Thủ tục pháp lý liên quan đến xuất khẩu mặt hàng nhựa thông sang thị trường Trung Quốc

01/07/2020 21:08 | 3 năm trước

(LSO) - Với đặc thù mặt hàng nhựa thông thường được doanh nghiệp Việt Nam thu mua lại của người nông dân. Vậy nay tôi muốn xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Trung Quốc thì cần phải thực hiện, chuẩn bị những thủ tục pháp lý nào, bạn đọc H.A hỏi.

Ảnh minh họa.

Thứ nhất, cần phải tiến hành kiểm dịch thực vật

Vì nhựa thông thuộc vào danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật của Việt Nam theo Mục 11 Thông tư số 15/2018/TT-BNNPTNT.

Căn cứ Điều 9, 10 Thông tư 33/2014/TT-BNNPTNT quy định:

Bước 1: Đăng ký kiểm dịch thực vật

Chủ vật thể nộp trực tiếp 01 bộ hồ sơ đăng ký cho cơ quan kiểm dịch thực vật nơi gần nhất.

Hồ sơ gồm:

- Giấy đăng ký kiểm dịch thực vật xuất khẩu hoặc tái xuất khẩu (theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này).

- Bản chính Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu (trong trường hợp tái xuất khẩu).

Bước 2. Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ

Cơ quan kiểm dịch thực vật có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra ngay tính hợp lệ của hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Thông tư này.

Bước 3. Kiểm tra vật thể

Căn cứ kết quả kiểm tra hồ sơ, cơ quan kiểm dịch thực vật quyết định địa điểm kiểm dịch tại cơ sở sản xuất, nơi xuất phát, nơi bảo quản ở sâu trong nội địa hoặc cửa khẩu xuất và bố trí công chức kiểm tra ngay lô vật thể.

Việc kiểm tra lô vật thể được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 7 của Thông tư này.

Bước 4. Cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật

- Cơ quan kiểm dịch thực vật cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật (Theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này) hoặc Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật tái xuất khẩu (Theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này) cho lô vật thể trong vòng 24 giờ kể từ khi bắt đầu kiểm dịch đối với vật thể đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu

Trường hợp kéo dài hơn 24 giờ do yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật thì cơ quan kiểm dịch thực vật phải thông báo hoặc trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật biết.

- Trường hợp phát hiện lô vật thể không đáp ứng yêu cầu về kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu thì Cơ quan kiểm dịch thực vật không cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật đồng thời phải thông báo cho chủ vật thể biết.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Công ty Luật SB LAW.

Thứ hai, làm thủ tục hải quan xuất khẩu

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ, chứng từ

Theo Điều 15 Thông tư 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 5, Điều 1, Thông tư 39/2018/TT-BTC) quy định hồ sơ hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu gồm:

- Tờ khai hải quan

- Hóa đơn thương mại hoặc chứng từ có giá trị tương đương trong trường hợp người mua phải thanh toán cho người bán: 01 bản chụp

- Giấy phép xuất khẩu hoặc văn bản cho phép xuất khẩu của cơ quan có thẩm quyền theo pháp luật về quản lý ngoại thương đối với hàng hóa xuất khẩu thuộc diện quản lý theo giấy phép:

+ Nếu xuất khẩu một lần 01 bản chính;

+ Nếu xuất khẩu nhiều lần: 01 bản chính khi xuất khẩu lần đầu.

- Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật

Trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định nộp bản chụp hoặc không quy định cụ thể bản chính hay bản chụp thì người khai hải quan được nộp bản chụp.

Trường hợp Giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành được sử dụng nhiều lần trong thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành thì người khai hải quan chỉ nộp 01 lần cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục xuất khẩu lô hàng đầu tiên.

- Chứng từ chứng minh tổ chức, cá nhân đủ điều kiện xuất khẩu hàng hóa theo quy định của pháp luật về đầu tư: nộp 01 bản chụp khi làm thủ tục xuất khẩu lô hàng đầu tiên

- Hợp đồng ủy thác: 01 bản chụp đối với trường hợp ủy thác xuất khẩu hàng hóa thuộc diện phải có giấy phép xuất khẩu, giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành hoặc phải có chứng từ chứng minh tổ chức, cá nhân đủ điều kiện xuất khẩu hàng hóa theo quy định của pháp luật về đầu tư mà người nhận ủy thác sử dụng giấy phép hoặc chứng từ xác nhận của người giao ủy thác

Bước 2: Khai tờ khai hải quan

Sau khi truyền tờ khai hải quan xong, in tờ khai và làm thủ tục trực tiếp tại chi cục hải quan.

Bước 3: Làm thủ tục hải quan xuất khẩu với chi cục hải quan

Tuỳ vào tờ khai phân luồng gì mà thủ tục có sự khác nhau.

Bước 4: Thông quan và thanh lý tờ khai

Sau khi tờ khai đã được thông quan và qua hải quan giám sát, bước tiếp là bạn nộp lại tờ khai + tờ mã vạch cho hãng tàu, để họ làm thủ tục xác nhận thực xuất với hải quan giám sát, khi hàng đã lên tàu.

LUẬT SƯ NGUYỄN THANH HÀ

GIÁM ĐỐC CÔNG TY LUẬT SB LAW

/lo-trinh-nang-trinh-do-chuan-cua-giao-vien-mam-non-tieu-hoc-thcs.html