Thủ tướng Anh đặt thời hạn chót thỏa thuận thương mại hậu Brexit với với EU

07/09/2020 02:08 | 3 năm trước

(LSO) – Anh và Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận trước khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit vào ngày 31/12 tới, song các cuộc đàm phán về mối quan hệ tương lai vẫn đang rơi vào bế tắc. Tuy nhiên, mới đây Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đặt thời hạn chót để đạt một thỏa thuận thương mại là vào ngày 15/10 tới.

Đàm phán thương mại Anh – EU. Ảnh: VTV.

Anh đã rời EU từ tháng 1/2020, gần 4 năm sau cuộc trưng cầu ý dân lịch sử đặt dấu chấm hết cho gần 50 năm hội nhập EU của vương quốc này. Tuy nhiên, cho đến khi kết thúc vòng đàm phán thương mại thứ 7, dường như Anh và EU khó có thể đạt thỏa thuận thương mại. Các cuộc thảo luận vẫn đang gặp trở ngại với một loạt vấn đề chính trong đó có quyền đánh bắt cá và các quy định cạnh tranh.

Giới chức châu Âu cho biết tháng 10 là thời điểm muộn nhất để đạt thỏa thuận với Anh, do cần thời gian chuyển ngữ cũng như để Nghị viện châu Âu thông qua.

Ngày 6/9 vừa qua, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đưa ra thời hạn chót để đạt một thỏa thuận thương mại hậu Brexit với EU là vào ngày 15/10 tới, qua đó phần nào xoa dịu những quan ngại về những vấn đề sảy sinh nếu đàm phán giữa hai bên thất bại.

Tuyên bố trên được Văn phòng Thủ tướng Anh đưa ra trong bối cảnh vòng đàm phán thứ 8 giữa Anh và EU sẽ được nối lại ở London trong tuần này. Thông báo cũng cho biết nếu hai bên không đạt thỏa thuận thương mại tự do song phương, Anh sẽ có một thỏa thuận “theo kiểu Australia” với EU, hoặc tương tự như với Canada và các nước khác. Hiện Australia đang giao dịch thương mại với EU theo các quy định và thuế quan của Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO).

Trong một trả lời phỏng vấn báo chí, trưởng đoàn đàm phán của Anh, David Frost, đã không bày tỏ nhiều kì vọng về khả năng tạo ra đột phá, cam kết sẽ không thỏa hiệp “giới hạn đỏ” của London. Trong khi đó, trưởng đoàn đàm phán của EU, ông Michel Barnier, trong tuần qua cho biết đàm phán thành công hay thất bại phụ thuộc vào việc có đạt được nhất trí về việc EU tiếp cận với vùng biển đánh cá của Anh cũng như quy định về cứu trợ nhà nước hay không, tuy nhiên London hiện không nhượng bộ. 

Như vậy, nếu không đạt thỏa thuận, quan hệ thương mại Anh - EU sẽ chỉ dựa trên các chuẩn mực tối thiểu mà WTO thiết lập, khiến các mức thuế quan sẽ cao hơn hiện nay và các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều thủ tục phiền hà hơn hiện nay, có thể ảnh hưởng xấu tới hoạt động thương mại và đầu tư ở hai bờ eo biển Manche.

LÊ HÙNG (t/h)

/ngoai-truong-lavrov-nga-se-ngan-chan-bat-ky-am-muu-gay-han-nao-tu-ben-ngoai-nham-vao-belarus.html