Thẩm quyền giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Luật sư

27/10/2020 16:01 | 3 năm trước

(LSVN) - Đoàn Luật sư tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư và các tổ chức hành nghề Luật sư trong quá trình hành nghề. Đối với các vụ việc mà chủ thể nói trên có yêu cầu bảo vệ gửi trực tiếp cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam (không gửi hoặc gửi đồng thời cho Đoàn Luật sư) thì Liên đoàn chuyển yêu cầu về Đoàn Luật sư giải quyết theo thẩm quyền.

Ảnh minh họa.

Ban thường vụ Liên Đoàn Luật sư Việt Nam vừa ban hành Quyết định 139/QĐ-BTV ngày 20/10/2020, về việc ban hành quy định về hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Luật sư bị xâm phạm trong quá trình hành nghề Luật sư. Ban hành kèm theo Quyết định này là Quy định về hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Luật sư bị xâm phạm trong quá trình hành nghề Luật sư.

Theo đó, tại Điều 5 Nghị định quy định về thẩm quyền giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của Luật sư bị xâm phạm trong quá trình hành nghề, cụ thể:

- Đoàn Luật sư tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư và các tổ chức hành nghề Luật sư trong quá trình hành nghề. Đối với các vụ việc mà chủ thể nói trên có yêu cầu bảo vệ gửi trực tiếp cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam (không gửi hoặc gửi đồng thời cho Đoàn Luật sư) thì Liên đoàn chuyển yêu cầu về Đoàn Luật sư giải quyết theo thẩm quyền.

- Ủy ban Bảo vệ sẽ giải quyết các yêu cầu mà Đoàn Luật sư đã có văn bản bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Luật sư nhưng không nhận được kết quả giải quyết của chủ thể xâm phạm hoặc kết quả giải quyết không phù hợp với quy định của pháp luật; các yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể bị xâm phạm liên quan đến chính sách, pháp luật, ảnh hưởng đến quyền hành nghề của Luật sư; các yêu cầu có nhiều tình tiết phức tạp; mang tính chất cấp thiết, nghiêm trọng hoặc trường hợp chủ thể giải quyết liên quan đến nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức nhà nước ở Trung ương.

- Ủy ban Bảo vệ quyền lợi Luật sư tiếp nhận giải quyết các vụ việc xâm phạm đến các quyền và lợi ích hợp pháp của các Đoàn Luật sư quy định tại khoản 3 Điều 3 của Quy định này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ
3. Chủ thể bảo vệ: là các chủ thể thực hiện công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Luật sư và các tổ chức hành nghề Luật sư, bao gồm: Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Ủy ban Bảo vệ quyền lợi Luật sư, Đoàn Luật sư và các cá nhân được giao nhiệm vụ thực hiện hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Luật sư và các tổ chức hành nghề Luật sư.

Khi có hành vi xâm phạm đến các quyền và lợi ích hợp pháp của Luật sư thì Luật sư và các tổ chức hành nghề Luật sư có quyền gửi văn bản đến Đoàn Luật sư mà mình là thành viên để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Đoàn Luật sư ban hành văn bản gửi đến chủ thể xâm phạm. Nếu quá thời hạn chưa được giải quyết hoặc kết quả giải quyết không phù hợp với quy định của pháp luật thì Đoàn Luật sư tiếp tục ban hành văn bản đến chủ thể xâm phạm, đồng thời đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam giải quyết. Chủ thể bị xâm phạm không phải làm văn bản gửi cho Liên đoàn.

Trường hợp chủ thể bị xâm phạm không thuộc thẩm quyền giải quyết của Liên đoàn Luật sư Việt Nam mà gửi yêu cầu đến Liên đoàn sẽ được Liên đoàn thông báo lại Đoàn Luật sư.

THANH THANH

/quy-dinh-moi-ve-hoat-dong-bao-ve-quyen-va-loi-ich-hop-phap-cua-luat-su-bi-xam-pham-trong-qua-trinh-hanh-nghe.html