm Covid-19, BHXH Việt Nam cho hay, thời gian nghỉ việc để thực hiện cách ly toàn xã hội phòng dịch không phải là trường hợp ốm đau, do vậy không được hưởng chế độ ốm đau. Hiện BHXH Việt Nam đang xin ý kiến Bộ LĐ-TB&XH về nội dung này, trường hợp có hướng dẫn khác thì BHXH Việt Nam sẽ thực hiện.

Thời gian nghỉ việc để thực hiện cách ly toàn xã hội có được tính vào thời gian nghỉ phép năm không?

Điều 111 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định nghỉ hằng năm, theo đó, người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

- 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

- 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành hoặc lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật;

-16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành;

Người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động. Người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.

Khoản 9 Điều 6 Nghị Định 45/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động, theo đó, thời gian được coi là thời gian làm việc của người lao động để tính số ngày nghỉ hằng năm

"9. Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động."

Căn cứ theo quy định trên, thời gian bạn nghỉ dịch Covid-19 được tính là trường hợp ngừng việc không do lỗi của người lao động và được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hàng năm. Tuy nhiên, NLĐ cũng có thể thỏa thuận với NSDLĐ về việc không tính vào thời gian nghỉ phép năm.

Thanh Loan

/xuat-hien-ca-duong-tinh-o-ha-noi-u-benh-23-ngay-xem-xet-keo-dai-thoi-gian-cach-ly.html