Thừa Thiên – Huế: Sau bão số 13 đã có hơn 1.200 nhà dân tốc mái, nhiều công trình dân sinh bị hư hại

15/11/2020 04:32 | 3 năm trước

(LSVN) - Cơn bão số 13 đã gây ra nhiều thiệt hại cho tỉnh Thừa Thiên – Huế, sau bão trên địa bàn tỉnh có hơn 1.200 nhà bị tốc mái, 03 nhà bị sập; 15 tàu, thuyền của ngư dân bị chìm, mắc cạn; nhiều trường học bị tốc mái, hàng rào bị sập, đồ chơi bị hư hỏng.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế (số liệu thống kê sơ bộ, chưa đầy đủ), tính đến sáng ngày 15/11, bão số 13 đã khiến hơn 1.200 nhà bị tốc mái, 03 nhà bị sập; 15 tàu, thuyền của ngư dân bị chìm, mắc cạn; nhiều trường học bị tốc mái, hàng rào bị sập, đồ chơi bị hư hỏng. Do ảnh hưởng của bão số 13 triều cường, sóng lớn, nước dâng do bão đã làm cho bờ biển Thừa Thiên - Huế tiếp tục bị xói lở nặng với chiều dài hơn 14 km tập trung ở các đoạn xung yếu: đoạn qua xã Giang Hải, Vinh Mỹ, Vinh Hiền, huyện Phú Lộc tiếp tục bị xói lở dài hơn 4,0 km làm hư hỏng đường Tỉnh lộ 21 và các hộ dân, mất rừng phòng hộ, khả năng mở cửa biển mới rất cao; xã Phú Diên tiếp tục bị xói lở hơn 2 km; xã Phú Hải, huyện Phú Vang tiếp tục bị xói lở khoảng 1,5 km; xã Phong Hải, huyện Phong Điền tiếp tục bị sạt lở bờ biển dài 3,0 km chiều sâu xói lở ảnh hưởng các hộ dân, mất rừng phòng hộ; xã Điền Hòa, huyện Phong Điền bị sạt lở bờ Biển dài 2,5km (trong đó vị trí xung yếu gần khu dân cư là 200m).

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế kiểm tra tình hình sạt lở tại bờ biển sau bão và chỉ đạo công tác khắc phục.

Ngay sau bão, huyện Phong điền đã xuất vật tư bao tải cát và huy động 300 người dân, dân quân xã Phong Hải, Phong Điền cùng 85 cán bộ/phương tiện đồn Biên phòng Phong Hải xử lý sạt lở bờ biển xã với chiều dài khoảng 1.200 m.

Trong sáng ngày 15/11, sau khi cơn bão số 13 quét qua địa bàn Thừa Thiên - Huế, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có chuyến kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại do bão gây ra tại một số địa bàn xung yếu tuyến ven biển.

Sau bão số 13, tuyến bờ biển xã Giang Hải, huyện Phú Lộc, do sóng to, gió lớn kết hợp với triều cường đã làm sạt lở khoảng 250m đoạn bờ kè đang thi công. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã đề nghị địa phương và đơn vị thi công huy động các lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác gia cố đê kè nhằm giảm thiểu sạt lở bờ biển. 

Đê kè đang thi công bị sạt lở.

Trước mắt xác định khối lượng hư hại để tập trung phương tiện, lực lượng gia cố, sửa chữa ngay các đoạn sạt lở nặng; huy động thêm lực lượng quân đội, biên phòng nhằm tiếp tục gia cố các điểm xâm thực.

Những đợt mưa lũ vừa qua, bờ biển qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế có nhiều điểm bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài hơn 10 km; đặc biệt bờ biển tại các xã Phú Thuận, xã Giang Hải, xã Hải Dương sạt lở nghiêm trọng 4km cần khắc phục khẩn cấp vì có nhiều đoạn xói lở sâu đến khu vực dân cư. Theo ông Phan Ngọc Thọ cho biết, do tính cấp thiết của việc phòng chống thiên tai, tỉnh đã đề nghị Chính phủ ưu tiên hỗ trợ để thực hiện các dự án xử lý khẩn cấp xói lở bờ biển tại xã Phú Thuận, xã Giang Hải, xã Hải Dương.

Sau khi thực địa tại các địa phương ven biển và nắm tình hình chung, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho rằng, do có sự chủ động với phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống bão nên mức độ thiệt hại của bão số 13 trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp huy động tối đa lực lượng, nhất là lực lượng vũ trang trực tiếp về cơ sở phối hợp với nhân dân khắc phục hậu quả của mưa bão, giảm thiểu thiệt hại của người dân.

Đồng thời, yêu cầu chính quyền các cấp cần nhanh chóng tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ những người dân gặp khó khăn về lương thực, thực phẩm, thuốc men, bảo đảm không người dân nào bị đói ăn, bệnh tật. Trước tiên, chỉ đạo các lực lượng ưu tiên chặt tỉa cây xanh gãy đổ, giải phóng các tuyến đường, nhất là tuyến quốc lộ, tỉnh lộ tạo điều kiện lưu thông.  Đối với những nơi có trụ sở, nhà bị tốc mái, bị sập, ông Phan Ngọc Thọ chỉ đạo chính quyền địa phương khẩn trương huy động lực lượng sửa chữa nhà cho người dân, đặc biệt quan tâm đến các hộ nghèo, hộ chính sách sớm ổn định cuộc sống. Cùng với đó, sửa chữa các công trình trường học, bệnh viện, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng sản xuất trên địa bàn. 

Lực lượng cagt khắc phục hậu quả sau bão.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng yêu cầu các cấp chính quyền tuyệt đối không được chủ quan, tiếp tục hướng dẫn, triển khai các biện pháp để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, khẩn trương khắc phục, xử lý vệ sinh môi trường để khôi phục sản xuất, kinh doanh, sớm ổn định cuộc sống cho người dân.

HOÀNG NGHĨA

/khan-truong-so-tan-nguoi-dan-den-noi-an-toan-truoc-bao-so-13.html