/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Những vấn đề cần lưu ý khi áp dụng án lệ

Những vấn đề cần lưu ý khi áp dụng án lệ

05/01/2021 17:51 |

LSVNO - Gần đây, việc công bố và áp dụng án lệ tại nước ta được xem như là một trong những khâu đột phá của của hệ thống tòa án . Bỡi lẽ, từ lâu, việc hướng dẫn xét xử chỉ tồn tại một cách không chí...

LSVNO - Gần đây, việc công bố và áp dụng án lệ tại nước ta được xem như là một trong những khâu đột phá của của hệ thống tòa án . Bỡi lẽ, từ lâu, việc hướng dẫn xét xử chỉ tồn tại một cách không chính thức dưới các hướng dẫn nghiệp vụ của Tòa án nhân dân tối cao. Tính thống nhất về áp dụng pháp luật trong các trường hợp như thế còn nhiều hạn chế. Đến nay, Tòa án nhân dân tối cao đã có những văn bản chính thức công bố và áp dụng án lệ.

Án lệ là gì?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Án lệ là bản án hoặc quyết định được nêu ra để chứng minh cho một quyết định trong một vụ việc gần tương tự sau đó[1]. Theo Từ điển luật học của Mỹ[2], định nghĩa án lệ là một quyết định xét xử mà ở đó tạo ra một quy tắc với vai trò là điểm quy chiếu để quyết định những vụ án sau này có cùng tình tiết hoặc vấn đề pháp lý.

Ở nước ta hiện nay, án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử. Đây là định nghĩa được chính thức ghi nhận tại Điều 1 Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 03).

Như vậy, khái niệm về án lệ của Việt Nam cũng không khác nhiều so với định nghĩa của một số nước nêu trên. Có thể nhận thấy rằng, án lệ phải được thể hiện trong bản án hoặc quyết định của tòa án được xem như là một quy tắc để áp dụng cho những vụ việc tương tự. Điểm khác trong khái niệm án lệ của ta là ghi rõ về cơ quan và người có thẩm quyền xác định án lệ.

Khi nghiên cứu về án lệ, chúng ta thường gặp một số khái niệm liên quan như: tiền lệ, luật lệ, tiền lệ án, thực tiễn tòa án, tiền lệ pháp, thông luật. Các khái niệm này được khái quát như sau[3]:

“Tiền lệ” là việc xảy ra từ trước, tạo thành cái lệ cho những việc về sau. “Luật lệ” là pháp luật và những điều đã thành lệ mà mọi người trong xã hội phải tuân theo[4]. Như vậy, nội hàm của những khái niệm tiền lệ và khái niệm luật lệ có phạm vi rộng hơn khái niệm án lệ.

“Tiền lệ án” hay “thực tiễn tòa án” là những khái niệm mà có quan điểm cho rằng đây là cách gọi khác của án lệ trong tư pháp quốc tế. Tuy nhiên, những khái niệm này không mang tính pháp lý và có nội hàm rộng hơn khái niệm án lệ bao gồm tất cả những bản án đã có của tòa án và tất cả các hoạt động liên quan trực tiếp đến hoạt động xét xử của tòa án.

Tiền lệ pháp hay án lệ là hai khái niệm độc lập với nhau và việc sử dụng hai khái niệm này không giống nhau. Nếu muốn nhắc đến một hình thức pháp luật (là sự biểu hiện ra bên ngoài của pháp luật, cách thức mà giai cấp thống trị nâng ý chí của mình thành luật), xem xét nó trong mối tương quan với tập quán pháp và văn bản pháp luật và xem xét ở một mức độ rộng rãi thì sử dụng thuật ngữ tiền lệ pháp. Nếu chỉ muốn nói đến những bản án cụ thể của tòa án được áp dụng cho những vụ việc có tình tiết hoặc vấn đề tương tự sau này thì thường sử dụng thuật ngữ án lệ (case law). Theo cách hiểu như vậy thì án lệ có ở bất cứ quốc gia nào và bất cứ hệ thống pháp luật nào nhưng tiền lệ pháp chỉ là hình thức pháp luật được sử dụng ở các nước theo trường phái thông luật.

Đôi nét về án lệ ở Việt Nam

Được coi là khâu đột phá của hệ thống tòa án năm 2017 nhưng trong lịch sử, án lệ ở nước ta đã từng xuất hiện và áp dụng. Thực tế, án lệ ở nước ta đã có từ rất lâu. Vào năm 1956, chúng ta có một án lệ về hành chính. Năm 1961, một án lệ trong lĩnh vực hôn nhân gia đình cũng đã ban hành[5].

Nhưng từ sau năm 1975, đất nước thống nhất thì án lệ không được xem là một nguồn trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Tuy vậy, trên thực tế, hàng năm trong các báo cáo tổng kết hay các công văn giải đáp nghiệp vụ của Tòa án nhân dân tối cao thì các hướng dẫn áp dụng pháp luật có tính đường lối vẫn thường xuyên được ban hành. Mặc dù không hiển diện một cách chính thức nhưng rõ ràng các tiền lệ hay các lập luận để thống nhất áp dụng trong các phán quyết của tòa án có tính chất giống án lệ cũng đã tồn tại trên thực tế. Đến nay, án lệ chính thức được ghi nhận trong hệ thống quy phạm pháp luật của Việt Nam bằng Nghị quyết 03. Cho tới thời điểm hiện tại, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành được 16 án lệ. Cụ thể:

+ Án lệ số 01/2016/AL về vụ án giết người.

+ Án lệ số 02/2016/AL về vụ án tranh chấp đòi lại tài sản.

+ Án lệ số 03/2016/AL về vụ án ly hôn.

+ Án lệ số 04/2016/AL về vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

+ Án lệ số 05/2016/AL về vụ án tranh chấp di sản thừa kế.

+ Án lệ số 06/2016/AL về vụ án tranh chấp thừa kế.

+ Án lệ số 07/2016/AL về công nhận hợp đồng mua bán nhà được xác lập trước ngày 01/7/1991.

+ Án lệ số 08/2016/AL về xác định lãi suất, việc điều chỉnh lãi suất trong hợp đồng tín dụng kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm.

+ Án lệ số 09/2016/AL về xác định lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường và việc trả lãi trên số tiền phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại.

+ Án lệ số 10/2016/AL về quyết định hành chính là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.

+ Án lệ số 11/2017/AL về công nhận hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất mà trên đó đất có tài sản không thuộc sở hữu của bên thế chấp.

+ Án lệ số 12/2017/AL về xác định trường hợp đương sự được triệu tập hợp lệ lần thứ nhất sau khi tòa án đã hoãn phiên tòa.

+ Án lệ số 13/2017/AL về hiệu lực thanh toán của thư tín dụng (L/C) trong trường hợp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là cơ sở của L/C bị hủy bỏ.

+ Án lệ số 14/2017/AL về công nhận điều kiện hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất mà điều kiện đó không được ghi nhận trong hợp đồng.

+ Án lệ số 15/2017/AL về công nhận thỏa thuận miệng của các đương sự trong việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp.

+ Án lệ số 16/2017/AL về công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là di sản thừa kế do một trong các đồng thừa kế chuyển nhượng.

Có thể thấy, bước đầu, Tòa án nhân dân tối cao đã công bố được nhiều án lệ trong nhiều lĩnh vực. Một số vướng mắc thực tiễn phần nào đã được tháo gỡ một cách chính thức.

Một số lưu ý khi áp dụng án lệ

Như đã nêu ở trên, chúng ta mới bắt đầu áp dụng án lệ một cách chính thức không lâu nên số lượng bản án, quyết định của tòa án áp dụng án lệ trên thực tế cũng chưa nhiều. Tính đến giữa năm 2017 thì cả nước chỉ mới có một trường hợp áp dụng án lệ, đó là án lệ số 04 và thực tế thẩm phán khi áp dụng án lệ còn gặp nhiều lúng túng[6]. Dưới góc độ nghiên cứu, bài viết nêu một số vấn đề tham khảo khi vận dụng án lệ.

Nhận diện án lệ

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tiếp cận khái niệm án lệ và các nội dung án lệ được công bố được quy định tại Điều 1 và Điều 7 của Nghị quyết 03 cho thấy, án lệ không phải là toàn bộ bản án được viện dẫn mà chỉ là phần lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án về một vụ việc cụ thể. Do vậy, khi đã xác định được án lệ thì nội dung quan trọng nhất là tìm và nghiên cứu vấn đề pháp lý có giá trị hướng dẫn xét xử được giải quyết trong án lệ. Đây là một nội dung rất quan trọng và là nội dung được công bố được ghi nhận trong nghị quyết[7]. Giá trị hướng dẫn ở đây với tư cách là quy phạm pháp luật nhưng không bắt buộc một cách cứng nhắc về cấu trúc của một quy phạm, thể hiện sự uyển chuyển và linh động của án lệ.

Sự kiện pháp lý được áp dụng án lệ

Khi sự kiện pháp lý diễn ra giống với các tình tiết sự kiện được nêu trên án lệ thì thẩm phán phải áp dụng án lệ nhằm bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau. Trường hợp không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do không áp dụng[8].

Vấn đề đặt ra là án lệ có hiệu lực khi nào và có được áp dụng cho những tình tiết, sự kiện xảy ra trước khi án lệ có hiệu lực hay không?

Án lệ với tư cách là quy phạm pháp luật sẽ có hiệu lực vào thời điểm cụ thể và chịu sự điều chỉnh của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các quyết định công bố án lệ của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ghi nhận rằng: các tòa án nhân dân và tòa án quân sự có trách nhiệm nghiên cứu, áp dụng các án lệ trong xét xử kể từ một thời điểm cụ thể. Điều này có thể hiểu, ngày được xác định trong các quyết định này của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là ngày có hiệu lực của các án lệ tương ứng.

Chúng ta cũng dễ nhận thấy rằng, Nghị quyết 03 cũng như các quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công bố án lệ không ghi nhận hiệu lực hồi tố. Do vậy, với lẽ thông thường, theo quy định tại khoản 1 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì án lệ chỉ có thể được áp dụng kể từ thời điểm nó có hiệu lực pháp luật. Các sự kiện, tình tiết diễn ra trước ngày án lệ có hiệu lực sẽ không vận dụng án lệ để giải quyết.

Tuy nhiên, nếu căn cứ vào định nghĩa án lệ và mục đích ban hành của án lệ thì việc không vận dụng án lệ hồi tố là không hợp lý. Thứ nhất, nếu án lệ không được áp dụng trong trường hợp này thì sẽ không đạt được tính thống nhất trong áp dụng pháp luật, mặc dù thẩm phán có thể không áp dụng án lệ nếu có lý do rõ ràng. Thứ hai, với tính chất sự kiện giống án lệ chắc hẳn cũng thuộc trường hợp phức tạp, có nhiều quan điểm khác nhau khi giải quyết tình huống. Án lệ được xem là sự tổng hợp trí tuệ của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và tập thể, cá nhân liên quan nên đường lối đã định ra trong tình huống đó là những cách giải quyết tốt. Chính vì thế, mặc dù sự kiện, tình tiết trong vụ kiện diễn ra trước thời điểm án lệ có hiệu lực cần được cho phép vận dụng án lệ mới hợp lý. Từ đó, chúng tôi cho rằng, trong quyết định công bố án lệ của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hay trong Nghị quyết 03 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần bổ sung nội dung về hiệu lực hồi tố của án lệ là điều hết sức cần thiết. Tất nhiên, việc quy định hiệu lực trở về trước phải bảo đảm đúng quy định tại khoản 2 Điều 152 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ bậc

Trên cơ sở Nghị quyết 03, theo thời gian, các án lệ sẽ được ban hành ngày càng nhiều bằng các quyết định về việc công bố án lệ của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Trong đó, Nghị quyết 03 mới được xem là văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Điều 4 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Án lệ được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao biểu quyết và thông qua theo quy định tại Điều 6 của Nghị quyết 03. Do đó, nếu xếp trong thứ tự của hệ thống pháp luật quy định tại Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì án lệ có thể được xếp vào nhóm thứ 7 (tương ứng với mục 7 của Điều này). Đây cũng là cách sắp xếp thứ tự giá trị pháp lý của hệ thống pháp luật từ cao đến thấp.

Án lệ có thể bị hủy bỏ, thay đổi trong hai trường hợp. Thứ nhất, do sự thay đổi của luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ mà án lệ không còn phù hợp thì án lệ đương nhiên bị hủy bỏ. Thứ hai, trường hợp do chuyển biến tình hình mà án lệ không còn phù hợp nhưng chưa có quy định mới của pháp luật thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm xem xét hủy bỏ án lệ[9].

Sự linh hoạt trong việc hủy bỏ, thay thế án lệ đã được ghi nhận. Bản thân án lệ sẽ tự động bị hủy bỏ khi trái các văn bản quy phạm pháp luật đã được liệt kê. Đây cũng thể coi là kết quả của sự xung đột của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực thấp hơn thì hiệu lực của bản thân nó bị vô hiệu theo tinh thần quy định tại khoản 2 Điều 156 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, với sự liệt kê các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực cao tại khoản 1 Điều 9 của Nghị quyết 03 là chưa đầy đủ. Chúng tôi cho rằng, tại điều khoản luật này cần được bổ sung thêm các loại văn bản quy phạm pháp luật chưa được liệt kê từ khoản 1 đến khoản 6 của Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, các loại văn bản như: nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; quyết định của Thủ tướng Chính phủ cần được bổ sung vào khoản 1 Điều 9 của Nghị quyết 03 nhằm bảo đảm tính thống nhất và chặt chẽ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Cũng với tư cách là các quy phạm pháp luật được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua, án lệ sẽ có giá trị pháp lý cao hơn các văn bản pháp luật còn lại (từ khoản 8 của Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trở về sau). Chẳng hạn như: thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư liên tịch giữa bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định của Tổng kiểm toán Nhà nước; nghị quyết của hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; quyết định của ủy ban nhân dân cấp tỉnh; văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; nghị quyết của hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương…

Tóm lại, việc chính thức áp dụng án lệ ở nước ta là một hoạt động mới mẻ. Để hoạt động này được thực hiện mang lại hiệu quả cao, phát huy hết vai trò của án lệ trong thực tiễn đòi hỏi người vận dụng nhận thức đầy đủ về án lệ từ khái niệm, cách nhận diện, thời điểm vận dụng cũng như giá trị pháp lý của án lệ so với các văn bản quy phạm pháp luật khác.

---*---

[1] Từ điển Luật học, tái bản lần 4, in và xuất bản tại Anh, 1993, trang 293.

[2] Từ điển Black’s Law (West Group, St. Paul MN, tái bản lần thứ 9, 2004) 1295, Kinh nghiệm quốc tế trong việc áp dụng tiền lệ và án lệ (trang 3, 4): khái niệm án lệ nêu trên có nét khác so với khái niệm án lệ trong Black's Law Dictionary, 1059 (tái bản lần thứ 5 năm 1979). “Black`s Law Dictionary, 7th ed 1999”  (xem khái niệm án lệ theo “Black`s Law Dictionary, 7th ed 1999” tại Nguyễn Văn Nam, Lý luận và thực tiễn về án lệ trong hệ thống pháp luật của các nước Anh, Mỹ, Pháp, Đức và những kiến nghị đối với Việt Nam, Luận án Tiến sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr 15) và khái niệm án lệ theo Black's Law Dictionary, 1059 (tái bản lần thứ 5 năm 1979) là quy tắc pháp luật được tạo lập lần đầu tiên bởi tòa án cho một loại vụ việc đặc biệt mà sau đó được viện dẫn để quyết định những vụ việc tương tự).

[3]https://www.google.com.vn/search?biw=1366&bih=663&ei=RittWpzfKIjtvAT3kJLYDA&q=ph%E1%BB%A5+l%E1%BB%A5c+%C3%A1n+l%E1%BB%87+v%C3%A0+m%E1%BB%99t+s%E1%BB%91+khai+ni%E1%BB%87m+tuong+dong&oq=ph%E1%BB%A5+l%E1%BB%A5c+%C3%A1n+l%E1%BB%87+v%C3%A0+m%E1%BB%99t+s%E1%BB%91+khai+ni%E1%BB%87m+tuong+dong&gs_l=psy-ab.3...64296.66178.0.66433.14.9.3.0.0.0.155.714.8j1.9.0....0...1c.1.64.psy-ab..2.0.0....0.tHl6lF8liyg, truy cập ngày 28/01/2018.

[4] Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, Nhà xuất bản Đà Nẵng và Trung tâm từ điển học, tr 984, tr 591.

[5] https://thongtinphapluatdansu.edu.vn/2008/06/14/53461/, truy cập ngày 24/01/2018.

[6] https://baomoi.com/mot-trong-cac-an-le-moi-ban-hanh-da-duoc-toa-an-ap-dung/c/22718582.epi, truy cập ngày 25/01/2018.

[7] Điểm đ khoản 2 Điều 7 của Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.

[8] Khoản 2 Điều 8 của Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.

[9] Điều 9 của Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.

Ths Nguyễn Chế Linh