Tiếp tục duy trì sử dụng sổ hộ khẩu giấy đến hết năm 2022

13/11/2020 02:48 | 3 năm trước

(LSVN) - Chiều nay (13/11), với 93,15% đại biểu tán thành, Luật Cư trú (sửa đổi) đã được thông qua. Theo đó, quy định Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú đến hết 31/12/2022.

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Cư trú (sửa đổi).

Quá trình thảo luận, nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm đến việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân từ cách thức thủ công, truyền thống bằng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú và các tàng thư văn bản sang quản lý bằng số hóa, có kết nối thông suốt giữa các cơ quan đăng ký, quản lý cư trú trên cả nước thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và số định danh cá nhân.

Các đại biểu cho rằng, quy định nêu trên hoàn toàn phù hợp với xu thế tất yếu của việc hiện đại hóa phương thức quản lý nhà nước, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử hiện nay.

Việc chuyển đổi này, theo nhiều đại biểu, vừa bảo đảm thuận lợi cho công dân trong việc thực hiện tốt hơn quyền tự do cư trú, vừa nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước. Tuy nhiên, khi lấy ý kiến, đại biểu Quốc hội đồng tình với việc cho phép tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đến hết ngày 31/12/2022 để chứng minh nơi cư trú.

Báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, trình bày tại Quốc hội cho hay, về thời điểm có hiệu lực của luật, đa số ý kiến nhất trí quy định luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định thời điểm luật có hiệu lực thi hành muộn hơn, có thể là từ ngày 01/01/2022.

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, trình bày báo cáo, giải trình, tiếp thu dự án luật Cư trú sửa đổi của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sau khi xem xét và lắng nghe ý kiến các cơ quan liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định thời điểm có hiệu lực thi hành của luật là từ ngày 01/7/2021 như đề nghị của Chính phủ và ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội.

Về vấn đề cho phép tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đến hết ngày 31/12/2022 để chứng minh nơi cư trú, do ý kiến còn khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã gửi phiếu thăm dò ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.

Ông Tùng cho biết, kết quả lấy phiếu cho thấy, có 266/402 vị đại biểu Quốc hội đồng ý với phương án cho phép người dân được tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31/12/2022.

Có 135/402 đại biểu Quốc hội đồng ý với phương án quy định sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không có giá trị sử dụng trong các giao dịch, quan hệ pháp luật được xác lập mới kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành, tức 01/7/2021.

Từ đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, tiếp thu theo ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội quy định theo hướng cho phép người dân được tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31/12/2022 để chứng minh thông tin về nơi cư trú, nhằm tránh làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, thêm phiền phức cho người dân, tạo áp lực lớn cho các cơ quan quản lý, đăng ký cư trú tại thời điểm luật mới có hiệu lực thi hành.

Trước khi thông qua toàn bộ dự án luật, 446/455 đại biểu Quốc hội cũng đã tán thành thông qua quy định về việc tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú tới hết 31/12/2022.

Luật Cư trú (sửa đổi) vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua gồm 7 chương, 38 điều. Luật có hiệu lực từ 1/7/2021.

Khi thảo luận về dự án Luật Cư trú (sửa đổi) tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú là điều người dân rất mong đợi.

Thông tin về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Đại tướng Tô Lâm cho biết đã thu thập được 90%, đang thẩm định, phúc tra lại và đưa vào hệ thống. Còn 10% sẽ cố gắng hoàn thành trong năm 2020.

Bộ trưởng Tô Lâm nhìn nhận, không có thời gian chuyển tiếp sẽ bắt buộc các cơ quan quản lý đều phải phối hợp với nhau để thực hiện theo đúng lộ trình đề ra.

THANH THANH

/van-dong-vien-the-thao-thanh-tich-cao-duoc-huong-che-do-dinh-duong-640-000-dong-ngay.html