Thiếu úy Cảnh sát nhận tiền của người dân: Hành vi ‘Nhận hối lộ’ hay ‘Cưỡng đoạt tài sản’?

02/06/2020 23:58 | 3 năm trước

(LSO) - Theo quy định của pháp luật thì người nào đe dọa, uy hiếp tinh thần của người khác để buộc người khác phải giao tài sản cho mình thì đây là hành vi cưỡng đoạt tài sản. Hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ngày 01/6/2020, tại quán cà phê Mai Xuân thuộc phường Đông Hòa, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã bắt quả tang Võ Quốc Cường (SN 1993), Thiếu úy, Cảnh sát hình sự thuộc Công an TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương đang nhận 15 triệu đồng của anh H.

Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã ra quyết định tạm giữ 3 ngày đối với Võ Quốc Cường để điều tra hành vi nhận hối lộ và tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi phạm tội để xử lý theo quy định của pháp luật.

Đánh giá vụ việc, Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng việc người có chức vụ quyền hạn nhận tiền của tổ chức, cá nhân để bỏ qua một việc vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân thì có thể xem là hành vi nhận hối lộ hoặc hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Kết quả điều tra ban đầu xác định, khoảng 1 tháng trước, Võ Quốc Cường thông qua công tác trinh sát địa bàn, phát hiện anh H. có hành vi đánh đề nên Cường đã thu giữ tiền, điện thoại, xe gắn máy của anh H. và yêu cầu anh H. phải đưa cho Cường 150 triệu đồng để không xử lý vụ việc.

Cường đã nhận trước 100 triệu đồng của anh H. và tiếp tục yêu cầu anh H. phải đưa tiếp 30 triệu đồng nữa.

Ngày 01/6/2020, khi Cường vừa nhận 15 triệu đồng của anh H. tại quán cà phê thì bị Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao bắt quả tang.

Khi bị bắt quả tang, Cường đã thừa nhận hành vi nhận tiền của anh H.

“Hành vi của cán bộ Công an có dấu hiệu của tội ‘Cưỡng đoạt tài sản’ chứ không phải là tội ‘Đưa hối lộ’ và ‘Nhận hối lộ’. Theo quy định của pháp luật thì người nào đe dọa, uy hiếp tinh thần của người khác để buộc người khác phải giao tài sản cho mình thì đây là hành vi cưỡng đoạt tài sản. Hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015. Hành vi này là hành vi hết sức nguy hiểm cho xã hội, tác động đến tinh thần của người có tài sản để buộc họ phải giao tài sản cho người đã đe dọa, uy hiếp”, Luật sư Cường nhận định.

Luật sư Cường phân tích, hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ thì không thể hiện việc đe dọa uy hiếp tinh thần, không làm cho người đưa tiền phải sợ hãi. Hành vi đưa nhận hối lộ là một sự thỏa thuận giữa công dân, doanh nghiệp với người có chức vụ quyền hạn để người có chức vụ quyền hạn làm hoặc không làm một công việc theo yêu cầu của người đưa tiền. Người đưa tiền cũng có thể vì bị ép buộc mà phải đưa tiền. Tuy nhiên, ép buộc ở đây chưa đến mức gọi là uy hiếp tinh thần, khiến người có tiền phải sợ hãi đến mức phải đưa tiền. 

Trường hợp có thỏa thuận về việc đưa tiền để bỏ qua hành vi vi phạm thì người đưa tiền là người đưa hối lộ, người này đã sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Đưa hối lộ” theo Điều 654 Bộ luật Hình sự năm 2015; trừ trường hợp người đưa hối lộ chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì sẽ được miễn trách nhiệm hình sự.

Còn người nhận tiền là người có chức vụ quyền hạn để thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa tiền sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “Nhận hối lộ”.

Ngoài ra, trong vụ việc này cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ hành vi ghi lô đề để xem xét xử lý về tội “Tổ chức đánh bạc”. Nếu đủ căn cứ cho thấy người đưa tiền cho Cảnh sát là người đã thực hiện hành vi tổ chức đánh bạc với số tiền từ 5.000.000 đồng trở lên thì người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Tổ chức đánh bạc”.

Theo Luật sư Cường, vụ việc bị bắt quả tang, thu được vật chứng và có người chứng kiến bởi vậy chuyện đưa tiền và nhận tiền có thể chứng minh được. Tuy nhiên, hành vi này bị xử lý về tội “Nhận hối lộ” hay tội “Cưỡng đoạt tài sản” thì cơ quan điều tra phải làm rõ hành vi, ý thức chủ quan và yếu tố tâm lý của người bị hại. Trong vụ việc này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ có hành vi ép buộc nạn nhân phải đưa tiền hay không, việc ép buộc này đã đến mức nạn nhân phải sợ hãi mà giao tài sản hay không để xem xét xử lý về tội “Cưỡng đoạt tài sản” hay tội “Nhận hối lộ” đối với Thiếu úy Cảnh sát này.

Dù hành vi của cán bộ cảnh sát này là thỏa thuận nhận tiền để thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa tiền hay đe dọa uy hiếp tinh thần của người này để lấy tiền thì đây cũng là hành vi vi phạm pháp luật, chỉ khác nhau là hành vi cấu thành tội nhận hối lộ hay tội cưỡng đoạt tài sản mà thôi. Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ phải làm rõ qua lời khai của hai bên và các chứng cứ tài liệu khác mà cơ quan điều tra thu thập được để chứng minh hành vi phạm tội thuộc nhóm tội về chức vụ hay là tội danh xâm phạm quyền sở hữu tài sản.

Trường hợp xử lý về tội “Nhận hối lộ” thì người đưa hối lộ vẫn có thể được miễn trách nhiệm hình sự về hành vi đưa hối lộ do đã chủ động trình báo với cơ quan chức năng trước khi sự việc được phát hiện. Còn việc xử lý về tội “Cưỡng đoạt tài sản” thì người đưa tiền trong vụ án này là người bị hại. Hành vi ghi số đề là hành vi tổ chức đánh bạc sẽ bị xử lý về một tội danh khác theo quy định pháp luật.

LÊ MINH

/can-bo-lien-tuc-bi-bat-vi-danh-bac-mot-hien-tuong-dang-bao-dong.html
/gia-dinh-bi-hai-de-nghi-khong-xu-ly-hinh-su-truong-ban-noi-chinh-tinh-uy-thai-binh-co-bi-khoi-to.html
/co-quan-dieu-tra-vksnd-toi-cao-bat-qua-tang-thieu-uy-cong-an-nhan-hoi-lo.html